Cà phê Ban Mê – những nét đặc trưng của không gian văn hóa cà phê
Đến với những quán cà phê ở Buôn Ma Thuột không đơn thuần để uống với nhau ly cà phê Ban Mê ngon chính hiệu, mà còn là một điểm đến để thưởng thức nhiều nét văn hóa độc đáo: Đó là nét hùng vĩ, hoang sơ đúng bản sắc của một Tây Nguyên đại ngàn; một góc Huế dịu dàng, sâu lắng; một phòng triển lãm nghệ thuật đặc sắc; một văn hóa cà phê vỉa hè không lẫn vào đâu được…
Hơi thở của Tây Nguyên đại ngàn
Kiến trúc nhà sàn, thác, suối cùng với cách trang trí từ những vật dụng sinh hoạt thường ngày của người Tây Nguyên như: cồng chiêng, ché rượu cần, chiếc gùi, quả bầu đựng nước, cung nỏ…, những hình ảnh ấy có thể dễ dàng tìm thấy ở nhiều quán cà phê tại phố núi Ban Mê. Có thể kể đến một số quán như: “Thung Lũng Hồng”, “Rainy” với không gian thoáng đãng, vườn cây, con suối, những khu nhà sàn cùng khung cảnh lãng mạn, gần gũi thiên nhiên; hay quán Pơ Lang được thiết kế theo mô hình nhà rông với những vật dụng bài trí là tù và, ché rượu, cầu thang với đôi bầu sữa mẹ, hoặc quán nhỏ nằm lưng chừng dốc với tên gọi mang theo hương hoa đặc trưng của núi rừng: “Dã Quỳ”. Đặc biệt là quán “Chuông Đá”, nơi được ví như “bảo tàng triển lãm” các mẫu hóa thạch và hiện vật mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên. Ở đây ta có thể thưởng lãm từ ngôi nhà sàn nguyên bản đến những bộ cồng chiêng lớn, nhỏ với gần 30 chiếc, rồi cả khung dệt của người Êđê với sợi dệt được lấy từ vỏ cây rừng, chiếc ghế Kpan làm bằng gỗ sao, trống da trâu, ché rượu…
Điều thú vị là chủ nhân của những quán cà phê này thường là người rất thích và am hiểu về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Do vậy khi đến thưởng thức cà phê ở đây, nếu may mắn gặp gỡ, chuyện trò cùng chủ quán, các vị khách sẽ được giới thiệu nhiều điều thú vị về phong tục của người đồng bào bản địa và cả những vật dụng được trưng bày trong quán. Có thể nói, các quán cà phê mang đậm hơi thở của Tây Nguyên đại ngàn đã trở thành điểm giới thiệu, kết nối những người yêu văn hóa Tây Nguyên xích lại gần nhau hơn.
Quán cà phê Vị Đắng |
Dịu dàng nét Huế
Ngay giữa lòng thành phố trẻ nhộn nhịp, đến cà phê “Không Gian Xưa” (87 Y Ngông, TP. Buôn Ma Thuột) để tìm về chút cổ kính, dịu dàng của xứ Huế. Quán được thiết kế bằng những khu nhà rường cổ với những dãy nhà gỗ được chạm trổ hoa văn họa tiết rất tinh xảo. Ngồi trong khu nhà rường mái ngói 3 gian, nhấm nháp vị đắng của những ly cà phê trong cái gió lạnh Tây Nguyên thổi qua, cảm nhận một nét Huế trầm mặc len lỏi về, thấy lòng nhẹ tênh…
Không gian thoáng mát, rộng rãi, những ngôi nhà cổ lợp mái ngói âm dương nối liền nhau, vài ba câu đối, cặp lục bình đặt trước thềm nhà, cùng với lối kiến trúc độc đáo đó là hòn non bộ, một cây cầu cong cong thơ mộng bắc ngang qua hồ cá, những cô gái thướt tha trong tà áo dài tím Huế… Không quá ồn ào, cũng không lặng lẽ đến mức trầm tư, “Không gian xưa” mang lại cảm giác thoải mái trong cảnh sắc thiên nhiên, để tìm về khoảng lặng cho riêng mình, thấy chút bình yên trong tâm hồn, để yêu hơn những nét cổ kính của Huế, những mái nhà xưa… Đêm đến, dẫn lối vào là ánh sáng lung linh của những chiếc đèn lồng thấp thoáng dưới những tán lá, “Không Gian Xưa” càng thơ mộng, ấm áp hơn bao giờ hết. Buổi tối ngồi bên trong những mái vòm của khu nhà, bên bức tường gạch, nghe điệu nhạc Trịnh nhẹ nhàng, nhâm nhi ly cà phê, một cảm giác ấm cúng và thanh tịnh thật khó tả.
