Multimedia Đọc Báo in

Về thương miền nhớ tháng tư

14:41, 28/04/2021

Bây giờ đã là tháng tư. Khắp rộng dài châu thổ đâu đâu cũng có thể cảm nhận mùa nắng vàng óng ả đổ khắp ruộng đồng, bờ bãi. Từng hạt nắng buông mình qua kẽ lá dừa xanh, soi lấp loáng những nhánh sông quê bình yên xuôi chảy.

Sớm mai thức giấc giữa ngôi nhà có hàng cột gỗ nhuốm màu thời gian, bên hè tiếng mấy chú chim lích cha lích chích, tiếng gà cục ta cục tác gọi ngày mới. Những thanh âm của buổi sáng miền quê là vậy, không tấp nập còi xe, không chúc chen những dòng người hối hả như ở phố phường. Hoa bưởi vườn nhà thoang thoảng hương thơm. Hoa đã qua lúc nở rộ chỉ còn vài chùm cuối mùa nhưng từng cánh vẫn trắng tinh khôi bao bọc nhụy vàng e ấp. Con gái bước ra vườn hái chùm hoa bưởi để vào ấm trà của ba. Cánh hoa buổi sớm còn đọng sương mai quyện hòa cùng mùi hương của trà tỏa vị nhẹ nhàng mà vương vấn. Ba xoa đầu con gái, ánh mắt chan chứa yêu thương. Ba là như vậy, lời yêu thương ít khi nói ra nhưng sẽ thể hiện bằng những hành động và cử chỉ quan tâm lặng thầm mà đầy tình cảm. Như cái cách ba lặng lẽ hái dừa rồi để sẵn vào ly khi con gái vừa về đến nhà. Ba lặng lẽ dắt chiếc xe máy dính đầy bùn sình vấy lên khi chạy trên đường quê đem đi rửa sạch sẽ rồi kiểm tra thắng xe, nhớt máy bởi biết đứa con gái không giỏi những chuyện này.

Tôi về nhà ngay hôm cắt dưa hấu. Người dân quê tôi tận dụng những mảnh ruộng mùa khô cạn nước để trồng dưa, trồng cà, trồng bí. Người ta đến thu mua ngay tận ruộng. Vẫn sự thân tình mà bao đời tôi luôn được ba mẹ dạy dỗ là chòm xóm phải giúp nhau. Khi những nhà khác cắt bí hay nhổ rau cần người thì nhà tôi cũng tranh thủ qua giúp. Đến hôm nhà tôi cắt dưa thì những nhà xung quanh sẽ qua phụ. Tiếng cười nói rộn ràng, người này đi cắt, người kia đi theo sau gom thành hàng. Người khác đẩy xe cút kít lại để đem về điểm tập kết ngay mé ruộng, dưới bóng mát rặng tre xanh. Những đứa nhỏ tranh thủ cuối tuần được nghỉ học cũng lon ton theo phụ. Mấy lúc nghỉ mệt, có đứa cầm trái dưa đập xuống bờ cỏ cho vỡ ra từng miếng mà không cần dao cắt rồi cứ thế ăn trong thích thú. Dưa đủ nước đủ nắng gió nên no tròn, phía trong chín đỏ au, ngọt lịm. Có hôm làm không kịp đến lúc tối, phải mắc đèn để chuyền dưa lên xe tải. Những người chú, người anh vốn đã quen tay người thảy người hứng rất nhịp nhàng. 

Minh họa:  Trà My
Minh họa: Trà My

Tháng tư về bên vườn nhà, tôi đi chân trần ra vườn mà cứ ngỡ mình như đứa trẻ nhỏ năm nào vẫn lẽo đẽo theo mẹ, theo ngoại. Khu vườn phía sau nhà không lớn lắm nhưng ba mẹ trồng đủ thứ cây trái, có cả ao nuôi cá. Những lối mòn dưới chân tôi mát lành chất đất. Chiếc ghế thấp ba đóng cho mẹ ngồi nhổ cỏ nằm yên ở một góc vườn. Những chiều sau khi xong việc ngoài đồng về mẹ vẫn tranh thủ ngồi ở đó, nhổ cỏ mấy luống cải, bắt sâu ở luống rau thơm hay chặt tàu dừa làm củi chụm. Nơi góc vườn có hai cây xoài cát xòe táng rộng, ba mắc võng vào gốc để nằm nghỉ trưa những hôm nắng nóng. Mùa này xoài cũng đang độ nở bông. Những chùm bông nho nhỏ chen kín trên tán lá, rụng đầy khắp mặt đất, hương thơm loang cả một khoảng không dìu dịu gió. Khu vườn không quá rộng nhưng lần nào về cũng thấy mình lọt thỏm giữa bộn bề ký ức. Kia là cây ổi mà ngày nhỏ tôi vẫn leo trèo cùng mấy đứa bạn trong xóm. Đây là giếng nước mát lành mẹ vẫn thường múc cho tôi gội đầu những lần trở về. Giọt nước mát lành gột rửa hết bao bụi bặm đường xa chỉ còn lại những thanh sạch, trong lành.

Tháng tư về, ngồi dưới rặng trâm bầu ngoài bờ ruộng nhìn những đứa nhỏ trong xóm tung tăng chạy giỡn mà lòng thấy bình yên dẫn lối. Tháng tư nhẹ nhàng luồn từng làn gió man mát qua mái tóc mới vừa hôm qua được mẹ gội bằng hoa bưởi cuối mùa còn thoang thoảng hương thơm. Hạnh phúc đâu cần phải là những điều gì quá to tát, lớn lao hay đặt nặng vật chất, bạc tiền. Có những hạnh phúc chỉ giản đơn như thế mà con người ta sau trăm nẻo ngược xuôi đôi khi mới nghiệm ra được.

Về với miền nhớ tháng tư, nghe lòng chênh chao bao niềm thương giăng mắc…

Phong Dương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.