Multimedia Đọc Báo in

Vua voi Khunjunop và những chuyện ít biết

15:51, 11/02/2013

Trong một lần tình cờ, chúng tôi đã gặp được Amí Phương, buôn trưởng Buôn Đôn đồng thời là cháu nội của Vua voi R’leo, chắt ngoại Vua voi Khunjunop. Bà cùng chồng đang nắm giữ nhiều câu chuyện ly kỳ, đẫm chất huyền thoại về các vua voi, trong đó thú vị nhất là Khunjunop.

Khunjunop – “Người tướng chào”

Khu nghĩa địa của dòng họ K’nul nằm tại khu rừng um tùm, cạnh con đường đi vào Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn - nơi an nghỉ của những vua săn voi nổi tiếng bậc nhất Bản Đôn. Dù đã nhiều lần vào khu mộ voi, nhưng tôi vẫn bị ngạc nhiên, bởi khu mộ mới được xây một lớp tường bê tông kiên cố bảo vệ bao quanh. Qua chỉ dẫn của người dân bản địa, tìm về nhà vợ chồng Amí Phương là chắt ngoại Vua voi Khunjunop, hiện đang sinh sống trong căn nhà sàn khang trang, rộng rãi, xây dựng theo lối kiến trúc Lào, được cách tân nửa gỗ, nửa bê tông nằm sát tỉnh lộ 1. Gặp khách, cả 2 vợ chồng đon đả mời vào nhà chơi, và thật tình “bày tỏ bức xúc” rằng: thời gian gần đây không rõ vì lý do gì, nhiều kẻ xấu thường vào khu mộ gia đình đào trộm, mang đi những bức tượng nhà mồ bằng gỗ quý. Gia đình đã phải đầu tư trên 200 triệu đồng để xây dựng tường rào bảo vệ.

Mộ vua voi R’Leo (chóp nhọn) và vua voi Khunjunop (hình vuông, bên phải) tại khu mộ dòng họ
Mộ vua voi R’Leo (chóp nhọn) và vua voi Khunjunop (hình vuông, bên phải) tại khu mộ dòng họ

Tôi ngỏ ý tìm hiểu về huyền thoại săn voi Khunjunop. Như chạm trúng vào miền ký ức, tự hào gia đình, Amí Phương lục tìm, mang ra nhiều hiện vật và hình ảnh về cuộc đời Khunjunop mà gia đình đã sưu tầm, lưu giữ. Trong số đó có nhiều hình ảnh rất quý được con, cháu trong dòng họ hiện đang sinh sống ở nước ngoài sưu tầm gửi về. Trong câu chuyện kể, vợ chồng Amí Phương nhiều lần nhắc đến một chi tiết khiến chúng tôi không khỏi tò mò, rằng danh xưng “Vua voi Khunjunop” mà người ta phong cho ông không phải xuất phát từ việc ông đã săn bắt, thuần dưỡng được trên 400 con voi rừng. Từ Khunjunop ở đây mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Vợ chồng Amí Phương giải thích: Khunjunop không phải là người trực tiếp săn bắt, thuần dưỡng voi. Tên thật của ông là Y Thu K’nul. Xưa kia ông là một tù trưởng uy tín, giàu có bậc nhất Tây Nguyên (được tôn sùng là Vua Tây Nguyên) sở hữu rất nhiều voi. Ông tập hợp chung quanh mình những Gru săn voi nức tiếng nhất như R’leo, Y Keo, Ama Kông… (họ là những người cháu, người chắt có tài săn bắt, thuần dưỡng voi rừng được Y Thu nhận nuôi dưỡng– những người này sau đó cũng được phong Vua voi) rồi chỉ huy họ vào rừng săn bắt, thuần dưỡng voi. Trên uy tín, quan hệ rộng, voi rừng sau khi được thuần dưỡng ông đem giao thương, trao đổi với các nước lân bang như Lào, Campuchia, Thái Lan, Mã Lai…Trong đó, Thái Lan là nước ông đặt mối quan hệ làm ăn thân thiết nhất.

