Góc bếp ngày Tết
Góc bếp trong mỗi gia đình Việt, nhất là ở vùng thôn quê luôn là nơi được quan tâm, có thể xem là nơi quan trọng nhất của một căn nhà. Căn bếp nhỏ, đôi khi tạm bợ sơ sài chỉ với một vài đồ dùng bếp núc đơn sơ nhưng thiết thân và gắn bó sâu đậm trong cuộc sống của mỗi con người.
Ngày Tết, căn bếp lại phát huy thêm tác dụng, gắn kết tình thân, sự sum vầy cháu con sau một năm dài xa cách bởi cuộc mưu sinh nơi xứ người. Những món ăn, rất bình thường nhưng qua bàn tay chế biến của mẹ khiến nó ngon hơn, đặc biệt hơn và không khí gia đình thêm ấm áp, vui tươi hơn. Trong không gian tươi mới của đất trời, của vạn vật khi xuân sang, sự trở về với căn bếp thân thuộc thời thơ ấu, được hít hà hơi ấm tỏa ra hay dụi mắt bởi vị cay xè của than củi ướt, nhưng hề gì, lòng vẫn chùng buông với bao điều nhung nhớ, bồi hồi.
Mùa xuân đang về, nhẹ nhàng bước vào từng mái nhà, dạo quanh từng con phố nhỏ, chạm khẽ vào tâm hồn say đắm trước muôn sắc hoa khiến con người bâng khuâng nhớ về những cái Tết đoàn viên, sum họp bên gia đình, ông bà, bố mẹ, nhất là những người xa xứ. Họ vì công việc, vì hoàn cảnh phải ngóng vọng một cái Tết ở quê mà lòng luôn đau đáu. Mấy ngày Tết, vẫn có bánh chưng, có hoa đào, hoa mai nhưng làm sao bằng được những cái Tết yêu thương nơi quê nhà. Một thời đã qua luôn hiện về trong tiềm thức để nhớ thương, bùi ngùi.
Mỗi người trong chúng ta, ai cũng từng lớn lên đều gắn bó với lời ru của mẹ của bà. Lời ru say nồng giấc ngủ có thể len lỏi vào tâm hồn con cháu từ góc bếp thân quen, nơi có ánh lửa liu riu xua tan cái giá lạnh mùa đông. Những đứa trẻ đầu trần chân đất, nghịch ngợm suốt ngày, đến xế chiều lại sà xuống quanh bếp lửa, củ khoai lang vùi tro hay cái bắp ngô nướng ngọt thơm vị quê nhà. Để rồi khi lớn lên, đi xa, mỗi khi nhìn căn bếp bập bùng ánh lửa, nhất là dịp cuối năm, lòng lại se sắt nhớ, muốn quay về để được sống trong yêu thương của cha mẹ, gia đình. Cuối năm, khi những cành mai vàng trở giấc, đâm chồi nảy lộc báo hiệu những cơn bấc lạnh giá lùi xa để nhường cho bước chân mùa xuân đang tới, mọi người lại nô nức ra chợ sắm Tết. Thường là khoảng 23 tháng Chạp, người ta cảm nhận được không khí Tết rõ ràng nhất trên từng nét mặt, nụ cười của người mua, kẻ bán. Những phiên chợ Tết thường đông hơn, các gian hàng Tết đa dạng sản phẩm hơn. Dĩ nhiên, trong gian bếp những ngày Tết, đôi bàn tay khéo léo cùng tình cảm yêu thương của mẹ, của bà đã chế biến những món ăn đặc trưng hương vị Tết.
Nhớ làm sao, chiều cuối năm, bữa cơm tất niên được dọn cạnh gian bếp ấm cúng và đầy yêu thương. Ngắm nhìn và thưởng thức, đôi khi gọi tên từng món, dân dã thôi nhưng ý nghĩa vô cùng. Cũng tại góc bếp ngày cuối năm này, mọi người cùng nhau trò chuyện những điều đã qua, cùng nhau bàn tính việc đón giao thừa, chào mừng năm mới.
Góc bếp ngày cuối năm cũng nhiều tâm sự. Bởi đâu đó, con người ta vô tình để vuột mất những điều bình dị cần được nâng niu, trân quý khi cuộc sống bắt họ phải tạm quên. Để rồi khi ngược xuôi trên những chặng đường xa, len lỏi trong từng con hẻm sâu, hay nơi phố phường chật chội, lắm bon chen, nước mắt họ chực trào nóng hổi. Họ thèm lắm một bữa cơm gia đình, có những người thân yêu, có ngọn lửa miệt mài cháy trong mỗi căn bếp.
Cuối năm nơi góc bếp, dù ở đâu, nông thôn hay thành thị, nhà giàu hay nhà nghèo, khi những đốm lửa bùng lên thì yêu thương được lan tỏa, giãi bày, để mọi người hiểu và sẻ chia, nâng niu những giá trị ân tình, thảo thơm được chắt chiu qua năm tháng.
Sơn Trần
Ý kiến bạn đọc