Bình yên nơi buôn làng
Một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; phát huy sức mạnh đại đoàn kết, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã cùng nhau chung sức xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp.
Già Y Duôn, Buôn trưởng buôn Tơr đang phơi lúa trong khoảnh sân nhà |
Phát huy sức mạnh của hương ước
Không có hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo còn 15,2% (trong khi các buôn khác của xã tỷ lệ này là 33%), buôn Tlier không chỉ giàu nhất xã Hòa Phong (Krông Bông), mà còn là buôn điển hình trong việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Trưởng buôn Y Blin tự hào chỉ tay về những ngôi nhà khang trang, cánh đồng lúa vàng ươm đang chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch như để minh chứng cho điều ấy. Ông bảo, có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp cùng với nỗ lực của người dân trong buôn, một lòng đoàn kết xây dựng buôn làng ấm no, giàu đẹp. Không những thế, ở buôn Tlier hương ước trở thành một công cụ hỗ trợ khá đắc lực cho công tác quản lý. Với việc thưởng phạt công minh, từ khi thực hiện hương ước, đời sống của bà con nơi đây đã có những thay đổi tích cực, các hủ tục lạc hậu nhanh chóng bị loại bỏ, các lễ hội văn hóa truyền thống như cúng bến nước, cầu mưa được duy trì. Bên cạnh đó, hoạt động kết nghĩa giữa các thôn, buôn trong xã đã góp phần thắt chặt tình đoàn kết dân tộc đồng thời hỗ trợ nhau trong sản xuất, phát triển kinh tế.
Buôn Tlier hiện có 136 hộ với 100% là đồng bào Êđê. Là buôn thuần nông, đời sống của người dân nơi đây chủ yếu phụ thuộc vào lúa nước và ngô lai. Những năm gần đây, bà con trong buôn đã tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do cán bộ khuyến nông huyện, xã tổ chức. Năng suất lúa nước bình quân mỗi năm đạt từ 7-8 tấn/ha. Bên cạnh đó, phong trào chăn nuôi của buôn cũng phát triển mạnh mẽ với tổng số lượng gia súc 600 con, gia cầm trên 50.000 con. Từ sự hỗ trợ của các Chương trình 132, 134, 167, không ít gia đình sau khi thoát nghèo đã vươn lên khá, giàu đạt trên 30%. Từ năm 2006 đến nay, buôn Tlier vẫn giữ vững danh hiệu Buôn Văn hóa cấp xã, hiện đang nỗ lực phấn đấu xây dựng Buôn Văn hóa cấp huyện.
Để buôn Kmrơng Prông A luôn xanh - sạch – đẹp
Bảo vệ môi trường (BVMT) là một vấn đề nóng bỏng của toàn xã hội, đã và đang được mọi người quan tâm, tham gia tích cực. Trong đó, yếu tố góp phần quyết định sự phát triển bền vững của nó chính là sự ý thức - tự giác, trách nhiệm của người dân và cộng đồng.
Nhà văn hóa cộng đồng buôn Kmrơng Prông A luôn được giữ gìn vệ sinh môi trường |
Từ nhiều năm nay, buôn Kmrơng Prông A được xem là một trong những khu dân cư có nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ môi trường của xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột). Ngày cuối tuần, đã thành thông lệ, các đoàn viên thanh niên cùng người dân trong buôn lại tập trung tại nhà văn hoá cộng đồng để làm vệ sinh môi trường ở nghĩa trang, bến nước, đường giao thông, nhà cộng đồng của buôn. Ý thức tự giác của người dân trong việc quét, thu gom rác ở các điểm công cộng đã và đang tạo một thói quen trong hoạt động BVMT từ người già đến trẻ nhỏ, đặc biệt còn có sự tham gia tích cực của các đoàn thể: Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh… Anh Y Dhu Kbuôr, Phó Bí thư Đoàn xã cho biết, từ nhiều năm nay, cứ đến ngày lễ, tết là buôn Kmrơng Prông A không quên phát động các đoàn thể ra quân BVMT làm vệ sinh buôn làng sạch đẹp. Không chỉ vậy, bà con còn có ý thức giữ gìn vệ sinh ngay tại nhà mình như: xây nhà vệ sinh tách khỏi nhà ở, thường xuyên quét dọn chuồng trại chăn nuôi để góp phần giảm thiểu các loại dịch bệnh như sốt rét, dịch tả… Nhờ vậy, từng ngõ nhỏ trong buôn luôn sạch sẽ, gọn gàng tạo nên một môi trường sống lành mạnh.
Buôn Tơr giờ đã thoát nghèo
Trước năm 2004, buôn Tơr (xã Dak Liêng, Lak) còn nhiều khó khăn, có gần 70% hộ nghèo, đời sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa nước một vụ nên đến kỳ giáp hạt thường bị thiếu đói. 90 % số hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, với lối canh tác lạc hậu đã làm cho cuộc sống người dân nơi đây luôn đối diện với đói nghèo. Song nhờ các đợt tập huấn của cán bộ khuyến nông xã về trồng cây lúa nước, chăn nuôi trâu, bò đã góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân buôn Tơr.
Người dân buôn Tơr giờ đã biết sử dụng nước giếng trong sinh hoạt hằng ngày |
Từ trồng lúa một vụ, bà con đã chuyển sang làm 2 vụ, biết tận dụng những phụ phẩm dư thừa từ nông nghiệp như rơm, rạ để làm thức ăn cho trâu, bò, kinh tế khá lên và dần đi vào ổn định, tạo nên một diện mạo mới cho buôn Tơr. Buôn có 63 hộ, 350 nhân khẩu nhưng không ai còn phải lo đói mỗi khi giáp hạt nữa, nhà ít nhất cũng có 1 sào lúa nước, mỗi năm thu hoạch từ 4-5 tấn lúa; nhà nào cũng nuôi từ 4-5 con trâu, bò, có hộ nuôi đến hàng chục con và đã biết lấy phân chuồng để bón ruộng. Điện được kéo về tận buôn, nhà nào cũng có điện, ti vi, điện thoại, 80% số hộ trong buôn đã sắm được xe máy..., đời sống tinh thần được nâng lên rất nhiều. Người dân buôn Tơr bây giờ chỉ sử dụng nước giếng đào, đun sôi để nguội chứ không còn uống nước lã nữa; những hủ tục như hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn không còn. Trẻ em đến tuổi đều được đi học. Già Y Duôm, Buôn trưởng vui mừng cho biết, buôn có gần 70 học sinh, trong đó 30 em đang học tiểu học, 25 em THCS, 5 em THPT, chưa kể có nhiều em đang học trung cấp, cao đẳng. Năm 2004 buôn Tơr vinh dự được công nhận là Buôn Văn hóa cấp xã. Công tác an ninh trật tự của buôn cũng rất được chú trọng, nếu như trước đây không ít thanh niên chỉ suốt ngày uống rượu, gây rối thì nay đều chăm chỉ làm ăn, không có hiện tượng ăn chơi lêu lổng, rượu chè, trộm cắp, với thành tích đó năm 2005 buôn vinh dự được Công an tỉnh tặng Giấy khen về phong trào “quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc”. Từ năm 2002 – 2004, 8 hộ nghèo của buôn đã được xây nhà ở từ chương trình 134 của Chính phủ. Con đường vào buôn gần 2 km được nhựa hóa khang trang, sạch đẹp, giúp cho việc giao thông đi lại của người dân thuận lợi dễ dàng hơn.
Ý kiến bạn đọc