Một lần săn được con voi trắng, Y Thu K’nul mang tặng nhà vua Thái Lan và được Vua Thái phong tặng danh hiệu Khunjunop – tức Người tướng chào. Ama Phương cắt nghĩa: Khun có nghĩa là Người, Ju là Tướng, Nop là chào. Không chỉ giàu có, uy tín, Khunjunop là tù trưởng vô cùng bao dung, thương người. Thời đó vẫn còn tồn tại tình trạng buôn bán nô lệ. Trên cương vị tù trưởng, Khunjunop tuyệt đối không cho bắt bán nô lệ sang nước khác; nếu có ai đó bị bắt bán, ông biết được sẽ đứng ra xin, hoặc tự bỏ tiền mua về nuôi rồi sau đó tha về. Theo luật tục ngày xưa, ai đó bị quy cho là “ma lai” thì lập tức bị cả làng kéo đến bắt, giết chết. Những trường hợp này Khunjunop cũng bỏ tiền ra mua nuôi, không cho giết; hoặc người phạm tội trộm cắp, nếu bắt được sẽ bị đem bán làm nô lệ để “trừ” vào đồ vật họ đã ăn cắp, ông cũng mua về nuôi rồi sau đó tha bổng. Khi người Pháp xâm chiếm Đông Dương, vào Bản Đôn bắt người của ông đi lính, ông đã dùng ngà voi “thế” cho Pháp để người dân không bị bắt lính. Từ những việc làm này, ông được người dân Tây Nguyên hết sức kính trọng, tôn sùng; kể cả người Lào, Campuchia, Thái Lan hay người Pháp khi đặt quan hệ làm ăn đều nể phục. Bất kỳ dân thường, hay người có chức quyền khi đến nhà gặp Khunjunop, ngay từ ngoài cổng họ đã chắp tay cúi chào cho đến khi lên khỏi cầu thang; lúc ra về, họ cũng đi thụt lùi, chắp tay cúi chào từ cầu thang ra đến cổng thêm lần nữa để tỏ lòng tôn kính.Vì lẽ này, trong lần đem bạch tượng sang tặng nhà Vua Thái Lan, ông được nhà vua Thái mến gọi với cái tên Khunjunop – Người tướng chào, là do vậy! – Ama Phương giải thích

Bức ảnh chụp vợ chồng Khunjunop tại buôn cũ ở thác Bảy nhánh thời Pháp
Bức ảnh chụp vợ chồng Khunjunop tại buôn cũ ở thác Bảy nhánh thời Pháp

Và những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại

Theo Amí Phương được những người đi trước kể lại, thì Khunjunop là người gốc M’nông, cha ruột tên Điểu Thét (sống ở vùng Dak Nông bây giờ), lấy mẹ là người Lào, tên Lào K’nul; ông còn có một cha nuôi người Lào, nên ông còn được gọi là người “một mẹ, hai cha”. Ông sinh ra và lớn lên tại vùng đất giáp Campuchia. Khi sinh Khunjunop, mẹ ông đau đẻ 3 ngày 3 đêm, theo phong tục, người nhà mổ heo, mổ gà cúng thần linh nhưng bà vẫn không sinh được. Cho đến đêm thứ 3, trong nhà bỗng nghe tiếng leng keng như chuông và xuất hiện bóng một con ngựa bay mấy vòng quanh nhà, lúc này bà mới sinh hạ được Khunjunop. Từ chuyện này, người trong gia đình, ai cũng tin rằng ông là con của thần linh, chứ không phải người thường.

