Multimedia Đọc Báo in

Lễ cúng nồi cơm và bầu đựng gạo của người Êđê

19:38, 07/09/2014
Theo phong tục của người Êđê, sau khi thu hoạch lúa xong, đưa lúa về nhà, đổ đầy bồ, mọi gia đình đều làm lễ rước hồn lúa và cúng bồ lúa để cầu mong thần lúa giúp cho chủ nhà luôn được lúa đầy bồ. Tiếp đến mọi nhà đều làm lễ ăn cơm mới.
 
Trong lễ này họ thực hiện nghi lễ cúng thần lúa, cúng các vị thần linh của núi rừng (thần đất, thần núi, thần sông, thần suối…) và bao giờ cũng có mâm cơm cúng tổ tiên ông bà (Phăt Atao) để tạ ơn các vị thần linh và tổ tiên ông bà trong năm qua đã giúp gia chủ một mùa rẫy bội thu.

Sau lễ này, các gia đình người Êđê đều tổ chức lễ cúng nồi cơm và bầu đựng gạo để cầu mong cuộc sống gia đình no đủ, ấm cúng, bình yên, nồi cơm ăn hằng ngày luôn luôn đầy, bầu đựng gạo không bao giờ vơi. Lễ vật là một ché rượu, một đầu heo, một nồi cơm (cỡ nồi ba) vừa nấu chín, một quả bầu khô lớn đựng đầy gạo, một nồi canh rau, một bát đồng đựng tiết heo pha rượu. Tất cả được đặt gần bếp lửa, quay về hướng cửa sổ phía Đông thuộc gian Gah (gian khách) của ngôi nhà dài.

Sau khi đã chuẩn bị xong lễ vật, tiếng chiêng Knah trầm bổng gọi Giàng ngân vang; thầy cúng đọc lời khấn:

“À, ơ Giàng!

Hôm nay chủ nhà Amí H’Jen làm lễ cúng nồi cơm và bầu đựng gạo

Tôi gọi các vị thần lúa, thần kê

Tôi gọi các vị thần của núi rừng

Hãy giúp nồi cơm và bầu đựng gạo của Amí H’Jen luôn luôn đầy

Nồi cơm nấu phải có phép thiêng

Bầu đựng gạo phải có phép thần

Dùng mãi không vơi, ăn mãi không cạn!...”

Lúc này tiếng chiêng gọi Giàng càng trầm bổng ngân vang khắp núi rừng, buôn làng, như giục giã gọi mời các vị thần linh về dự lễ và mời bà con trong buôn đến mừng lễ cúng nồi cơm, bầu đựng gạo của Amí H’Jen.

Sau đó, thầy cúng lại tiếp tục lời khấn:

“Cầu mong các vị thần linh giúp cho chủ nhà

Nồi cơm nhỏ đãi khách một buôn

Nồi cơm to đãi khách nhiều làng

Khách đến ăn một chén đã no

Người nhà ăn một miếng đã đủ!...”

Tiếng chiêng về sau càng rộn rã vang xa, vượt qua mái nhà, lan khắp núi rừng, bay lên trời cao, đưa lời khấn của thầy cúng đến với ông bà mặt trời, mặt trăng và các vị thần linh, cầu mong các Giàng quan tâm giúp đỡ gia chủ và cộng đồng buôn làng mùa rẫy nào lúa cũng đầy bồ, để nồi cơm và bầu đựng gạo không bao giờ vơi.

Lời khấn của thầy cúng lại tiếp tục ngân vang:

“Tôi bôi tiết heo vào nồi cơm

Tôi quét tiết heo vào bầu đựng gạo

Cầu mong các Giàng cho nồi cơm luôn đầy

Cầu mong các Giàng cho bầu gạo không bao giờ vơi

Trẻ em lỡ tay làm vỡ nồi cơm đừng giận

Người già lỡ tay làm đổ cơm, nồi cơm đừng buồn

Hãy giúp chủ nhà Amí H’Jen nồi cơm và bầu đựng gạo luôn đầy 

Hãy giúp chủ nhà luôn được no

Hãy giúp chủ nhà luôn đầy đủ

Tôi gọi đến đây đã hết lời

Xin tạ ơn các Giàng!”

Sau lời khấn, thầy cúng mời chủ nhà (đàn bà trước, đàn ông sau) đến cầm cần  rượu uống giao cảm với các vị thần linh; sau đó chủ và khách cùng ăn uống vui vẻ.

Lễ cúng nồi cơm và bầu đựng gạo là một phong tục đẹp nằm trong hệ thống nghi lễ nông nghiệp của người Êđê. Đây là nghi lễ đề cao thành quả lao động, quan tâm đến cuộc sống no đủ của mỗi gia đình và cộng đồng nhằm đẩy lùi cái đói, cái nghèo, hướng đến ấm no, hạnh phúc. Lễ cúng nồi cơm và bầu đựng gạo mang tính nhân văn sâu sắc, cần được gìn giữ, phát huy trong đời sống văn hóa của người Êđê.     

Trương Bi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.