Trăng quê
Một ngọn đèn trời đến đêm mới tỏa sáng, màu sáng óng ánh vàng như tơ lụa huyền ảo. Ngọn đèn này ra đời cùng thời với quả đất. Xưa như trăng, nhưng mãi mãi trinh nguyên. Chung thủy như trăng cũng có lúc đầy, lúc khuyết, cũng có lúc giận, lúc hờn nên trăng lạnh, trăng suông.
Tôi biết đến Bàng Bá Lân khi tuổi tôi đã là ông ngoại. Nhưng hai câu thơ trong bài “Trăng quê” của ông đã trở thành ca dao từ lâu rồi: “Hỡi cô tát nước bên đàng/Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi”. Hình ảnh đêm trăng quê hiện lên đẹp lung linh. Chàng trách cứ nàng sao nỡ phũ phàng trước tấm chân tình thê thiết.
Minh họa: Trà My |
Người thôn dã xa xưa, ai ai cũng mong chờ mùa trăng. Trăng mang lại cho họ niềm vui thanh bạch, rộn ràng. Trăng đem lại ngọn “tọa đăng” cố định, không cần nhiên liệu, không cần cột móc treo đèn, cứ giữa thinh không mà ngạo nghễ sáng, mà vô tư trải lụa vàng xuống khắp nhân gian. Những mối tình của thôn nữ trong những đêm trăng hư ảo, nhưng thuần khiết. Tình quê đậm đà có phần góp mặt của trăng sao.
Trăng ở phố cũng là trăng, cũng vằng vặc sáng, cũng mênh mông tình, nhưng thi sĩ không rung động khi phóng bút. Chỉ có trăng quê dát vàng trên lũy tre, trải lụa xuống vườn cau, khóm chuối, rót mật xuống dòng sông mới làm ta bồi hồi, xao động. Ánh trăng quê êm đềm len nhẹ vào giấc ngủ dưới trăng thời ta còn thơ bé. Những câu chuyện lấy ra từ pho cổ tích bất tận của bà, của mẹ hình thành trong ta trí tưởng tượng phong phú đến vô cùng!
Những đêm trăng xa nhà đi học làm ta khắc khoải nhớ quê. Nhớ giàn mướp trước vuông sân trổ hoa, được trăng tưới màu vàng óng ả. Ta nhớ nội ngồi dưới trăng miệng bỏm bẻm nhai trầu, tay mân mê những trái bắp mập ú, mát lạnh khi vụ mùa bội thu. Rồi ta nhớ cô bạn nhà hàng xóm tóc đuôi gà ngúng nguẩy mỗi lần hờn giận ta vô cớ.
Trăng quê muôn đời vẫn thế. Hết hao gầy lại tròn trĩnh sáng trong. Ta yêu trăng và yêu cả những con người chơn chất ở miền quê một đời gắn bó.
Trần Quốc Cưỡng
Ý kiến bạn đọc