Multimedia Đọc Báo in

Còn thương điên điển, cá linh thì về…

14:38, 24/10/2018

Một chiều thành phố ồn ào, mưa tuôn vội vã. Mưa đất khách chợt nhớ về cố hương da diết. Vậy là tranh thủ cuối tuần, gác lại mọi công việc, tạm rời phố để tìm về với quê, với xóm nhỏ thân thương nơi miền sông nước.

Nơi xóm nhỏ thân yêu có con đường chạy dọc dài nỗi nhớ, có mái nhà ấm êm qua bao mùa mưa nắng. Đi qua những cánh đồng vàng ươm vào mùa gặt thấy ánh lên niềm vui của người dân sau bao ngày dày công chăm bón. Ký ức ngược đường tìm về những mùa nước nổi tràn đồng, mênh mông là biển nước. Mùa lũ về cũng là mùa mưu sinh của những người dân quê tôi nên chỉ mong sau mùa lũ hằng năm là mùa lũ đẹp, mực nước ở mức nhất định không gây khó khăn cho đời sống sinh hoạt.

Mùa nước nổi là mùa của cá linh. Tôi vẫn còn nhớ những ngày nước dâng, khi đêm còn tối là các cha, các chú đã đi đánh bắt cá linh. Loài cá lớn lên trong môi trường tự nhiên không cần ai chăm sóc vậy mà lại thơm ngon đến nao lòng. Cá linh non đầu mùa dường như đã trở thành món đặc sản được nhiều người biết đến. Không cần kỳ công làm sạch, mẹ tôi đem cá linh kẹp vào vỉ tre rồi nướng trên than hồng. Vị cá ngọt thơm, xương mềm, béo nhẹ gói với ít rau đồng chấm vào chén nước mắm chua ngọt cũng đủ làm tôi phải xuýt xoa mỗi khi nhắc lại.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Mẹ còn khéo tay nấu cá linh kho me non, kho khô nước dừa tươi, kho mía,… Mỗi loại có một phong vị khác nhau nhưng đều giữ được sự ngọt tự nhiên của thịt cá. Kỳ công hơn một chút là món cá linh chiên bột, phần bột bao bên ngoài dày vừa đủ để khi chiên bột chín thì cá cũng vừa chín. Có một món ăn gồm cả hai đặc sản nức tiếng mùa nước nổi đó là lẩu cá linh bông điên điển. Cá linh được làm sạch, thả vào nổi lẩu nghi ngút khói. Cạnh bên là đĩa rau với nhiều loại như bông súng, bông điên điển, rau nhút, rau muống, bắp chuối bào sợi,… Một xíu cay nồng của ớt xắt lát, một chút chua nhẹ của me, khóm hòa với vị ngọt cá linh tạo nên một nồi lẩu thơm ngon, hấp dẫn.

Trên con đường về nhà, những ký ức ấy cứ hiện diện giữa mênh mông sóng nước. Câu hát “Ăn bông điên điển nghiêng mình nhớ đất quê” thoảng đâu đó bên tai tôi khi nhìn những cây điên điển trổ bông vàng rực cặp mé sông. Khi còn ở quê, tôi với cô bạn hàng xóm vẫn hay chèo thuyền đem cá linh về phụ ba mẹ rồi đi hái bông điên điển nấu canh. Chiếc xuồng nhỏ thong thả bơi trên sông, cô bạn cười tươi hái từng nhánh bông điên điển la đà. Thi thoảng nụ cười duyên với chiếc răng khểnh che nghiêng vành nón lá cùng với sắc vàng điên điển như sáng bừng cả quãng sông. Người dân quê tôi cũng có vô vàn cách chế biến bông điên điển tạo nên những món ăn rất đặc sắc. Bông điên điển làm gỏi với tép còn giữ nguyên hương vị nồng nàn, thơm nhẹ kèm một chút vị chua rất kích thích vị giác. Lẩu mắm, lẩu chua bông điên điển sắc vàng bắt mắt ngọt lành, thơm nồng mùi cá. Bông điên điển xào tép với lửa lớn, đảo nhanh tay cho hoa vừa chín kèm với vị ngọt của tép sông chắc thịt là một sự hòa quyện thật tuyệt vời.

Con đường về nhà dường như ngắn lại bởi lòng người khấp khởi mừng vui. Niềm vui đôi lúc không cần điều gì to tát mà chỉ là những bình dị như chuyến trở về với xóm nhỏ, nơi ấy có bàn tay chai, làn da rám màu vì nắng mà nuôi lớn ta thành hình hài. Quê khéo giữ lòng người chỉ với tất cả những mộc mạc của mình như hương vị canh chua cá linh bông điên điển trong một chiều mưa châu thổ mà nao lòng hoài bước chân người viễn xứ. 

 An Nhiên      


Ý kiến bạn đọc