Multimedia Đọc Báo in

Tục cưới hỏi của người Dao

09:02, 04/06/2017

Vào Đắk Lắk lập nghiệp, đồng bào Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn giữ được nhiều phong tục truyền thống của dân tộc mình, trong đó có tục cưới hỏi.

Ông Triệu Cắm Viên người Dao Thanh Phán (60 tuổi, ở thôn Hợp Thành, xã Ea Mdroh, huyện Cư M’gar) cho hay, phong tục cưới hỏi của người Dao trải qua nhiều nghi thức, trong đó có 3 lễ chính là: Lễ so tuổi, thách cưới và lễ cưới. Lễ so tuổi được coi là quan trọng và chiếm nhiều thời gian nhất vì người Dao quan niệm vợ chồng hợp tuổi, mệnh thì mới ăn nên làm ra, con cháu đề huề, gia đình hạnh phúc. Nếu phạm phải tuổi tứ hành xung thì mọi sự trắc trở, vợ chồng lục đục, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng mỗi người. Do vậy, chuyện dựng vợ, gả chồng cho con thường do cha, mẹ quyết định. Nhà có con trai 15-16 tuổi đã lo chuẩn bị sính lễ hỏi vợ. Còn gia đình có con gái 13 tuổi cũng “chuẩn bị tinh thần” tiếp các bà mối tới coi mắt, xem mặt.

Người mẹ muốn tìm vợ cho con trai phải mang rượu, trầu cau đi khắp làng mời chào những gia đình có con gái đến tuổi cặp kê để hỏi giờ sinh, tuổi tác. Nếu hợp tuổi, mệnh với con mình thì tính chuyện tiến tới, còn không họ tiếp tục tìm cho đến khi nào được mới thôi. Chọn được đối tượng, nhà trai nhờ một bà mối trong làng mang trầu cau sang nhà gái “ngỏ lời”. Nếu nhà gái đồng ý, cả hai gia đình vẫn phải trải qua thêm một khoảng thời gian thử thách gay cấn. Trong thời hạn 3-7 ngày, nếu nhà gái không ưng chàng trai thì mang lễ vật sang trả. Ngược lại, nếu chàng trai đổi ý không muốn cưới cô gái thì chủ động sang lấy tín lễ về. Tối kỵ hơn, trong thời gian thử thách, nếu hai bên gia đình xảy ra việc chết mèo, chó, gà, trâu, bò… thì chuyện tình duyên của đôi trẻ phải dừng lại. Vì người Dao cho rằng, việc những con vật chết trong thời gian này là điềm báo cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Nếu cứ cố cưới về cuộc sống gia đình sẽ có nhiều biến cố, ốm đau, bệnh tật, làm ăn thua lỗ. Hết thời hạn, mọi việc thuận lợi, mới tiến đến thương thảo lễ vật (lễ thách cưới).Thông thường, nhà gái yêu cầu:  1- 2,5 nén bạc trắng, 120 - 300 kg gạo, 80-160 lít rượu trắng, 80-100 kg thịt, 4 đôi gà, 2-3 bộ quần áo. Nếu nhà trai quá nghèo không đáp ứng được thì đành bỏ cuộc hoặc xin “cưới nợ”. Xong mọi thử thách, lễ cưới mới được cử hành.

Phụ nữ Dao tự may trang phục truyền thống cho mình.
Phụ nữ Dao tự may trang phục truyền thống cho mình.

Trong lễ cưới, cô dâu mặc váy, thắt dây bạc ngang lưng, đầu trùm khăn đỏ, tay đeo nhiều vòng vàng lấp lánh. Chú rể mặc áo đỏ, đầu đội khăn truyền thống. Trước khi cô dâu về nhà chồng, thầy mo cúng trình báo tổ tiên nhà gái, đoàn đưa dâu xuất phát từ sáng sớm để cầu may mắn. Nhà trai cũng cử một đoàn mang theo lễ vật, kèn trống đi rước dâu. Trên đường về, đoàn đưa dâu phải tuân theo những kiêng kị nhất định như phải đi thẳng, không được ghé nhà hay đi sau nhà người khác, không được tùy tiện bước qua kênh mương. Về đến nhà trai, phải chờ thầy cúng làm phép giải hạn, xua đuổi tà ma và đợi đến giờ tốt mới vào nhà trong khoảng 2 giờ sáng đến 11 giờ trưa.

Lễ cưới của người Dao không thể thiếu nghi thức bái đường, công nhận đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng. Cô dâu, chú rể cùng quỳ trước bàn thờ tổ tiên để thầy cúng làm phép, yểm bùa yêu. Sau đó, cả hai cùng lạy đủ 12 lần trước gia tiên và uống chung ly rượu, hẹn thề sống bên nhau đến đầu bạc răng long. Kết thúc nghi lễ, những người đến dự chúc phúc cho đôi trai gái và mừng tiền cưới. Số tiền mừng thường là hai tờ giống nhau chứ không được một tờ hoặc nhiều hơn hai tờ, thể hiện sự đồng hành, sướng khổ có nhau.

Ông Triệu Văn Long - Trưởng thôn Hợp Thành cho biết, ngày nay lễ vật cưới hỏi của người Dao đã giảm đi nhiều. Trai, gái cũng được tự do tìm hiểu chọn bạn đời cho mình. Tuy nhiên chuyện tuổi tác vẫn được coi trọng nên các bạn trẻ thường xem tuổi trước khi quyết định đến với nhau.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.