Không tình yêu
Anh từng như người khát cháy cổ lại bị kẻ khác giằng ly nước ra khỏi tay. Trở về sau hai năm thực hiện nghĩa vụ quân sự, anh yêu và được yêu say đắm. Cô ấy cùng quê anh. Nhưng họ đột ngột chia tay sau lần anh tình cờ nghe lời khuyên con gái của cha vợ… hụt: “Thương gì cái thằng nghèo dơ rui đó; nhà nó đến rác cũng không có!”. Lòng tự trọng buộc anh nói lời chia lìa trong nỗi đau nghẹt thở; chưa bao giờ anh thấy phẫn uất như thế. “Nghèo là hèn” - chiêm nghiệm ấy làm anh tủi nhục.
Tình cảm giữa hai người càng sâu đậm khi ba Giang, một giám đốc sở xin cho Chinh làm việc ở thành phố. Từ đó, anh bỏ lại sau những e dè giữ kẽ, tâm trạng thường có trong những lần đến ngôi biệt thự lộng lẫy ngay phố lớn của gia đình nàng. Qua rồi lúc anh lóng ngóng đón tay lái chiếc xe tay ga mới cứng từ tay Giang rồi vòng vèo đưa nàng đi khắp phố. Điểm kết trong chuyến “tư du” ấy thường là những nhà hàng mà quả thật nếu không nhìn vào thực đơn, Chinh cũng chẳng biết đang dùng món gì. Nghĩ về mối tình xưa với người cũ giờ đang băm bèo xắt chuối ở một trang trại nuôi heo, anh hãnh diện, niềm hãnh diện rất vật chất, tưởng như sờ được. Anh không kể nhưng qua bạn bè, Giang biết trắc trở khiến anh phải xa cô gái quê.
Sau cái chậc lưỡi là sự bất chấp trong anh lấn tới khi nghĩ về mối tình hiện hữu. Không lắc cũng chẳng gật, anh nhận lời tỏ tình của Giang trong một đêm trăng thanh gió mát, bên vòi nước phun trong công viên thành phố.
Một sáng, anh tới cơ quan, nghe các bạn đàm tiếu:
- Thằng Chinh đẹp lồng lộng như minh tinh màn bạc, điên khùng chi lại khiêng con Giang trông như tượng đẽo dao cùn. Thiệt hết hiểu nổi.
- Nó chẳng dại đâu, cái máy tính di động đấy. Này nhé, ông già của Giang là giám đốc sở, có quyền ắt có tiền. Con bé lại làm kiểm toán, nghề hót của thời nay. Và nữa, nhà chỉ có hai chị em gái; Giang là chị. Khi ông bà già “đi họp” thì cái gia sản lù lù kia đi đâu không về tay thằng Chinh.
Trước khi dắt xe vào ga-ra, anh còn nghe một giọng chán chường: “Bây giờ, tìm được tình yêu trong sáng như cổ tích khó như hái sao trên trời. Họ tính toán cả đấy, nghe đâu nhà nàng phải “bù” cho thằng Chinh một con xe bốn bánh đập hộp”.
Minh họa: Trà My |
Cả buổi làm việc, Chinh nghĩ lan man, cái gạt tàn thuốc trên bàn mỗi lúc một đầy. Nhức đầu, anh ra ban công tìm góc vắng đứng một mình. Nghĩ về Giang và nhớ câu nói đâu đó anh đã một lần nghe - hơn cả sự sống, tình yêu không thể cố gắng mà có, anh thoáng hoang mang. Chỉ thoáng thôi rồi qua ngay. Vâng, anh cần có cuộc sống đàng hoàng, “giàu vì bạn sang vì vợ” thì đã sao!? Chẳng phải vu vơ khi thiên hạ đúc kết “Nhà mặt phố, bố làm to”. Anh đang thiếu những thứ chính Giang đang thừa.
Tự hòa tan những dằn vặt bằng bao suy luận có lý, vẫn không cho anh yên tâm ra khỏi nhà. Buổi tối, anh lỡ hẹn Giang. Hẳn Giang không giận vì sự thất hứa này cũng như chưa bao giờ cô phật ý về anh. Nhưng không phải chờ lâu, mấy ngày sau anh vô tình làm Giang giận, giận thật, sóng gió thật, chứ chẳng phải như tí chua cay trong bữa ăn.
