Multimedia Đọc Báo in

Bồ kết thơm hương quê

16:56, 27/02/2021

Tôi lang thang trong buổi chợ phiên quê mình mong tìm lại những điều xưa cũ. Vẫn là chợ quê nhưng đã mang nhiều đổi thay, mới mẻ, chợ khoác lên những sắc màu hiện đại, hình như những điều ấy đang đẩy dần chữ “quê” lùi lại sau lưng.

Rõ ràng tôi đang đi trong chợ phiên làng mình mà thấy len lỏi trong cảm xúc một điều lạ lẫm. Vẫn những lao xao lời người mua, kẻ bán, tiếng chào hỏi, chuyện trò, lại lẫn vào thứ âm thanh ồn ã phát ra từ chiếc loa di động. Đi giữa hai dãy nhà lợp mái fibrô xi măng với khung sắt, trụ xây kiên cố, tôi giật mình thoáng thấy những mái lá cọ thấp lè tè ngày xưa khi tôi còn nhỏ, lẽo đẽo theo chân mẹ.

Vào sâu trong chợ, vẫn những nong nia, bu, sọt… đập vào mắt tôi là chiếc rế kê nồi nấu bếp củi, thế thôi mà đã thấy hơi ấm ngấm vào thân thể mình, hơi ấm thân thương! Kia nữa, phía bên kia là hai cụ bà ngồi bán thuốc lào, các cụ bán cả cau, trầu, rễ mản, những thứ bất ly thân của những người già như hai cụ bà ấy, như bà tôi.

Dừng lại thật lâu bên hàng của một cô gái trẻ, lòng tôi đã bị một cảm xúc dạt dào níu chân. Tôi bị thứ hàng mà cô bán thu hút khiến cho mình không thể hờ hững rời đi được: Bồ kết! Bồ kết bây giờ đắt lắm, cả trăm nghìn đồng một cân, đấy là ở chợ quê chứ lên thành phố chắc phải đắt gấp đôi. Cũng chẳng bất ngờ bởi những thứ như bồ kết ở quê bây giờ cũng hiếm lắm. Nhớ ngày xưa bồ kết người ta cho không, trên đường làng bồ kết vẫn rụng đầy ven lối đi.

Ngày trước, hầu như vườn nhà ai cũng có vài cây bồ kết, tự nó mọc chứ cũng chẳng mấy ai trồng. Hình như nó cứ mọc vô tư như thế, và người ta cũng nghĩ nó tồn tại như một điều dễ hiểu, rằng nhà quê thì phải có bồ kết. Thời ấy bồ kết bán rẻ như cho nên có nhà cũng chẳng thèm bán, cứ để quả chín đen rồi rụng xuống, các bà, các mẹ nhặt về nấu nước gội đầu. Gội đầu bằng nước bồ kết làm cho tóc đen và mượt, hơn nữa nước bồ kết còn có một hương thơm dịu dàng đọng lại rất lâu trong tâm hồn.

Những trưa nắng hè, mẹ thường nướng vài ba quả bồ kết rồi bẻ thành từng đoạn nhỏ bỏ vào chậu nước đem ra sân phơi, quá trưa là đã có nước để gội đầu. Tôi hay mon men đến gần chậu nước ấy xem, nắng đã làm nước chuyển thành màu vàng sóng sánh. Thứ nước gội đầu của người nhà quê không thơm sực nức như dầu gội đầu của người thành phố, mùi hương bồ kết nhẹ nhàng ngấm vào tóc, nhẹ nhàng tỏa hương, thứ hương ấy bám vào tóc rất lâu như một lời thủ thỉ.

   Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Hồi còn nhỏ, lũ trẻ nhà quê chúng tôi ăn cả quả bồ kết. Người lớn thường dọa, chớ có ăn quả bồ kết, ăn vào là bị đau bụng rồi trương phềnh bụng lên như bị bơm hơi. Chúng tôi làm ra vẻ nghe lời rồi lén lấy những quả bồ kết non vỏ còn xanh túm tụm ăn với nhau. Chúng tôi bóc lớp vỏ quả bồ kết ra, giữ lấy hạt, tiếp tục bóc vỏ hạt, lúc này lộ ra cùi màu trắng rất hấp dẫn. Đem thứ cùi từ hạt bồ kết bỏ vào miệng nhai ngon lành, thứ cùi trắng ấy dẻo quạnh, cay cay, tê tê, chúng tôi nhìn nhau cười thích thú.

Mùa đông, bên bếp lửa, người nhà quê thường bỏ vào bếp mấy quả bồ kết. Mùi bồ kết tỏa ra thơm cả gian bếp. Người ta nói, mùi thơm từ khói bồ kết giúp thông mũi, trị cảm mạo rất tốt. Chẳng biết thực hư ra sao nhưng mỗi lần ngửi mùi thơm ấy đầu óc tôi lại được thư thái trong một cảm giác bình yên.

Bây giờ, cuộc sống hiện đại kéo con người theo những mới mẻ và tiện ích nên người ta dễ quên đi những thứ chân chất, gần gũi quanh mình như bồ kết chẳng hạn, thế là sẵn sàng bỏ đi chẳng mảy may thương tiếc. Rồi đến một lúc nào đó ngoảnh lại giật mình nhận ra những thứ mình dửng dưng nay thành quý hiếm thì đã quá muộn màng. Tôi cầu mong sẽ không còn những sự muộn màng như thế nữa. Tôi cầu mong hương bồ kết sẽ mãi còn thơm hương quê nhà. Bồ kết ơi!

Lê Minh Hải


Ý kiến bạn đọc