Multimedia Đọc Báo in

Về lại phố xưa

06:32, 03/03/2018

Rời quê lên phố đi học. Những con đường làng yên bình bỗng thay bằng những con đường nhựa bóng láng, rộn ràng người xe.

Những góc trời quê xanh thẳm cỏ cây bỗng thay bằng những tòa nhà cao tầng ngột ngạt. Có lúc bỗng thấy phố như xa lạ với chính mình. Vậy mà gắn bó cùng phố mới hiểu lòng của phố. Sống ở phố lâu ta mới bồi hồi nhận ra cái nhịp sống chầm chậm trôi chảy cùng những điều bình dị dễ thương đến ngỡ ngàng.

Phố ngày ấy là nơi những người trẻ hăm hở tìm đến. Hành trang mang theo là sự kỳ vọng của gia đình.Thị thành phồn hoa là nơi họ nuôi dưỡng những giấc mộng thanh xuân rực rỡ. Có ai đến phố mà không một lần nghĩ đến việc chọn phố làm nơi tá túc. Chọn một con đường với hàng me xanh làm nơi thư thả những buổi chiều rảnh rỗi, chọn quán cà phê yêu thích làm nơi gặp gỡ bạn bè. Cuộc sống ở phố đâu chỉ có những con đường rộn ràng người xe. Phố cũng có những góc bình yên để những người trẻ tìm kiếm phút giây thư thái giữa những xô bồ. Bao người trẻ tìm đến phố như để tìm chút sôi động cho cuộc sống của chính mình. Phố dù chật hẹp vẫn có chỗ để những người trẻ tìm đến nương náu. Phố bao dung và trắc ẩn vẫn dang tay đón lấy những mảnh đời tìm đến phố mưu sinh.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Phố khiến ta nhung nhớ trong những điều bình dị nhất. Đó là hình ảnh những người già buổi sáng ra công viên tập dưỡng sinh. Là hình ảnh một cặp vợ chồng tuổi đã cao nắm tay nhau băng qua đường. Là hình ảnh một cặp đôi cồng kềnh giá vẽ, cọ màu chiều cuối tuần ra công viên mong bắt lấy những khoảnh khắc đời thường ý nghĩa. Là hình ảnh những bạn trẻ đạp xe thong dong đến trường. Những ngày đẹp trời qua cửa sổ một quán cà phê có kẻ thẩn thờ bắt gặp hình ảnh một đám trẻ con nụ cười hồn nhiên nối đuôi nhau đi dã ngoại. Mùa xuân gió lùa qua khe cửa, khóe môi người bỗng khẽ nở một nụ cười. Ở phố dù không có những quãng trời ngập tràn cây cỏ nhưng những khoảnh khắc bình dị tìm được ở phố vẫn khiến mỗi người thêm yêu cuộc sống này.

Trở về căn nhà trọ từng một thời tá túc mà lòng bình yên như thể trở về với quê nhà. Men theo lối nhỏ đi vào, vẫn căn nhà trọ ngày xưa, vẫn gốc bằng lăng thân quen nơi mỗi chiều ngồi đọc sách, vẫn bụi hoa nhài thơm ngát bên lối đi vào. Phố đón kẻ trở về bằng một làn gió mùa xuân khe khẽ, bằng câu chuyện năm mới vui vẻ, bằng cái ôm ấm áp của bác chủ trọ từng một thời xem kẻ ở thuê như là con gái. Bao yêu thương xúc động cứ thế trỗi dậy cùng những buồn vui giấu kín, chỉ có phố mới hiểu.

Góc phố ngày xưa cùng anh đi qua nay đã là góc phố kỷ niệm. Trở về như bắt gặp lại mình trong một buổi chiều đạp xe tung tăng vui cười, cùng anh hàn huyên chuyện trò dưới gốc me già. Khoảnh khắc ấy cứ dội vào tim khiến bao kỷ niệm ngày xưa chảy tràn trong ký ức. Chẳng biết người giờ ở nơi nao. Chỉ có mình ta, ngồi đây lòng thương nhớ một khung trời xưa cũ.

Thời gian cứ thế trôi chảy không ngừng, cuộc đời lại đưa mỗi người tìm đến chân trời khác. Ở một nơi chốn xa lạ có lúc cảm thấy lòng chạnh buồn nhung nhớ cảnh cũ, người xưa. Người ta nói rằng theo thời gian có những sự việc chúng ta sẽ nhớ và sẽ quên nhưng cái cảm giác mà nó mang lại sẽ theo ta suốt một đời. Về lại phố xưa chính là về với kỷ niệm yêu dấu. Về để tìm lại chính mình của một thời mộng mơ say đắm. Về để thấy rằng vẫn có một miền yêu thương đang đợi chờ dẫu những cuộc bôn ba vẫn còn đó. Và về để hiểu ra ngoài quê nhà, ta còn có những góc phố thân thương mà ở đó một phần đời của ta đã ở lại. Phố cũng hiền hòa như con đường làng, như cánh đồng, ngọn cỏ. Ở phố cũng có những con người chân chất và hồn hậu như miền quê nuôi ta khôn lớn. Chẳng ai có thể quên được những người đã đi cùng ta một đoạn đời, quên được những con phố nơi ta từng cư ngụ. Một ngày trở về, mới biết phố đã ru ta những đêm dài...

Trần Nguyên Hạnh


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Bếp mẹ ngày xuân
16:16, 15/02/2018
Nồi cá Tết
15:53, 15/02/2018
Dưới mái nhà xưa
16:25, 14/02/2018
Góc bếp ngày Tết
16:54, 11/02/2018
Cuối năm, nhớ khói…
16:50, 11/02/2018
(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.