Hương cà phê nói với người mình thương
Hương cà phê
Như từ thăm thẳm trái tim
Mùi hương cũng muốn ta tìm về nhau…
Phải đâu hương bưởi hương cau
Xui người xưa đến bắc cầu trao duyên
Em về với đất Cao nguyên
Hương cà phê trải khắp miền đón em
Hương trao em giấc ngủ êm
Hương thơm vào giữa nỗi niềm nhớ nhung
Hương theo gót đợi ngập ngừng
Ai chờ ai giữa một vùng hương bay
Em về dự hội xuân này
Ta cùng đi giữa tháng ngày đẫm hương
Rồi em sẽ thấy vấn vương
Trái tim mình với phố phường Ban Mê
Vấn vương với những làng quê
Tháng giêng hoa trắng cà phê ngát trời
Hương cà phê - ấy là lời
Người Ban Mê nói với người mình thương!
Đặng Bá Tiến
Thi sĩ Đặng Bá Tiến sinh ở miền Trung (Can Lộc – Hà Tĩnh). Bài thơ “Hương cà phê” (trong tập thơ “Hồn cẩm hương”) là phút mê ly lạc vào hồn gỗ, hồn rừng để góp phần làm nên một Đặng Bá Tiến sắt son, chung thủy với đại ngàn.
Chọn thể thơ lục bát phả điệu hương rừng Ban Mê mênh mang trời đất, nhà thơ Đặng Bá Tiến đâu chỉ dụng ý nói với ta về mùi hương cà phê trải khắp đất trời cao nguyên huyền thoại; đó còn là mùi hương tình yêu “cũng muốn ta tìm về nhau” từ sâu thẳm trái tim dan díu, hẹn thề. Nhờ đó, tứ thơ đã dẫn dụ tác giả mở đầu bài thơ một cách tự nhiên; như chính mùi hương cà phê hòa trong hương tình yêu thoảng nhẹ êm đềm:
Như từ thăm thẳm trái tim
Mùi hương cũng muốn ta tìm về nhau…
Hóa ra mùi hương cà phê đâu có vô tâm, vô ý như bao cây trái trong đời. Qua sự cảm nhận đầy thi vị của tác giả, hương cà phê dường như được chắt ra từ “thăm thẳm trái tim” để rồi khát khao một nỗi niềm luyến ái. Bằng phép nhân hóa, mùi hương cũng biết tìm nhau, sẻ chia từ chính hương đất hương rừng. Khác với cái dịu dịu của hương bưởi hương cau, biết “bắc cầu làm duyên” một cách điệu đàng, hương cà phê cứ chân thành bộc bạch, sẵn sàng mở lòng mình “trải khắp miền đón em”:
Phải đâu hương bưởi hương cau
Xui người xưa đến bắc cầu trao duyên
Em về với đất Cao nguyên
Hương cà phê trải khắp miền đón em
Quả vậy, như tứ thơ đã chắp cánh ban đầu, hương cà phê giờ đây đã hóa thành điệu hồn, thành cảm xúc của thi nhân; hương của tình yêu biết đắp bồi bao yêu thương, nhung nhớ; biết ngập ngừng, chờ đợi, đắm say. Hương cà phê được nhân cách hóa một cách thi vị, giàu sắc thái biểu cảm:
Hương trao em giấc ngủ êm
Hương thơm vào giữa nỗi niềm nhớ nhung
Hương theo gót đợi ngập ngừng
Ai chờ ai giữa một vùng hương bay
Có thể xem trên đây là bốn câu thơ hay nhất của bài thơ. Thể thơ lục bát nhuần nhị, tự nhiên và giàu cảm xúc. Hơi thơ nhẹ như hương cà phê đang bay lên. Giọng thơ ngọt ngào như khúc tâm tình trao niềm thương mến. Phép lặp cấu trúc: “Hương trao…”, “Hương thơm…”, “ Hương theo…” với nghệ thuật phối toàn thanh bằng đứng ở đầu ba dòng thơ ngỡ tiếng lòng vấn vương không rời của đôi lứa yêu nhau trong không gian lễ hội cà phê thấm đẫm một vùng hương bay huyền nhiệm. Thật vậy, đọc những câu thơ lục bát như thế, tâm hồn ta cứ chơi vơi, nhẹ nhàng ngỡ đang nắm một bàn tay mượt mà, son trẻ.
Sau phút giây ngập ngừng, “ai chờ ai giữa một vùng hương bay”, nhà thơ Đặng Bá Tiến đã bày tỏ cảm xúc yêu thương và tràn đầy vui sướng. Cảm xúc ấy được dệt đan từ mùa xuân lễ hội cà phê, có em bên đời giữa muôn ngàn cánh hoa cà phê tinh khiết. Hương cà phê đã nối kết dịu dàng trái tim em với phố phường Ban Mê, với những làng quê yêu dấu, với tháng giêng thơm ngát ngàn hoa:
Em về dự hội xuân này
Ta cùng đi giữa tháng ngày đẫm hương
Rồi em sẽ thấy vấn vương
Trái tim mình với phố phường Ban Mê
Vấn vương với những làng quê
Tháng giêng hoa trắng cà phê ngát trời
Thẳm sâu hơn, hương cà phê ấy chính là điệu hồn, là tâm tình của người Ban Mê gửi đến người mình yêu dấu. Hai câu thơ kết giản dị nhưng là lời của trái tim nói với trái tim tha thiết, nồng nàn. Đó cũng chính là tư tưởng, linh hồn của bài thơ “Hương cà phê” vậy:
Hương cà phê - ấy là lời
Người Ban Mê nói với người mình thương!
Bài thơ khép lại, song ta vẫn nghe hương cà phê bay lên, thơm tho vô tận, thơm như nỗi lòng của đôi lứa yêu nhau. Nhờ đó, đọc “Hương cà phê” của Đặng Bá Tiến, tâm hồn ta bỗng mênh mang một niềm xuân mơ ước; khao khát mùa xuân dịu dàng được sánh bước bên nhau, tan trong đất trời thơm thảo sắc hương.
Lê Thành Văn
Ý kiến bạn đọc