Đến với nét dịu dàng của Huế, ta cũng có thể tìm đến quán “Huế Xưa”. Nằm ẩn khuất trong hẻm nhỏ của đường Mai Hắc Đế, không gian của quán thật ấn tượng với kiến trúc đặc trưng của xứ Huế: những mái vòm, nghiêng nghiêng một cây cầu, không gian ngoài trời thoáng đãng với những chiếc bàn gỗ được chạm khắc nhiều hoạ tiết... Buổi sáng có lẽ là giờ khắc đẹp nhất để đến đây, nhấp nháp ly cà phê, nhìn những giọt sương sớm còn đọng lại nơi những chiếc lá, bàng bạc, mờ ảo… Tất cả làm nên một phong cảnh hữu tình và lãng mạn…
Quán cà phê Không Gian Xưa. |
Những “phòng triển lãm nghệ thuật”
Được xem như là một phòng trưng bày các tác phẩm của bạn bè và của chính chủ quán – họa sĩ Phùng Đạt, quán “Văn” là điểm lựa chọn và tìm đến của những người yêu thích nghệ thuật. Nằm nép mình dưới con dốc nhỏ sâu hun hút, với sự chăm chút đến từng cụm hoa, tảng đá, quán “Văn” đã tạo được không gian yên tĩnh, lãng mạn, nên thơ phù hợp với việc thưởng ngoạn và cảm nhận nghệ thuật. Những bức tranh, bình gốm, tượng điêu khắc được xếp đặt, trang trí trên mỗi bức tường, trên từng góc quán một cách khéo léo, tinh tế kết hợp với việc thiết kế ánh sáng thích hợp đã tạo nên những điểm nhấn đẹp, thu hút tầm nhìn của khách. Bên cạnh đó, ngoài không gian đặc thù, mang đậm tính nghệ thuật, quán Văn còn được nhiều khách quen tìm đến bởi đây là nơi giao lưu, gặp gỡ bạn bè với người chủ luôn thân thiện, tận tình tiếp đón.
Cũng như quán “Văn”, quán “Rita Art” được thiết kế, xây dựng bởi một chủ quán đầy đam mê nghệ thuật. Quán cà phê thiết kế theo phong cách mới, hiện đại với mặt đứng chính rất ấn tượng, sử dụng những gam màu mạnh, cá tính như đen, trắng và cam. Quán chia thành nhiều khu vực, kết hợp giữa sân vườn với hồ nước và những chiếc ô che nắng xinh xắn cùng nhiều chủng loại hoa, cây cảnh đã tạo nên một không gian đẹp, hợp lý. Đặc biệt những tác phẩm hội họa trưng bày tại quán đều do chính chủ quán – nữ kiến trúc sư thế hệ 8X thể hiện. Với âm nhạc du dương, trầm lắng cùng những góc không gian riêng, “Rita Art” là một nơi lý tưởng để tìm đến khi cần sự lắng đọng.
Cà phê sách – nét đẹp của văn hóa đọc
Đến Buôn Ma Thuột, tìm một quán cà phê để ngồi suy tư, đọc và cảm thụ hết bao nhiều điều tinh tú trong một quyển sách, có lẽ không đâu lý tưởng bằng quán Hẻm.
Nằm lặng lẽ trong một hẻm nhỏ của đường Lê Đại Hành, khách đi ngang sẽ rất vô tình bỏ qua quán cà phê “Hẻm” nhưng người sành uống cà phê ở Buôn Ma Thuột có lẽ sẽ không thể nào đi qua con đường này mà không ghé vào quán, tìm cho mình một chỗ ngồi bên những chiếc ghế gỗ xinh xắn, chậm rãi lật từng trang sách, nhấm nháp ly cà phê đen nhánh làm ta tỉnh táo đến lạ lùng; hay ngả mình vào chế ghế nệm êm ái, nghe một bản nhạc Trịnh, thật thú vị đến yên ả, để lắng đọng mọi suy nghĩ. Lạ và độc đáo, mang nhiều nét mới, ngay một lối nhỏ dẫn vào quán, chỉ đủ cho một chiều xe đi vào, ai đó vô tình đi hai xe ngược chiều nhau, sẽ phải có một người phải quay đầu lại, nhường đường cho xe kia. Bên trong là cách bố trí giản dị, thoáng đãng, và cố gắng làm sao để khách vào có cảm tưởng như mình có 1 khoảng không gian riêng, dù những dãy ghế đều kê cách nhau không xa… Với lớp trẻ, một nhóm bạn có thể ngồi bệt trên những bộ bàn ghế ngộ nghĩnh hình quả bóng trò chuyện, tán gẫu. Có những góc phòng rộng, thoáng đãng bên dòng nước róc rách chảy, dành cho cả gia đình ngồi quây quần, và cũng có góc phòng khác chỉ dành cho hai người hàn huyên tâm sự…
“Hẻm”, lặng lẽ như chính con đường vào, nhẹ nhàng nhưng “hút” khách, ai cũng tìm thấy một không gian cho riêng mình, thong thả nhìn từng giọt cà phê tí tích rơi nhè nhẹ, ngắm thời gian trôi, để tìm về một khoảng lặng, trầm lắng suy tư, tìm một chút lắng đọng trong cuộc sống hối hả. Đúng như tên gọi, Hẻm mang đến cho ta một không gian nhẹ nhàng, thư thái, khiến ai đã một lần đến với phố núi, ghé Hẻm một lần chắc chắn lần sau có dịp đến sẽ không thể nào bỏ qua.
Lan Lan
Ý kiến bạn đọc