Bếp mẹ ngày xuân
Năm rộng tháng dài cuối cùng thì lại quay về cái vòng tuần hoàn của tạo hóa. Tết về, làm chộn rộn không biết bao nhiêu con tim, làm bồi hồi dầy lên những đoạn phim ký ức thuở ấu thơ.
Tôi phiêu bạt xa quê hương tính đến nay cũng đã hơn mười năm có lẻ. Mỗi lần Tết về sao mà nhớ đến thế cái không khí ấm nồng cả nhà quây quần bên nhau, bên bếp lửa đang rực hồng mẹ nhóm. Ngọn lửa bếp xuân đã xoáy sâu vào tận tâm can tôi, chỉ cần một “mồi nhớ” là nó lại bùng cháy lên.
Những ngày cận Tết bếp mẹ rộn ràng, tí tách lửa ấm nồng. Mẹ sên mứt dừa, mứt cà rốt, mứt bí đao, rang sẵn hạt bí, hạt dưa, đợi Tết đãi khách. Bàn tay ấy, qua bao năm in hằn đường chỉ thời gian đầy khắc nghiệt nhưng vẫn thoăn thoắt, khéo léo đến vô cùng. Bốn anh chị em chúng tôi mắt dán chặt vào những thao tác của mẹ không chớp, tay hơ lửa hòng bớt được cái lạnh như cắt da cắt thịt. Thi thoảng lại được mẹ nhón cho một vài miếng cắn thử. Trong bếp, mẹ giống như một nghệ sĩ, một người đầu bếp tài ba đang thỏa sức làm nên những món ăn kỳ diệu. Gian bếp nhỏ tưởng chừng như chật chội nhưng lại là nơi những đứa con của mẹ học được biết bao nhiêu là bí quyết bếp núc. Chị Hai tôi ôm mẹ cười rằng, sau này lấy chồng sẽ không còn sợ người ta đánh giá vụng về, hậu đậu nữa. Anh Cả tôi cười sảng khoái “Còn giả sử nếu lấy vợ chẳng may không giỏi nấu nướng con sẽ phụ cô ấy”. Những lần như thế, tiếng cười ngập tràn cả gian bếp nhỏ, trên tường một vài chú thạch sùng ngơ ngác bỏ đi.
Minh họa: Trà My |
Bàn tay gầy mẹ bẻ nhỏ từng lọn củi cho vào bếp, miệng thì không ngừng kể chuyện. Những câu chuyện tưởng chừng như cũ nhưng lại không bao giờ cũ. Mẹ kể, năm nay ít lạnh, rau tươi tốt được mùa, còn đàn gà măn mắn nhân được giống từ làng bên, lớn nhanh như thổi, dịp Tết bán đi cũng đỡ đần phần nào. Chúng tôi đi xa về, chẳng biết ruộng nương thế nào, giờ có dịp chiêm ngưỡng qua lời mẹ kể. Niềm vui của mẹ bên gian bếp những ngày cuối năm là được kể chuyện cho con cháu đi xa về, được làm những món ngon cho chúng ăn.
Sau này khi anh chị tôi lập gia đình, xuân nào cũng kéo “cả bầy cả ổ” (theo như ngôn ngữ ở quê) về với mẹ. Mấy đứa cháu tuy sống ở phố lâu nhưng lại không kén đồ bà của chúng nó làm, ngược lại rất thích là đằng khác. Chúng mâm mê ổ bánh xèo, bánh gio, rồi cầm từng sợi mứt cho vào miệng nhai một cách ngon lành. Mẹ lại nhắc thời đói khổ, cũng bên gian bếp này, đói khổ, mẹ tằn tiện từng miếng ăn làm gì được như các cháu bây giờ, muốn ăn gì cũng có. Nhìn niềm vui muộn của mẹ trong ánh mắt của những đứa cháu, mắt tôi lại cày xè, thương mẹ đến vô cùng.
Bếp xuân của mẹ đi xa là nhớ, về là thương. Thương từng lọn khói quẩn quanh chỗ ngồi của mẹ, vô tình làm mắt mẹ cay đến từng mảng bồ hóng bám chặt trên tường đen nhưng nhức. Thương đàn kiến đen đi lạc vào trong bếp, nối đuôi nhau dàn hàng, ngỡ là đang đi vào thánh địa của chúng. Nhớ cái dáng lưng còng của người bao năm cặm cụi nơi góc bếp để làm nên những bữa cơm gia đình đầm ấm. Có những năm, xuân không về được với mẹ, gã trai tôi chạm ngõ tuổi ba mươi nằm nhớ nhà đến phát khóc. Thấy có lỗi với mẹ ở quê nhà, thấy có lỗi với gian bếp quê mùa nắng nắng rọi, mùa mưa mưa rơi. Chừng ấy năm, mẹ vẫn lầm lũi đi ra vào với gian bếp tuềnh toàng. Tôi cũng chẳng hiểu nổi mình đã làm những gì suốt ngần ấy năm mà không về sửa sang lại cho mẹ gian bếp…
Một cái Tết nữa lại đến. Cũng lại một lần nữa tôi lỡ hẹn với gian bếp của mẹ, lỡ hẹn với những mẻ mứt mẹ sên, những món ăn ngày Tết mẹ làm. Với tôi, gian bếp của mẹ là gian nhớ vô cùng tận. Mẹ với góc bếp thân thuộc đã gồng gánh niềm vui, nỗi khổ, những âu lo, hạnh phúc… Những điều tốt đẹp của tôi được khởi lên từ nơi này, góc nhớ thân thương!
Cao Văn
Ý kiến bạn đọc