Multimedia Đọc Báo in

Đi trong chiều cuối năm

10:21, 26/01/2019

Ngày cuối năm, cái lạnh đủng đỉnh xen về. Nhìn mấy nhành lá non của cây hồng vừa nhú lên đã thấy hơi lạnh không còn từ trong từng thớ thịt. Mưa lấm tấm nhẹ trên đầu ngọn cỏ còn ngai ngái mùi đất. Cây lá đã nhú chồi xanh đủ để người ta cảm nhận sự bình yên và sức sống đang bừng bừng len lỏi. Bên kia sân nhà ai, một nhành mai đang lặng lẽ trở mình mưng nụ, lác đác mấy đóa hoa vàng còn rụt rè, e thẹn. Tết đã thập thò trước hiên nhà.

Cuối năm, đường, xe dẫn về trăm ngả, thành phố tất bật đón những đứa con làm ăn xa trở về. Những con đường phẳng lì rợp trong muôn hoa, nhưng con đường về nhà vẫn là đẹp nhất. Phố phường nhộn nhịp, chộn rộn những âm thanh ồn ã, màu nắng chở đầy trên những chuyến xe hàng trưa.

Thế nhưng, khi nắng khuất dần sau những dãy nhà cao tầng san sát, chẳng ai đành lòng bỏ qua buổi chiều cuối năm. Rảo bước trên những ngày cận xuân, thu về cái thong thả trong lòng, ung dung để sẵn sàng cho một năm mới sẽ có nhiều khởi sự mới.

Đâu đó trong từng con đường, góc phố, quán cà phê vỉa hè… chiều buông trong hơi lạnh, người ta ngồi nhâm nhi ly cà phê, nói chuyện đời, chuyện người. Giấu nỗi buồn năm cũ thật sâu vào lòng, nhen nhóm lên niềm vui, niềm hân hoan dâng tràn. Có gì đó thôi thúc người ta ngồi sát lại gần nhau hơn. Người qua, người lại chẳng ngại trao cho nhau một nụ cười. Trong lòng xuân, Tết về như thể được mở lòng, gói ghém yêu thương nhiều hơn.

  Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Giữa lúc phải co chân lên mà chạy, mới biết rằng mình đang mắc kẹt giữa ngày hôm nay, ở nơi này. Như những ngày cuối cùng của năm cũ đang bước vội qua dù hoàng hôn đang buông chậm rãi ở phía lưng chừng. Cái háo hức mong xuân nhường lại cho tụi nhỏ, lại thấy ngẩn ngơ bởi Tết sắp đến rồi ư? Mỗi năm ngồi đếm tuổi mình, buổi cận Tết cũng mang một “màu” rất khác. Chiều cuối năm, có cái gì đó nôn nao, nhớ lạ! Một nỗi niềm mà ai cũng dễ bắt gặp, năm nào cũng vậy, đó là những khoảng lặng dịu êm trong mỗi người để suy nghĩ về những được - mất, đúng - sai, sự hiện hữu... với những ngày đã qua!

Trong cái cập rập của những ngày giáp Tết, còn có nỗi nhớ thương hương vị đậm đà của bữa cơm đoàn tụ. Bữa cơm Tết của ngày còn có mẹ cũng mang một dư vị đặc biệt, cứ len về, làm xốn xang trong lòng. Cũng là bánh tét, thịt thưn, có sẵn hũ kiệu, dưa hành... nhưng sao có cái ngơ ngác thèm! Mùi thịt không dậy vị như năm nào, kiệu ngâm cũng thiếu thiếu một cái gì đó, chỉ nghe lòng thổn thức, rưng rưng, rồi nhớ quay quắt....

Tết trong miền nhớ của mâm cơm đoàn viên do bàn tay mẹ nấu có phong vị không tìm đâu giống được. Khi trưởng thành rồi mới hiểu, những món ăn sẽ dậy vị ngon khi lòng người thấy ấm! Là cái vị thịt thưn thấm tháp tê căng nơi đầu lưỡi, cảm nhận rõ từng miếng thịt dậy màu hạt điều, thưn cho kỹ trên lửa than rồi treo lủng lẳng nơi gần gian bếp. Cái thú vui nhất là mỗi lần có khách thì lấy xuống, cắt một đoạn thịt rồi xắt lát ra đãi khách. Đó là bí quyết giữ món trong khi chưa thể có tủ lạnh. Mấy năm sau đó, khi nhà đã mua được bếp gas rồi thì gần Tết, mẹ vẫn không quên mua vài ba ký than củi cùng mấy ràng bánh tráng. Chiều 30 Tết, khi than hồng đã đượm thì mang bánh ra nướng. Mẹ ngồi gói thêm vài gói nem, mấy miếng thịt xông khói treo lủng lẳng nơi gác bếp, mặc thứ nước ướp màu điều nhỏ giọt xuống than hồng. Cũng lại nhớ có buổi chợ chiều cuối năm đông nghịt, mẹ dắt tay len qua dòng người đang vội vã, mua mấy ký thịt, con gà, xấp lá về gói bánh. Bộ đồ tết mua về, mẹ cũng không quên dặn tụi nhỏ trong nhà, để dành đến Tết hãy mặc vì sợ mấy đứa háo quá, mang ra mặc ngay thì lấm đất. Rồi Tết còn là những lời mẹ dặn: ra đường đông đúc, cẩn thận cộ xe...

Chiều cuối năm, năm nào cũng vậy là cái tưởng tiếc về dư vị của những ngày xuân xưa. Nhớ đến ngẩn ngơ, nhịp cầu yêu thương ấy, bắc mấy cho vừa.

                                                                                                                                                    1-2019

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.