Multimedia Đọc Báo in

Tiếng gà gọi về bình yên

07:16, 27/01/2020

Mẹ gọi từ quê lên, bảo tôi rằng cha mới sửa sang lại chuồng gà lâu nay vẫn để trống, chuẩn bị nuôi đàn gà mới mua về được hơn chục con. Mẹ sẽ mua thêm hạt ngô trộn với thóc cho gà ăn mau lớn. Nghe mẹ nói mà lòng tôi bồi hồi nhớ cái chuồng gà sau vườn lâu nay không để ý. 

Mùa đông năm ấy, trời rét mướt làm bầy gà ngắc ngư mắc bệnh, ngủ qua một đêm sáng ra mẹ hốt hoảng khi thấy cả đàn chẳng còn một con sống sót, từ đó nhà không nuôi gà nữa. Chiếc chuồng lợp bằng ngói cũ lâu ngày mục vỡ, tấm bạt rách sờn liêu xiêu che tạm bợ, bị bỏ quên trong ký ức đâu đó giữa dòng đời ngược xuôi.

Nghe mẹ nhắc mới chợt nhớ ra, đã lâu rồi tôi không còn được nghe tiếng gà gáy bình yên mang đậm hồn quê kiểng. Như một thanh âm gợi về lòng người những trong trẻo nguyên sơ, tiếng gà gáy bình dị dệt vào nỗi tha hương những nhớ thương quay quắt. Và tự bao giờ, nó đã trở thành người bạn hiền của tuổi thơ, là kỷ vật thời gian mà giờ đây lòng tôi đau đáu tìm lại. Tiếng gà gáy sáng vang lên hối hả, lảnh lót, gọi cây đâm chồi, gọi mùa đơm trái. Tiếng gà gáy trưa rơi giữa bốn bề tĩnh lặng, man mác xa xăm. Tiếng gà gáy chiều lại nao nao khắc khoải, khơi nguồn nỗi nhớ ăm ắp mơ hồ.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My

Giữa những tính toan thường nhật, đôi lúc tôi ước được mắc chiếc võng đong đưa sau gốc khế vườn nhà, thảnh thơi trôi theo ngọn gió đồng mà nghe tiếng gà trưa vỗ về giấc ngủ. Chỉ cần nhắm mắt lại, con gà trống gáy lên xôn xao nắng vàng, dội vào tiềm thức tràng thanh âm trong vắt tuổi thơ. Những biền dâu, bãi mía, rạ rơm, cánh đồng làng mênh mông khói chiều, còn nguyên vẹn trong nỗi nhớ làm tôi chợt cay mắt. Những câu vè chân chất, khúc đồng dao ngân nga suốt một thời tuổi dại lại râm ran trong tôi, như níu hồn tôi về với nguồn cội. Tiếng gà gáy như món quà quê kiểng bình dị, mà xóm nghèo bao dung đã ban tặng cho tôi làm hành trang vững bước vào đời.

Nhớ về tiếng gà quê là nhớ về hơi ấm ổ rơm khô, bên trong có những quả trứng hồng. Tôi còn nhớ lúc nhỏ, mỗi lần anh em chúng tôi đứng thập thò trước cửa chuồng, con gà mái đang nằm ấp lại xù lông lên, bảo vệ ổ trứng. Nhớ đôi mắt tròn xoe trong veo của mấy chú gà con lông mềm như tơ, rúc vào đôi cánh chở che của gà mẹ. Nhớ tiếng cục tác tranh nhau mổ thóc của đàn gà khi mẹ sai tôi rải thóc cho chúng ăn. Và cả tiếng gáy dõng dạc của những “chiếc đồng hồ di động”, thành dàn đồng ca điền dã vang lên mỗi sáng, bền bỉ gắn bó với người nông dân như người bạn thật thà.

Đôi khi lòng cồn cào muốn về thăm quê chỉ bởi thao thức nhớ một tiếng gà. Tôi chợt nhận ra mình đã mải mê với dòng đời hối hả mà lỡ đánh mất tiếng gọi của tuổi thơ, món quà vô giá chắt chiu tình quê ngọt ngào. Đi qua từng dặm dài rong ruổi, tiếng gà quê vẫn là thanh âm trong trẻo và thanh bình nhất, như là mạch nguồn thắm đượm hồn tôi. Tôi lại nhớ đến những câu thơ của Tôn Phong: “Thành phố không nuôi nổi một tiếng gà/ bỏ vầng trăng đi lạc/ Thành phố đói trăng/ đẩy tiếng gà vào cổ tích”. Lần này tôi sẽ về quê nhà yêu dấu, tìm lại cổ tích cho riêng mình…

Trần Văn Thiện


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.