Multimedia Đọc Báo in

Chuyến đò sông năm cũ

09:16, 02/02/2020
Tôi thương hoài những chuyến đò sông năm cũ. Quê tôi nằm ở điểm cuối cùng trên bản đồ địa lý Việt Nam. Bên dòng sông Cái Tàu sóng vỗ, tôi đã được sinh ra và lớn lên, sống những năm tháng đầu đời nhiều kỷ niệm khó quên.
 
Má tôi nói, cái gì ở quê mình cũng để thương, để nhớ. Mãi đến khi xa quê tôi mới nghiệm ra câu nói của má không sai chút nào. Hoài niệm về chuyến đò sông quê nhà, tôi nhớ nhất là tiếng máy nổ giòn vang vọng trong gió tạt vào xóm nhỏ. Buổi sáng tôi đi học trông thấy chuyến đò từ chợ huyện chạy ra tỉnh.
 
Buổi chiều tôi ở nhà ngóng đợi chuyến đò từ chợ tỉnh chạy về, chuyến đò sông muộn, trở về khi hoàng hôn mịt mờ nhưng vẫn đông người, hàng hóa chất đầy trên mui đò, chân vịt cuộn xoáy nước tung bọt trắng xóa khi chiếc đò vụt đi. Tôi đứng ngẩn ngơ nhìn, vui nhất là những ngày có ai đó về xóm nhỏ, đò ghé bến quê, người lơ đò níu tay dẫn khách lên khỏi mũi đò cẩn thận rồi mới rời bến. Dù là người quen hay người lạ thì tôi cũng thấy lòng mình hân hoan, cảm giác như có một niềm vui nào đó rộn rã và tươi mới len lỏi vào trong xóm nhỏ của mình.
 
Hồi còn bé, tôi thường theo bà đi đò ra chợ tỉnh. Lần nào cũng vậy, hình như là thói quen, cứ sáng mai đi cùng bà là đêm nay tôi trằn trọc không ngủ được. Bà tôi cũng vậy, bà lúi húi chuẩn bị mọi thứ vào trong giỏ. Bao giờ có dịp ra chợ tỉnh bà tôi cũng gói ghém mấy thứ “cây nhà lá vườn” mang ra chợ bán. Khi thì mấy nải chuối xanh chuối vàng, lúc vài chục xoài chín bói, chục dừa khô, đám mít tố nữ bên hè chín rộ bà cũng hái đem đi bán. 
 
Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My
Tôi dậy khi trời còn mịt mù sương đêm, còn bà thì thức dậy từ bao giờ tôi không rõ. Bà nấu cháo, nướng cá khô để hai bà cháu ăn lót dạ rồi lỉnh kỉnh xách đồ theo con đường mòn ra bến sông đón chuyến đò sớm ra chợ tỉnh. Ngồi trên đò, tôi tinh nghịch thò đầu ra ngoài ngắm nhìn đám dừa nước mọc xanh um hai bên bờ sông Cái Tàu, ngắm những chiếc đò khác ngược xuôi trên dòng sông rộng. Đến khi bà mắng tôi mới rụt đầu vào, ngồi co ro, nước bắn vào trong đò từng hạt li ti, mặn chát.
 
Đò tới bến chợ tỉnh khi nắng đã lên cao, bà tôi một tay xách giỏ, một tay dắt tôi chen giữa dòng người đi vào các ngõ chợ. Bà bán hết hàng khi trời đã xế chiều, đói bụng, bà dẫn tôi vào một quán hủ tiếu bình dân lề đường ăn no bụng rồi ra bến đón chuyến đò cuối cùng về xóm nhỏ thân yêu.
 
Thời gian trôi nhanh như chuyến đò năm nào. Bây giờ, mỗi lần có dịp về qua chợ tỉnh, chợ khác xưa rất nhiều nhưng tôi vẫn tranh thủ men theo những con đường năm xưa nơi bà tôi từng dắt tay tôi, lòng bời bời nỗi lo mưu sinh cơm áo, mồ hôi nhễ nhại, vết chân đã bị xóa nhòa bởi gió bụi, thời gian, nhưng ký ức cứ sống hoài trong tâm tưởng tôi không hề phai nhạt.
 
Chuyến đò xưa giờ đã thưa vắng rồi, không ai còn đủ kiên nhẫn ngồi đò hàng giờ đồng hồ ra chợ như xưa nữa. Nhưng chuyến đò cũ vẫn vĩnh hằng trong tâm thức của tôi. Tôi nhớ ngày nào tôi cùng bà đi đò ra chợ. Nhớ thuở xa xưa, thấy ai lên đò, về xóm nhỏ là lòng lại rộn rã tưng bừng. Tôi nhớ khoảnh khắc đưa chị tôi ra bến đò để chị lên thành phố đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình, nước mắt tôi ướt nhòe. Và, chuyến đò nào đã đưa tôi rời khỏi xóm yêu thương, lao vào nhịp đời lắm bon chen nơi phố thị đông người, rộn rã.
 
Đò ơi!
Tôi thầm gọi chuyến đò năm cũ. Nhưng đò không trả lời. Đò là vô tri. Nhưng đò cứ sống mãi trong hồi ức của tôi.
 
Hoàng Khánh Duy

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.