Multimedia Đọc Báo in

Nhớ bậc rêu thềm nhà

08:05, 07/01/2018
Tôi biết cái bậc rêu trước nhà từ lúc chập chững tập đi, bi bô tập nói, từng chiều ra ngồi ngơ ngẩn trước nhà nhìn áng mây trôi trên vòm trời xanh thẳm.
 
Trời nắng, từng đợt lá khô theo gió rơi xao xác trên thềm. Trời mưa rêu xanh mơn mởn, má tôi phải lấy chổi cùn cọ rửa cho sạch để khỏi ngã. Hôm trước ông tôi đứng nhìn bậc thềm hồi lâu rồi bảo: “Hay tôi phá nó đi rồi nâng khoảng sân trước nhà lên bà ạ! Nó cũng cũ kĩ quá rồi, mấy chục năm rồi còn gì nữa”. Bà ngăn không cho ông phá bỏ, má tôi cũng ngăn. Thấy vậy ông đành giữ lại. Bà trồng thêm hai giậu hoa ở hai đầu bậc thềm rồi chăm chỉ tưới tắm, đến tháng trổ hoa, nhìn từ xa khung cảnh trước nhà như một vườn đầy gió. Ông tôi thường ra thềm ngồi uống trà mỗi lúc xế chiều.

Lần đầu tiên tôi vào mẫu giáo, má dắt tay tôi đi qua cái bậc thềm này để biết lớp biết trường, biết thầy cô, bè bạn. Thềm cũ mở ra cho tôi một khoảng trời mới, tôi tự nhủ với lòng rằng mình không còn là cậu nhóc bé bỏng được vỗ về, chiều chuộng trong vòng tay bà tay má ngày xưa. Qua bậc thềm này, tôi đã trở thành cậu học trò của ngôi trường làng nép mình dưới bóng cây cổ thụ. Trưa hè oi ả, gió lồng lộng từ cánh đồng thổi vào trong nhà, tôi thong dong ra bậc thềm ngồi vắt chân đọc những bài học vần mà cô giáo dạy lúc ở trường. Con mèo mướp nằm phơi mình đánh một giấc thật say mặc cho chiếc lá vàng khẽ rơi lên bụng. Thềm nhà là nơi bà tôi lặng lẽ mang chiếc áo bạc màu của ông ra tỉ mẩn vá lại cho lành để ông mặc nó đi làm, giọt mồ hôi rơi trên cánh đồng năm cũ.

                                                                                        Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Tôi lớn lên như chim trời, thềm vẫn lặng im theo năm tháng. Thềm nào biết lớn như tôi, chỉ tư lự nhìn tôi đổi thay theo thời gian xuôi chảy. Tôi đi học, má tóc bạc lấm tấm mái đầu. Chiều chiều, má ra ngồi trước bậc thềm đợi tôi về ăn bữa cơm canh, rau cá ấm lòng. Bà ngồi móm mém nhai trầu, ông vừa nhổ cỏ trước sân, vừa nghe đài từ chiếc radio cũ kĩ đặt trên bậc thềm rêu gió.

Bây giờ tôi đi học xa, những chuyến trở về từ đó cũng thưa dần. Tôi như con thiêu thân lao vào vòng xoáy tất bật của cuộc sống. Tôi cứ nhớ mãi cái ngày cả nhà đưa tôi ra bến sông, ở đó có chuyến đò ngày hai lượt đưa khách ra thị xã bắt xe lên phố phường phồn hoa đô hội. Tôi đi trước, má xách giỏ theo sau, ông dìu tay bà khó nhọc xuống bậc thềm xưa ấy. Tôi đi rồi thềm cũ buồn tênh, lá vẫn rơi và thời gian vẫn trôi. Má đứng lặng trên bến sông nhìn chiếc đò rẽ nước đưa tôi về phương trời mù tít. Nhớ làm sao thuở thiếu thời đong đầy ký ức, những trưa hè văng vẳng tiếng đọc bài trẻ thơ. Nhớ con mèo vàng nằm lim dim đánh một giấc đến tận ban chiều, dáng bà lưng còng tóc bạc, bóng ông gầy gò ngồi nhấp ngụm nước trà khi hoàng hôn buông xuống. Má vẫn giữ thói quen chiều chiều lại ra bậc thềm đứng ngóng về phương xa diệu vợi, mấy mùa lá rụng bên sông, lưng của má cũng cong cong hình dấu hỏi. Tôi ngày một lớn lên…

Hôm trước má gọi lên thành phố, má bảo: “Cái bậc thềm trước nhà má cho người đập bỏ, tráng xi măng cho phẳng lại rồi. Ông bà cũng già yếu rồi, để cái thềm đó ra vào khó nhọc, thương lắm con!”. Lòng tôi buồn buồn. Ôi cái thềm nhỏ của tôi! Ôi cả khoảng trời thơ ấu của tôi! Giờ thì nó đã ngủ yên trong miền ký ức. Nơi ấy – đã từng đón đưa tôi mỗi sớm mỗi chiều, vỗ về êm ái những trưa hè oi ả, nơi ấy có tiếng cười, tiếng nói thân thương, có bóng dáng những người tôi yêu thương mà dẫu rằng có đi hết cuộc đời này tôi cũng chẳng bao giờ quên được.

Thềm cũ không còn. Lá vẫn rơi…

Hoàng Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.