Lúc đó, hai người bên nhau nơi ghế đá công viên. Những nụ hôn dù nồng nàn, những cử chỉ dành cho nhau thích đến lịm người rồi cũng chán, họ im lặng. Giang ngả đầu vào vai anh một cách tin yêu. Anh thấy mệt, chỉ muốn về. Họ sẽ hẹn lần sau và lưu luyến chia tay, nếu anh không dại dột hỏi thật điều đang nghĩ:
- Sao anh thấy em chẳng giống ai trong nhà?
- Em?
Giang giật mình, vén tóc nhìn anh, thảng thốt. Cũng run run như bàn tay đang cầm tay anh là giọng cô hỏi lại:
- Anh nói em chẳng giống ai trong nhà?
- Chứ không à!? Anh cười chân thành - Bé Bình mang dáng của mẹ, khuôn mặt của ba. Còn em…
- Thôi đi!
Cắt ngang lời anh, Giang giận dữ đứng lên, đế giày cô giẫm phải chân anh đau điếng. Chắc cỏ dưới chân cũng đau thế bởi những bước nặng trịch phũ phàng của cô đang hướng lại chỗ để xe. Anh ngơ ngác. Cả hôm sau nữa, như kẻ mộng du, anh cố hiểu mà không thể hiểu mình có lỗi gì. Cũng chưa kịp hiểu nhưng lòng anh nhẹ đi bởi lời xin lỗi của Giang sau đó cùng lời vỗ về “đừng chấp sự hồ đồ của em”. Chưa đến độ “lục thập nhi nhĩ thuận” nhưng anh im, tự ru mình bằng ý nghĩ “con không giống cha mẹ là thường”.
Ngày ngày Chinh nhìn tấm lịch, gỡ từng tờ mỏng như thúc giục ngày tháng trôi nhanh. Anh cảm thấy như mặt trời cứ dềnh dàng trên đỉnh núi, chậm chạp thu về những tia nắng để giã biệt mỗi ngày. Không phải như bao lứa đôi bay trong mây hồng để đến ngày cưới, anh phập phồng… Anh hoang mang khi nghĩ đến “đối tác” và ngày thành hôn đang đến. “Cưới vợ thì cưới liền tay…” lời người xưa đang đúng với anh. Anh không muốn nghe nhiều hơn những lời trêu chọc của những đồng nghiệp. Ba Giang chuẩn bị cho ngày vui của con gái từ thiếp mời đến giường tủ, cả đất làm nhà. Cha anh, một lão nông chân đất, ghé tai con: “Làm chi đó làm nhưng đừng để cưới được vợ thì đổ nợ”. Nghe con trai bảo, mọi thứ do nhà gái lo, ông phật ý bởi sợ người ta khinh. Có lẽ hơn cả chú rể, mẹ anh là người vui nhất. Con trai đầu có vợ ở phố; với bà, chỉ chừng ấy cũng đủ vui rồi. Duy có cặp em gái sinh đôi kế anh là lắc đầu nguây nguẩy sau lưng chị dâu. Ra Đà Nẵng dự đám hỏi anh mà chúng bỏ đi chợ Cồn chơi, sát giờ mới tới, vẻ dửng dưng, lại hững hờ như ăn hàng giữa chợ. “Chúng còn tuổi hoa lá, sao hiểu được người lớn?!” - anh tự an ủi.
Ngày cưới, ngày anh mong chờ và cả điều không ngờ cùng đến. Anh bàng hoàng… Sau lời giới thiệu “mời đại diện nhà gái phát biểu”, hôn trường lắng xuống chờ đợi, cả tiếng cắn hạt dưa tí tách cũng thưa hẳn. Mọi ánh mắt hướng về chiếc bàn đặt gần mi-crô, nơi dành cho những người ruột thịt của cô dâu chú rể. Ba Giang quay sang nói nhỏ với một chị ngồi cạnh. Chị ta phẩy tay, có ý từ chối lời ông. Ông lại nói. Cuối cùng chị đứng lên, cầm mi-crô nói mấy lời giản dị: “Tôi là chị ruột, chị hai của Giang, xin thay mặt gia đình cảm ơn…”. Đoạn cuối, giọng chị xúc động: “Trong ngày vui này, chị dặn hai em Chinh và Giang luôn luôn ghi nhớ công ơn dưỡng dục trời biển - Chị hướng về phía ba Giang - Bác Năm, tuy không sinh nhưng đã hết lòng nuôi dạy Giang nên người. Hai em đừng quên điều đó”. Anh tròn mắt hệt như đứa trẻ lần đầu nhìn vào máy chụp hình; người ngay đơ như tượng; toàn thân lạnh đi rồi lại bừng bừng nóng trong cảm xúc chợt đến.
