Multimedia Đọc Báo in

Thương sao chái bếp hiên nhà

06:08, 28/01/2020

Nhạc sĩ Nguyễn Bắc Sơn, trong ca khúc “Còn thương rau đắng mọc sau hè” có viết một câu khó quên “chái bếp hiên sau ngọt ngào một lời cho nhau”.

Lời ngọt ngào ấy hẳn nhiên là của một người con gái. Với những người phụ nữ vùng sông nước quê tôi, chái bếp hiên sau là giang sơn riêng của họ, là nơi tâm tình thủ thỉ của các chị em mỗi khi vào bếp.

Đơn sơ lắm, chỉ là gian nhà nhỏ liền kề gian nhà lớn ba căn nhưng chái bếp tốt thể hiện gia đạo thuận hòa, đầm ấm. Nơi đó ngày ngày tháng tháng, má tôi luôn “giữ lửa” cho gia đình từ những bữa cơm chan chứa tình thương. Má hay nói, muốn biết phụ nữ có đảm đang hay không thì ngó vô bếp. Bếp có thể đơn sơ nhưng phải gọn gàng, ngăn nắp. Bếp có thể nghèo nhưng không được lạnh. Bếp luôn ấm áp thì gia đạo mới hạnh phúc.

Chái bếp quê luôn cho tôi cảm giác ấm cúng, yên ả của những buổi chiều tà, khi khói bếp quyện vào không gian cho ta biết đó là lúc sum họp gia đình sau những giờ làm việc vất vả ngoài đồng, cả nhà quây quần, xúm xít bên mâm cơm quê đạm bạc. Tôi lại nhớ đến câu thơ “Bếp nhà ai khói rung mờ ngọn lửa/Bữa cơm chiều bông súng với mắm kho”.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Nhớ những tháng năm tuổi thơ, tôi cùng bọn trẻ trong xóm có biết bao trò vui nơi chái bếp. Chúng tôi chơi trò trốn tìm, hay núp sau các đống củi khô má chất đầy, hay chạy vô ngồi thu lu sau các ụ rơm khô. Mót được củ khoai lang, củ sắn còn lấm lem bùn đất, tôi cùng lũ bạn lúi húi trong bếp đốt rơm vùi kỹ. Khi mùi thơm ngào ngạt tỏa đầy chái bếp, chúng tôi lại chia nhau ăn. Cả đám vừa ăn, vừa xuýt xoa thổi vì nóng. Nhìn lên chái bếp, ở đó má tôi treo đủ thứ rổ rá ám khói chẳng bao giờ sợ mọt. Những quả mướp, quả bầu khô, những chùm bắp giống móc trên xà cũng được cất nơi chái bếp.

Còn nhớ những ngày ba má không có nhà, đi học về, tôi vứt ngay cặp sách chạy vào bếp tìm cơm nguội ăn với nước mắm rưới thêm tóp mỡ mà vẫn thấy ngon. Trong những ngày mưa phùn gió bấc lê thê, để nấu được nồi cơm ấm nước, má tôi giàn giụa nước mắt vì khói. Bây giờ, khi ngang qua những miền quê yên bình, nhìn khói bếp nhà ai lãng đãng trong nắng chiều dần buông, lòng tôi lại nao nao nỗi niềm nhớ chái bếp hiên sau.

Nhớ những ngày lễ, tết hay giỗ lạt cái chái bếp hiên sau vẫn là nơi ấm áp nhất. Mọi hoạt động chuẩn bị cúng kiếng sẽ được chuẩn bị một cách náo nhiệt nhất nơi chái bếp nhà. Bên bếp lửa hồng ấm áp hiên sau, mỗi người một việc, mâm cơm cúng ông bà được con cháu chung tay lo liệu. Biết bao con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành  từ  những  mâm  cơm được làm từ chái bếp một thời lam lũ, gian khó. Bây giờ ở thôn quê ít dần những ngôi nhà lá và những chái bếp nhà xưa. Thời của bếp gas có lẽ cũng vắng dần những câu chuyện vui buồn bên bếp lửa hồng với nồi bánh tét đêm cuối năm… Thế nhưng, còn hạnh phúc nào hơn khi tất cả anh em đều tề tựu dưới một mái nhà, bên cạnh cha mẹ già để cùng nhau rôm rả chuyện trò, khi thấy con cháu trưởng thành và quay về tề tựu bên chái bếp.

Dù thế nào đi nữa thì những làn khói tỏa ra từ chái bếp, nơi má tôi thường lụi hụi chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình vẫn mãi hiện hữu trong tôi, dù thời gian có thay đổi ra sao. Bởi, đó là hình ảnh của quê nhà, của một thời gợi thương, gợi nhớ mà đi bất cứ đâu, tôi cũng không sao tìm thấy được.

Nguyễn Thị Minh Châu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.