Multimedia Đọc Báo in

Về ngang xóm cũ

05:53, 23/09/2018

Chuyển nhà dăm bảy lượt. Mấy bận gặp những nụ cười hiền. Vài nóc nhà nhỏ đơn sơ. Gương mặt chân chất. Câu chuyện thật thà rổn rang trong ngày. Như thấy mình lạc chân về xóm cũ, nơi còn đọng trong tâm trí bao ánh mắt, nụ cười quen thuộc.

Nơi có căn nhà nằm giữa ngã ba ồn ã tiếng còi xe. Tiếng chó sủa ran sớm mai người đi chợ ngang ngõ. Nơi mát màu xanh cây trái của những khu vườn chòm xóm. Nơi lũ trẻ nhởn nhơ chơi đùa độ trưa ngập nắng trốn ngủ hay khoảng chiều tàn.

Gặp những đứa trẻ ngày nay say mê trò nhảy lò cò, chơi ăn quan, ngỡ như chạm phải mình ngác ngơ trên đường về thơ ấu. Bạn bè tập hợp về khoảng sân rộng của nhà nào đó. Chỉ cần bậc tam cấp, bậc thềm, hòn gạch, chúng thoải mái với trò thả đỉa ba ba. Chẳng phân biệt trai gái, lũ trẻ reo hò ầm ĩ, thay phiên nhau rượt đuổi. Niềm vui lấn át mồ hôi đẫm ướt trên lưng. Nên chăng bây giờ thấy con trẻ cắm cúi kính cận vào iphone, ipad, chạnh lòng xót xa cho tuổi thơ kia thiếu thốn khoảng không, hao hụt niềm vui hồn nhiên dân dã mà chìm đắm trong công nghệ, máy móc. Thuở ấy mình chẳng giàu có vật chất song lại dư dả gió trời, cánh đồng, nương bãi, muôn trò chơi đậm vị tuổi thơ.

Thuở ấy chẳng có phố đèn lồng sáng choang, chẳng bánh trái đắt tiền hào nhoáng mà mỗi độ tết thiếu nhi, rằm Trung thu lại háo hức niềm vui đong đầy. Bởi nhà dì Hoan góp trái bưởi, dì Minh mang theo gói bánh, nhà bé Thu có hồng xiêm, ổi chín từ vườn, nhà thằng Ngọc có mẻ lạc mẹ vừa rang, nhà mình mang bỏng ngô, gói kẹo lạc, trái mít. Bữa tiệc tựa như thiên đường giữa trần gian nên năm nào lũ nhóc cũng ngóng trông háo hức, những ánh nến từ đèn lồng, đèn kéo quân tự chế lấp lóa niềm vui đằm nơi đáy mắt. Chờ trăng lên, hân hoan hát vang “Chiếc đèn ông sao, sao năm cánh tươi màu, cán đây quá dài, cán cao quá đầu. Em cầm đèn sao em hát vang vang. Đèn sao tươi màu của đêm rằm liên hoan”. Bọn trẻ kéo nhau rồng rắn đi rước đèn quanh xóm. Nên chăng xóm nhỏ ấy cứ quay đi quay về hoài nơi miền nhớ lúc ta quay quắt nghĩ về những gương mặt xưa.

                                                                                        Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Cả xóm chỉ có một cái ti vi đen trắng. Tối đến nhà nhà, người người kéo nhau đi xem vui hơn trẩy hội. Bao nhiêu năm trôi qua thoảng vài lần gặp lại nhau, ngồi hàn huyên bộ phim “Phạm Công - Cúc Hoa” say mê thuở nào. Đôi khi ngạc nhiên tự hỏi, trẻ nít hồi đó đã hiểu gì chưa mà xem bộ phim dì ghẻ đối xử tệ với con chồng cứ rấm rứt khóc như mưa. Phim chiếu đi chiếu lại mấy lượt y rằng đi xem không sót. Nhà có ti vi ở tít xóm trên xa ngái mà chẳng quản ngại đến giờ cả nhà bồng bế nhau đi xem.

Độ sau này khá hơn, gia đình bên cạnh có thêm chiếc ti vi đen trắng. Bọn trẻ canh chừng đúng bảy giờ tối đi xem chương trình “Bông hoa nhỏ”. Ấu thơ ngày nào giản dị, bình yên. Đứa trẻ lỏn chui qua hàng rào ù té thật nhanh kẻo lỡ chương trình yêu thích. Trẻ con háo hức chẳng vắng mặt buổi chiếu nào dù nhiều lượt chưa kết thúc bộ phim đã đánh giấc ngon lành. Lượt về mẹ bế một đứa, ba bồng một đứa. Hôm sau ngơ ngác hỏi hôm qua làm sao con về được nhà.

Xóm cũ có khoảnh rau muống láng giềng trồng trước nhà. Chỉ khoảnh nhỏ mà đủ cả xóm thay nhau hái. Xóm cũ có bát chè đậu đen nhà này mang cho nhà kia. Xóm cũ có bát xôi, miếng thịt gà nhân ngày giỗ cũng không quên mang cho hàng xóm.

Xóm cũ đổi thay mấy phần bữa từ phố trở về thấy gương mặt cũ đã được thay thế bằng diện mạo mới. Nhà xưa, người xưa bên cạnh chuyển đi, sang tên về nơi mới. Chạnh lòng biết lý do thay nơi cắm đất bởi cần tiền chữa bệnh cho người nhà. Bạn lớn lên cạnh nhau từ bé nay bịn rịn bước chân rời đi.

Nên có bận quay ngược trở về, ngang qua con đường mới lát bê tông xuyến xao đến lạ. Nhà xây tường rào cắm mảnh chai, cổng sắt cao ngút, chông chênh tự hỏi xóm cũ nay đâu, người cũ có còn? Mấy đứa trẻ hay bưng tô canh, nửa trái mít theo lời mẹ chia cho nhà bên nay đã dạt về đâu?

Huệ Hương


Ý kiến bạn đọc