Thật ra, anh đã biết mặt chị hai của Giang. Một tuần trước ngày cưới, anh đến đưa Giang đi sắm đồ, gặp chị đang ngồi nói chuyện với ba Giang. Vừa thấy anh, chị tươi cười: “Chinh phải không?”. Anh “dạ” khẽ và ngờ ngợ sao chị giống Giang quá. Họ chưa kịp nói gì thì Giang từ nhà dưới lên, xen vào bằng tiếng nói cười giả lả. Lấy cớ để ba nói chuyện với khách, cô đưa vội anh vào phòng riêng. Cũng rất vội, cô đưa anh ra phố. Nghe anh hỏi về khách, Giang cười cười, giọng như thật: “Chị con bác em dưới quê mới lên”. Sao Giang giấu anh? Để làm gì? Chưa bao giờ anh nghe Giang kể về cha mẹ đẻ cùng chị em ruột của mình. Cô ngoảnh mặt với những người ruột thịt để đến với anh? Giờ anh mới ngộ ra, cớ sao Giang lại giục cưới nhanh. Nhớ lần giận dỗi của Giang trong công viên khi nghe bảo cô không giống ba mẹ, anh tức nghẹn cổ.
Sau ngày cưới, anh đến cơ quan, không phải để làm việc mà để cảm ơn các bạn trong chi đoàn đã tận tình giúp trong ngày vui. Tay xách bịch bánh trái, anh vào phòng sinh hoạt chung của cơ quan. Đến cửa, anh đứng sững lại vì nghe mọi người đang nói chuyện về mình.
- Cú này thằng Chinh ăn quả lừa rồi. Nhưng con nuôi cũng như con đẻ, mắc mớ chi Giang nói dối nhỉ!?
- Cậu ngây thơ quá, hôm cưới mình ngồi bên cô em họ của Giang nên nghe cô tỉ tê; im để nói cho nghe - Người kể hắng giọng rồi thong thả - Cảnh nhà Giang rất nghèo, cha lại chết bất đắc kì tử; mẹ tối mặt với bảy cái “tàu há mồm” trong nhà nên đành cho Giang làm con nuôi ông giám đốc sở. Giang giấu tiệt nguồn gốc rơm rạ của mình vì sợ thằng Chinh cắt cầu. Nó dư biết, Chinh yêu bố vợ cùng gia sản kếch xù của ông ta, chớ thương gì nó!
- Vậy là bốn chín gặp năm mươi, xịt rồi!
- Đúng! Nếu ông bà già thăng thiên thì quyền thừa kế tài sản trước hết thuộc về bé Bình, đứa con họ đứt ruột đẻ ra; Giang là con nuôi nên còn lâu!
Chinh đứng lặng, tay run run chạm vào bờ tường; mặt đá mát lạnh mà người anh như sôi lên. Phỏng đoán của những người ngoài cuộc kia là suy nghĩ của Giang sao? Anh nhếch mép, chua chát. Đi chân nhện, anh quay ra lặng lẽ như người đi tự tử; rồi phốc lên xe, nổ máy. Cũng quay cuồng như ý nghĩ trong đầu anh, chiếc xe lồng lên như điên dại. Gió táp vào mặt đến tức ngực, nghẹt thở; gió như muốn giật phăng đầu ra khỏi vai anh. Loáng thoáng bên tai là những lời quở trách của những người đồng hành nhưng Chinh mặc.
Bước vào nhà, anh khựng lại, lắc đầu chán ngán. Cái lắc đầu thứ nhất kể từ ngày anh đến với gia đình này kéo theo cảm giác xa lạ, lẻ loi cùng đến. Định đổ những bực tức lên đầu Giang nhưng cảm giác mát lạnh của nền gạch bông dưới chân vừa như làm dịu cơn nóng trong anh vừa như nhắc anh - đây là nhà vợ.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc