Multimedia Đọc Báo in

Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Tây Nguyên: Bảo tồn và phát huy vai trò của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại

10:19, 26/09/2010

Tây Nguyên là vùng đất còn gìn giữ, bảo lưu một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể hết sức to lớn, tiềm ẩn trong đời sống dân gian, tạo nên dấu ấn riêng so với các vùng văn hóa khác trong nước. Di sản văn hóa phi vật thể thực sự là những "hòn ngọc quý" (chữ dùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh) của cha ông trao lại cho con cháu. Theo Luật Di sản, văn hóa phi vật thể bao gồm tiếng nói, chữ viết; tác phẩm văn học nghệ thuật, khoa học; diễn xướng dân gian; lối sống, nếp sống; lễ hội; nghề thủ công truyền thống; trang phục; ẩm thực; tri thức văn hóa dân gian...

Nhịp điệu cồng chiêng M'nông.
Nhịp điệu cồng chiêng M'nông.

Kho tàng văn hóa phi vật thể Tây Nguyên
Nói đến văn hóa Tây Nguyên và các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên là phải nói đến không gian văn hóa cồng chiêng. Cồng chiêng đóng vai trò hết sức quan trọng trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Con người từ khi sinh ra đã nghe tiếng chiêng trong lễ đặt tên, lễ thổi tai; đến khi lìa đời về với thế giới của các vị thần linh, tiếng chiêng ngân dài tiễn biệt trong lễ bỏ mả. Thông qua tiếng chiêng, các tộc người Tây Nguyên như gửi gắm tâm hồn mình, ước nguyện của mình với các đấng thần linh, tiếng chiêng thực sự đã gắn với đời sống của dân tộc, gắn với tâm linh của mỗi người. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được thể hiện qua ngôn ngữ, phong cách diễn tấu, tài bản... riêng biệt và độc đáo, chính vì thế đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Loại hình văn học dân gian truyền miệng cũng là di sản văn hóa phi vật thể phong phú của các dân tộc Tây Nguyên, trong đó sử thi, trường ca là đại diện tiêu biểu nhất. Sử thi có mặt hầu hết ở các tộc người nơi đây, dân tộc Êđê gọi là khan, M’nông là ot ndrong, Bana là h’mon... Sử thi Tây Nguyên được tập trung nghiên cứu, sưu tầm nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ với Dự án Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên mà Viện Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên và phụ cận như Bình Phước, Khành Hòa, Phú Yên thực hiện trong nhiều năm qua. Nhờ đó, chúng ta đã sưu tầm được hàng trăm sử thi, xuất bản nhiều sử thi có giá trị, trong đó sử thi của dân tộc M’nông chiếm số lượng nhiều nhất. Các loại hình văn học dân gian khác của đồng bào Tây Nguyên như lời nói vần, thần thoại, truyện cổ... cũng được sưu tầm, biên soạn và xuất bản.

Tượng gỗ dân gian Tây Nguyên, chủ yếu là tượng nhà mồ một yếu tố không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân bản địa. Dù mang nhiều dáng vẻ nhưng chúng gặp nhau ở một điểm là đều lấy cảm hứng từ đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất và đời sống tâm linh gắn với phong tục tập quán của mỗi tộc người. Các dân tộc sinh sống ở tỉnh Gia Lai như Bana, Giarai là những tộc người có năng khiếu đặc biệt về điêu khắc gỗ, trình độ nghệ thuật tạo hình, trang trí rất phát triển. Những rừng tượng nhà mồ đã từng tồn tại làm nên dấu ấn đặc biệt trong nghệ thuật điêu khắc, thể hiện sự tài hoa, truyền thống nhân văn của các tộc người Tây Nguyên.

