Multimedia Đọc Báo in

Cổ tích dưới hiên nhà

07:58, 09/09/2018

Bạn bảo lâu rồi không về nhà, nhớ nhà đến quay quắt! Câu nói của bạn khiến khóe mắt tôi cay xè. Nhớ quê, tôi nhớ hình ảnh hiên nhà, những mảnh ghép của ký ức nồng nàn mới nghe thôi đã râm ran những xúc cảm rưng rưng khó nói nên lời.

Hiên nhà là nơi mái ngói nghiêng mình đằng đẵng tháng năm che nắng che mưa. Nơi những ngày thơ ấu, mẹ vẫn thường trải chiếu cho ta nằm chơi khi mẹ bận việc. Miệng ta cười hồn nhiên, tay chân ta quẫy đạp tự chơi một mình khi no bụng; mếu máo khóc, đòi bế bồng lúc đói ăn. Những ngày ba mẹ bận đi làm, trong vòng tay chị, ta đánh giấc ngon lành.

Hiên nhà là nơi những lời ru câu hò ngọt tựa mía lùi của bà, bầu sữa nóng ngọt lành của mẹ, đôi bàn tay ẵm bồng của chị giúp ta lớn dần theo năm tháng. Nhớ lắm những khi ngồi thẫn thờ bên hiên nhà chờ bịch kẹo sắn hay quả ổi, cái bánh trong cái rổ, cái thúng mỗi buổi mẹ đi chợ về. Thèm chờ mẹ phát quà đến độ chẳng muốn đi chơi dù đám bạn có năn nỉ ỉ ôi mời gọi. Nhớ những viên phấn trắng kẻ thành vòng tròn, ô vuông cùng chơi ô ăn quan, đánh chuyền hay nặn pháo đất dưới hiên nhà với lũ bạn, thỏa thích cười nói ngả nghiêng.

Hiên nhà là nơi đặt bộ bàn ghế gỗ mà ba miệt mài suốt một tuần để chuẩn bị cho ta một nơi học tập với hy vọng tiếp thêm nguồn vui, động lực cho ta trên con đường chinh phục con chữ. Nơi ta ê a đánh vần những chữ đầu tiên, nơi ba cầm tay ta nắn nót, dìu dắt từ nét chữ xiêu vẹo đến ngay hàng thẳng lối, nơi những bài hát đồng dao chị đọc chỉ một, hai lần mà ta nhớ đến bây giờ. Chỉ một khoảng hiên nhà nho nhỏ vậy mà níu giữ lòng ta biết bao vấn vương đẹp đẽ.

                                                                                        Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Trước hiên nhà ta ngồi chăm chú lắng nghe thanh âm rộn ràng của cuộc sống. Đó là âm thanh của lũ chim sâu lích chích rủ nhau chuyền cành, của lũ sáo sậu gọi bầy về đậu trên ngọn tre đầu ngõ, của gia đình chích chòe véo von đầu nhà. Là tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu râm ran từ đồng chiều vọng vào. Bầy gà tục tục rủ nhau kiếm ăn ở góc vườn. Giọng mẹ thủ thỉ với ba về chuyện mùa màng, chuyện học hành của con cái… Những âm thanh ấy thân thuộc với ta đến lạ.

Hiên nhà cũng là nơi ta ngồi đây cảm nhận được hương hoa đồng nội thơm thoảng, dễ chịu, càng yêu hơn những ngày tháng êm đềm của cái tuổi vô ưu vô lo. Nơi ta vẫn thường ngồi ngắm những búp hồng chúm chím đợi nắng, đợi gió để tỏa hương khoe sắc làm đẹp cho đời. Nhìn ra mảnh vườn trước mặt, hương hoa bưởi thơm ngào ngạt, hương ổi chín thơm lừng đến nức mũi. Nơi mẹ vẫn ngồi nhìn xa xăm về cánh đồng trước mặt, nghe hương lúa theo gió thoảng lên ngòn ngọt. “Năm nay đồng làng chắc chắn sẽ được mùa to”, mẹ bảo thế rồi nở nụ cười thật tươi trên khuôn mặt hằn sâu những toan lo, nhọc nhằn.

Buổi tối, nơi hiên nhà ta thường được bà, được mẹ kể cho nghe những câu chuyện cổ tích về chàng hoàng tử, nàng công chúa, về những điều thiện ác, về những lẽ phải điều hay trong cuộc đời. Nơi ta ngồi nhổ tóc sâu cho nội, được nội kể cho nghe về một thời đạn lửa, về những hy sinh mất mát của biết bao thế hệ đi trước để ta biết trân quý hơn cuộc sống bình yên hiện tại. Nhớ những đêm sáng trăng, nằm nơi hiên nhà, ngước mắt lên ngắm bầu trời với hàng ngàn vì sao lấp lánh, ta đã gửi gắm bao ước mơ viển vông của một thời hoa mộng.

Hiên nhà là nơi in dấu cuộc sống bình yên sau những ngày lao động mỏi mệt. Ba vẫn thường ngồi nhâm nhi chén nước chè xanh mẹ nấu, ba nhìn mẹ gật đầu khen nước chè vàng sánh thơm thơm, còn mẹ thì mỉm cười nhìn ba đầy thương mến. Nơi mẹ tỉ mẩn trong những đường kim mũi chỉ khâu lại từng cái quần cái áo. Nơi ta từng đứng thập thò trong liếp cửa nhìn chị với người yêu ngồi nói chuyện, bàn tay chị nằm gọn trong tay anh, đôi má chị ửng hồng dưới trăng trông càng thêm đẹp.

Ta gọi dưới hiên nhà thuộc về thế giới cổ tích, nơi lưu giữ những khoảnh khắc đáng nhớ, nơi yêu thương chắp cánh cho yêu thương bay đi và tìm về… Dưới hiên nhà, những kỷ niệm đẹp đẽ một thời đã giúp ta sống an yên và vững vàng bước qua những khó khăn, vấp ngã trên đường đời.

An Viên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.