Hình bóng của ngoại
Những lần về quê, tôi vẫn thường ghé thăm vườn nhà ngoại. Đã gần 30 năm trôi qua, khu vườn vẫn dài và thênh thang rộng. Vườn còn đó những gốc cây già nơi chúng tôi từng nô đùa, nhưng giờ lại trở nên lạnh tanh, cỏ dại chen chúc mọc um tùm bởi thiếu đi bàn tay chăm sóc của một người, đó là ngoại.
Là trẻ con ai chẳng muốn được yêu thương, chăm chút, nhất là khi sinh ra giữa mùa đói khổ. Chúng tôi cũng vậy, không có hạnh phúc nào bằng mỗi lần được ngoại chỉ dạy, lo lắng, nâng niu.
Ngày bé, mỗi lần tôi nghe lời, hay đạt điểm cao thường được mẹ “thưởng” cho một bữa… “ngủ lang” nhà ngoại. Tôi háo hức, cười tít mắt và cực kỳ sung sướng vì phần thưởng quý giá đó, bởi với tôi, cũng như mẹ, người phụ nữ có khuôn mặt phúc hậu ấy luôn dành cho mình sự yêu thương, gắn kết vô bờ bến. Trong mái tranh tre với ánh đèn dầu đã gần cạn, tôi gối đầu vào cánh tay bà, rồi cuộn người lại ngủ một giấc yên bình…
Thành “truyền thống”, để chuẩn bị cho cháu mỗi sáng đi học, ngoại dậy thật sớm, chiên cơm - tóp mỡ làm thơm cả gian nhà. Chẳng cần báo thức, cũng không cần ai phải nhắc, tôi lọ mọ thức giấc khi mũi bắt được mùi thơm từ bếp, còn bụng thì cồn cào. Trong ký ức tuổi thơ tôi, món cơm rang của ngoại luôn là "đặc sản thượng hạng", đáng ao ước. Cũng vì quá non nớt, nên chúng tôi ngu ngơ không hiểu rằng, phải thật dè sẻn thì ngoại mới chuẩn bị được một vài bữa “sang chảnh” giành riêng cho lũ cháu đang tuổi ngủ, tuổi ăn!
Cuộc đời ngoại là chuỗi ngày bươn chải sớm hôm để có thêm “đồng ra đồng vào”, trang trải cuộc sống. Hết việc đồng áng, ngoại lại lúi húi bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, trồng rau trái khắp vườn nhà. Hằng ngày bà dậy sớm, thức khuya chuẩn bị hàng rau mang ra chợ bán. Mấy dịp nghỉ hè, tôi cũng tập tành “học việc”, rồi ngáp ngắn ngáp dài theo ngoại đi bộ dăm ba cây số xuống chợ khi mặt trời vẫn đang say giấc nồng. Bên thúng rau to của ngoại là một cái rổ tre con con với dăm ba bó rau thơm do chính tôi “làm chủ”. Hôm nào chợ đông, tôi bán được vài nghìn đồng, nhưng cũng có hôm trưa tàn chỉ bán được vài trăm đồng. Từ số tiền ít ỏi kiếm được mỗi ngày, bà dạy cho tôi cách trân trọng, chắt chiu, tiêu pha sao cho phù hợp với những gì mình có…
Tuổi thơ êm đềm, nhưng ngắn ngủi trôi qua. Cô nhóc đen nhẻm vừa lên bảy đã không còn được theo ngoại gánh hàng rau tươi ngon đi qua những mùa mưa nắng. Từ ngày ngoại rời xa thế gian, mái nhà tranh bỗng như tắt đi tiếng cười nói, vườn rau kia cũng trở nên rầu rĩ, héo úa như mang màu tâm trạng của chúng tôi. Ngoại đi rồi, những tháng ngày thơ bé được nũng nịu, mè nheo dụi đầu vào lòng bà không còn nữa, nhưng bóng hình người phụ nữ một đời lam lũ, hiền hậu vẫn mãi in tạc trong tâm trí tôi.
Song Quỳnh
Ý kiến bạn đọc