Ngoài những giá trị tiêu biểu nêu trên, Tây Nguyên còn có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể khác, đó là kiến trúc nhà làng truyền thống như nhà rông, nhà ưng... của các dân tộc Bắc Tây Nguyên, kiến trúc nhà dài của dân tộc Êđê; nghề dệt và trang phục, tri thức dân gian, ẩm thực, nghệ thuật diễn xướng, lễ hội. Đồng bào Tây Nguyên có nhiều hình thức lễ hội liên quan đến chu kỳ canh tác nương rẫy; lễ nghi vòng đời người; lễ hội cộng đồng...

Trong lễ nghi nông nghiệp, đáng chú ý nhất là lễ ăn mừng lúa mới, lễ cúng hồn lúa, mẹ lúa. Lễ hội cộng đồng phải kể đến lễ kết nghĩa, lễ mừng nhà rông mới...

Tượng nhà mồ ở Buôn Đôn.
Tượng nhà mồ ở Buôn Đôn.

Kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể – một yêu cầu cấp thiết
 Văn hóa dân gian, đặc biệt là văn hóa phi vật thể chủ yếu được lưu giữ trong trí nhớ của con người theo phương pháp truyền miệng, truyền nghề. Nguy cơ mai một của toàn bộ di sản văn hóa dân tộc ngày càng rõ và vì thế, việc điều tra, sưu tầm, lưu giữ chúng ngày càng trở nên cấp bách. Song song với công tác sưu tầm nhất thiết phải làm một cuộc điều tra cơ bản để biết được thực trạng của kho vốn di sản, cái gì đã từng có, cái gì đã mất, cái gì tuy đã lâu không được thực hành nhưng vẫn còn khôi phục được, cái gì đang được duy trì, các nghệ nhân đang sống và có khả năng truyền dạy v.v… Nếu trước đây, chúng ta chỉ biết tập trung “điều tra”, “sưu tầm” thì bấy giờ cần chú ý việc “kiểm kê” di sản văn hóa phi vật thể. Thuật ngữ này đã được bổ sung trong Luật sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá năm 2009 và nêu rõ “Kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa”. Mục tiêu tổng quát của việc kiểm kê là bảo vệ di sản. Theo đó, hoạt cụ thể của kiểm kê là nhận diện; xác định giá trị, sức sống của di sản và đề xuất khả năng bảo vệ. Kiểm kê không phải là đếm và lập danh sách mà xác định các yếu tố, các vấn đề liên quan để bảo vệ di sản. Cơ quan thực hiện điều tra và người làm việc này phải nói được hình thức, đặc điểm và giá trị di sản; các vấn đề về khả năng tồn tại, sức sống và nguy cơ mai một.

Trước yêu cầu cấp bách đó, ngày 30-6-2010, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư “Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Đối tượng kiểm kê là di sản văn hóa phi vật thể đang tồn tại, bao gồm các loại hình: ngữ văn dân gian (sử thi, ca dao, truyện cổ, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết); nghệ thuật trình diễn dân gian (âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác); tập quán xã hội (luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian, bao gồm: tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y - dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.
Theo hướng dẫn của Thông tư, cần ưu tiên kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đang bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp. Việc kiểm kê cần chỉ ra các thông tin cơ bản như: tên gọi của di sản; địa điểm có di sản; chủ thể của di sản; quá trình ra đời, tồn tại của di sản; hình thức biểu hiện, quy trình thực hành, các công trình, đồ vật và không gian văn hóa liên quan cùng với các sản phẩm vật chất, tinh thần được tạo ra trong quá trình thực hành di sản văn hóa phi vật thể; hiện trang di sản. Kiểm kê nhằm xác định và đánh giá giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò, ý nghĩa của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại. Vấn đề then chốt của việc kiểm kê là xác định cho được các biện pháp để bảo vệ di sản. Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể là kế thừa văn hóa sống, bảo vệ con người, cộng đồng, nhóm người hoặc cá nhân sở hữu - nghệ nhân dân gian - chủ thể văn hóa.    

Tấn Vịnh

 


Ý kiến bạn đọc