Do hoàn cảnh đưa đẩy, Khunjunop đã tìm đến vùng đất Bản Đôn và trở thành người lập địa, khai sinh ra vùng đất “nhuốm đầy huyền thoại” với nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng nức tiếng. Khunjunop cùng gia đình sống tại quê hương được một quãng thời gian thì xảy ra mâu thuẫn đánh nhau, mẹ ông cùng nhiều người nhà bị người buôn bên cạnh bắt nhốt vào trong hang đá. Khunjunop cùng 2 người cậu may mắn chạy thoát thân, đã tìm đến vùng đất ở Thác Bảy nhánh lánh nạn, sau đó tìm đến bà Ja Wầm (một tù trưởng giàu có ở vùng đất Cư M’gar thời bấy giờ) mượn người đi giải cứu mẹ. Đánh cho kẻ địch tơi bời, cứu được người, Khunjunop đưa cả gia đình về khu vực Thác Bảy nhánh sinh sống, lập buôn và đặt tên Bản Đôn (tức làng đảo, theo tiếng Lào). Amí Phương giải thích: Khunjunop chọn Thác Bảy nhánh để lập bản, bởi nơi đây đường đi lối lại hiểm trở, kẻ địch khó xâm nhập. Giữa các đảo ông cho làm cầu treo để thuận tiện đi lại. Trong một lần kẻ địch tìm đến trả thù, khi leo qua cầu treo, Khunjunop cho người chặt đứt dây khiến kẻ thù rơi xuống sông chết rất nhiều; từ đó khiếp sợ mà không dám tìm đến vùng Bản Đôn trả thù nữa; cuộc sống gia đình, buôn làng nhờ vậy được yên ổn. Dân số ngày một đông, Khunjunop bắt đầu cho ra ở riêng, cấp cho mỗi người một con voi để đi kéo gỗ, tự làm ăn, nhờ vậy đất đai được mở rộng trải dài từ buôn Tul đến Ea Súp. Sau ba lần phải chuyển buôn do bị hỏa hoạn, Bản Đôn được “yên vị” tại vùng đất trù phú, bên bờ sông Sêrêpôk thuộc buôn Trí A, xã Krông Na, Buôn Đôn ngày nay.

Tượng vua voi Khunjunop được dựng tại khu du lịch thác Bảy nhánh (nơi ông lập buôn đầu tiên)
Tượng vua voi Khunjunop được dựng tại khu du lịch thác Bảy nhánh (nơi ông lập buôn đầu tiên)

Amí Phương lục tìm đưa chúng tôi xem một bức hình đã cũ, trong đó chụp hai người, một đàn ông, một đàn bà, người đàn ông cầm khẩu súng. Bà giải thích: bức hình này rất quý, bởi được một người cháu tìm thấy tại một bảo tàng bên Pháp gửi về. Trong hình là hai vợ chồng Khunjunop, bức hình được chụp trong một lần người Pháp vào thăm Bản Đôn, tặng ông khẩu súng để tự bảo vệ, đồng thời tìm cách “dụ dỗ”, ngỏ ý muốn được xây dựng cơ sở đồn trú tại đây. Tuy nhiên, Khunjunop nhất mực từ chối, lập nhiều mưu mẹo để người Pháp không thể hiện diện trên đất Bản Đôn. Hàng đêm, Khunjunop cho thanh niên trong bản nấu nước sôi tưới vào các gốc cây, rau màu làm cho cây chết khô rồi nói với người Pháp: đất đai ở đây xấu lắm, nóng lắm, không làm thành phố được đâu, người Pháp ra ngoài Buôn Ma Thuột có đất tốt mà xây dựng! Và mãi đến khi ông qua đời, đến đời cháu là R’leo lên thay thế, người Pháp vẫn chỉ mới đặt quan hệ làm ăn, qua lại mà không thể đóng quân tại đây.

Thời đó, Khunjunop là người giàu có nhất Tây Nguyên, nhiều tiền đến nỗi ông phải cho xây một kho riêng để đựng tiền. Amí Phương kể một câu chuyện để chứng minh về sự giàu có của cố ngoại mình: vào thời kỳ chiến tranh chống phát xít, người Pháp đã đến mượn tiền của Khunjunop để mua vũ khí đánh phát xít Đức. Giữa hai bên có ghi giấy mượn tiền, giấy này được ông bỏ vào một ống lồ ô gác trên mái nhà. “Giấy ghi nợ đó giờ không còn nữa, bởi trong lần buôn bị cháy, nhà ông cố ngoại cũng cháy theo, giấy ghi nợ gác trên mái nhà vì thế cháy mất, thật là tiếc phải không - A mí Phương cười hóm hỉnh.

Lê Văn

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.