Nghĩ mà thấy lòng rưng rưng...
Hôm trước, cô học trò cũ gọi điện cho tôi qua Messenger thổn thức rằng em sẽ lấy chồng cô ạ. Chúc mừng em nhé. Nhưng em không vui. Em mất ngủ suốt mấy đêm rồi. Chồng em không muốn em làm điều dưỡng cô ạ. Anh ấy bảo cái nghề gì mà vừa vất vả, vừa chẳng có tiền, vừa suốt ngày bị mắng. Ham gì. Về đẻ con cho anh. Anh nuôi.
Rồi cô bé thút thít. Rất lâu. Cứ như thể đã lâu rồi không được khóc. Rồi thì ba mẹ em cũng nói thế, anh chị em cũng nói thế. Cứ như thể ngày xưa em đã có sự lựa chọn sai cô ạ. Nhưng em yêu công việc của em lắm. Bảo bỏ là không bỏ được.
Sao mà bỏ được. Vài ba lần gặp lại đám học trò nhỏ, đứa này khoe em là nhân viên sale, tiền kiếm được cũng ổn. Đứa kia khoe, em là bác sĩ khoa ngoại ở bệnh viện tư ở Sài Gòn. Còn con bé mặt tròn, hai tay xoắn mãi vào nhau. Em đó, em làm điều dưỡng ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cô ơi. Em làm việc ở khoa sản, suốt ngày chăm sóc em bé với các bà mẹ. Vất vả không em? Có chứ cô. Nhưng vui cô ạ. Nhất là khi đỡ trên tay một đứa trẻ sơ sinh, bé xíu xiu nhưng tiếng khóc thì rất to. Chỉ riêng việc đưa trẻ đi tắm thôi là chúng em có luôn một đội chuyên tắm bé. Hễ bồng đứa trẻ về đến giường, trao cho mẹ, nhìn em bé sạch sẽ, rúc vào ngực mẹ là chẳng còn thấy vất vả chi hết. Niềm vui đơn giản thế thôi cô à.
Minh họa: An Quốc Bình |
Cô học trò chẳng kể gì về sự cực nhọc của nghề điều dưỡng. Nhưng những ngày nằm ở bệnh viện, trong phòng chăm sóc hậu phẫu của khoa sản, tôi nhận ra đây là công việc vô cùng vất vả. Từ việc thay băng, tiêm thuốc, truyền nước đến cả trăm việc cỏn con khác để chăm sóc các bà mẹ yếu ớt vì bao nhiêu sức lực dồn hết cho chuyến vượt cạn sóng gió và những đứa trẻ sơ sinh mỏng manh. Một đêm, có đôi ba lần cả phòng được dựng dậy khi liên tục có ca sanh xong được đưa xuống. Rối rít. Những bà mẹ rên xiết vì đau nhưng người nhà đi cùng thì hăm hở và vui vẻ lắm. Họ xoắn quanh đứa trẻ con, thậm chí có lúc họ quên luôn người mẹ vừa trải qua cơn thập tử nhất sinh đang nằm rũ trên băng ca, đắp sơ sài tấm chăn màu xanh lá phờ phạc, nằm thuỗn dài, đến hơi thở cũng yếu ớt. Giữa lúc ấy, các cô điều dưỡng còn mãi loay hoay chuyển bệnh nhân từ băng ca xuống giường, rồi lấy ven để truyền nước, dặn dò. Cứ thế, xoành xoạch cả đêm…
Tôi không thể hiểu tại sao những cô điều dưỡng lại có thể điềm tĩnh đến dường ấy, khi mà sự ầm ĩ, giận dữ có thể ập đến bất cứ lúc nào. Cũng có khi vì chiếc kim tiêm của những cô cậu sinh viên thực tập trật ven, bệnh nhân giãy lên mắng ầm ĩ. Khi mà có anh chồng đi chăm vợ nhưng hút thuốc phì phèo ở hành lang bị nhắc nhở thì quát lên ầm ĩ; rồi thì hàng trăm những việc không tên khác…
Một hôm trước, lúc tôi rên rỉ rằng đầu tóc rít không thể chịu được thì cô gái điều dưỡng bảo “để em gội cho chị nhé”. Khi ca nước ấm dội qua tóc, tôi muốn bật khóc vì thấy cảm động quá đỗi. Thì ra, những điều vốn bình dị, nhỏ nhặt lại cho người ta cảm thấy có sự yêu thương đến thế.
Nghĩ bâng quơ bỗng dưng lại nhớ cô học trò cũ. Chẳng hiểu rồi cô bé có thuyết phục được người yêu thông cảm cho công việc vừa vất vả vừa chẳng nhiều tiền ấy không? Rồi bỗng dưng nghĩ: nếu con gái mình muốn theo nghề điều dưỡng, dễ chừng cũng sẽ mất ngủ vì nghĩ ngợi.
Nghĩ đến đó mà đã thấy lòng rưng rưng gì đâu…
Tháng 2-2021
Niê Thanh Mai
Ý kiến bạn đọc