Multimedia Đọc Báo in

Que kem tuổi thơ

17:21, 25/11/2018

Có lẽ đối với thế hệ 7x, 8x, 9x chẳng ai không biết đến cây kem mút, mỗi lần nhắc về món này tôi như vẫn nghe dịu ngọt nơi đầu lưỡi và vương đâu đó là những hoài niệm ngày thơ, đánh thức một miền quá khứ đẹp đẽ, trong veo của mỗi người.

Tôi còn nhớ, cứ mỗi độ hè về là bác Tư xóm trên lại đạp chiếc xe cũ kỹ, với làn da cháy nắng, bác đội cái mũ cối xanh đã ngã màu và đằng sau yên xe là một cái thùng gỗ to đựng đầy ắp những que kem mát lạnh; bác dạo hết đường làng, ngõ xóm với chiếc kèn kêu “te, te...” và tiếng rao không lẫn vào đâu được. Mỗi khi tiếng kèn của bác Tư vang lên, lũ trẻ xóm tôi lại háo hức í ới nhau, đứa bồng bế em, đứa cõng em sau lưng vội vàng chạy ùa ra đầu ngõ, đứa nào cũng thở hổn hển nhưng đôi mắt lại ánh lên rạng rỡ, nếu không nhanh bác Tư sẽ đi mất . Bác Tư như thần tượng trong lòng lũ trẻ quê tôi vậy, ngày ngày đợi chờ, rồi ngó ngang ngó dọc tìm bác, cố dóng đôi tai nghe tiếng kèn từ xa xa. Ngày ấy, hai đồng một cây kem mút, nhưng lũ trẻ chúng tôi đâu có tiền để mua, bố mẹ chúng tôi quanh năm lam lũ với ruộng đồng, rồi nhịn ăn, nhịn mặc để lo quần áo, sách bút cho con đến trường, biết bố mẹ cơ cực đâu đứa nào dám đòi hỏi, nài nỉ xin tiền ăn quà. Muốn ăn lắm nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn xe kem trong sự thèm thuồng hoặc cứ chạy mãi theo xe kem của bác Tư đến cuối đường, đứa nào có tiền mua kem, thì cũng chia năm xẻ bảy mỗi đứa cắn một miếng, ăn xong lại đưa mắt nhìn nhau vẻ mặt buồn rười rượi.

Ảnh minh  họa (nguồn phunuvietnam.vn)
Ảnh minh họa (nguồn phunuvietnam.vn)

Kem mút ngày đó chỉ có chút đường, chút sữa đem pha loãng với nước lã rồi để đông đá, nên có màu trắng của sữa và rất là cứng. Ấy thế mà, chúng tôi coi đó như một món quà quý của ngày hè, không đứa nào cưỡng lại được, khi nghĩ tới cảm giác được nếm miếng kem ngọt ngào, mát lạnh đang tan dần trong miệng. Biết chúng tôi chẳng có tiền mua kem, bác Tư cho lũ trẻ quê tôi đổi “hàng hóa” lấy kem,  nói là “hàng hóa” nhưng cũng chỉ là vài cái chai nhựa, miếng sắt vụn, đôi dép đứt, hay thậm chí là ít lông gà, lông vịt… Chính vì thế, chúng tôi cố gắng dành dụm, nhặt nhạnh từng vỏ chai, miếng sắt…rồi trông ngóng, dỏng đôi tai lên chờ đợi tiếng “te, te…” ngoài ngõ. Những đứa đi đôi dép tổ ong bằng nhựa như tôi, thì chỉ mong đến ngày đôi dép đứt, để được “đường đường chính chính” xách ra đổi kem và mai sẽ được mẹ mua cho đôi dép mới. Những suy ghĩ ngây dại, non nớt cùng “món quà quý” ngày hè đó chính là tuổi thơ của chúng tôi.

Chúng tôi những đứa trẻ xa quê hương ngày ấy, vẫn thường gặp nhau, chia sẻ về tuổi thơ với một trời kỷ niệm và trong đó ngọt ngào nhất vẫn là hương vị của cây kem mút ngày bé, mà đứa nào cũng xuýt xoa mong một lần được nếm lại. Bây giờ có biết bao loại kem ngon, hấp dẫn cả màu sắc đến hương vị, rẻ có đắt có, nhưng chẳng đâu tìm được dư vị xưa cũ, tiếng kèn “te, te…” nơi ngõ nhỏ hay dáng bác bán kem cũng vắng bóng dần, chỉ còn in sâu trong tâm tưởng của chúng tôi và kem mút trở thành một phần tuổi thơ khốn khó của lũ trẻ quê tôi.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.