Những hội chứng thường gặp ở nhóm làm việc văn phòng
1. Hội chứng CTS
CTS là chữ viết tắt từ cụm từ tiếng Anh (Carpal Tunnel Syndrome), tạm dịch Hội chứng "ống cổ tay", căn bệnh thường gặp ở nhóm người phải dùng nhiều đến máy tính, đánh máy nhiều và di chuyển con chuột liên tục trong thời gian dài. Theo nghiên cứu của các chuyên gia ở Viện Y học quốc gia Mỹ (NIH), triệu chứng phổ biến là đau cổ tay, tê dây thần kinh, nếu nặng có thể làm cho cơ bắp bị liệt, cảm giác tay bị phồng rộp, rối loạn cảm giác cầm nắm, nóng ran, tê, dị cảm hoặc đau nhức các khớp ngón tay.
Giải pháp: Hạn chế sử dụng máy tính, nếu làm việc lâu dài nên có thời gian giải lao. Bàn máy tính phải được thiết kế hợp lý, nhất là tư thế ngồi trước màn hình, tay cầm chuột phải có khoảng nghỉ thích hợp trên mặt bàn, giúp cổ tay thoải mái, động tác sử dụng con chuột phải thích hợp, không được gượng gạo, gò bó. Về điều trị, có một số cách như luyện tập thể thao, châm cứu, dùng thuốc hoặc phẫu thuật. Khi mắc bệnh nên thư giãn cổ tay, bàn tay, tránh các hoạt động có thể làm trầm trọng thêm bệnh, chườm túi lạnh, sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc lợi tiểu theo phác đồ điều trị bác sĩ, tránh sử dụng các chất kích thích, chất gây nghiện. Nên ăn uống cân bằng, khoa học, tăng cường nước, rau xanh trái cây và làm việc, nghỉ ngơi một cách khoa học.
2. Hội chứng CVS
CVS (Computer Vison Syndrome), gọi theo tiếng Việt là hội chứng loạn thị do tiếp xúc máy tính, thường gặp ở nhóm người thường xuyên sử dụng công cụ này. Riêng tại Mỹ có 3/4 số người dùng máy tính mắc phải các rối loạn chức năng về mắt. Triệu chứng thường gặp như căng thẳng mắt, mệt mỏi thị giác, khô mắt, rát mắt, mắt mờ, đau đầu, đau cổ và đôi khi ra quá nhiều nước mắt. Nguyên nhân của hội chứng CVS là do nước mắt đến giác mạc quá nhiều hoặc quá ít, mắt tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng từ màn hình chiếu vào, người dùng máy tính mắc bệnh về mắt.
- Giải pháp: Sử dụng máy tính với thời gian hợp lý, sau mỗi giờ làm việc trước màn hình nên nghỉ giải lao 15 phút, nên chớp mắt liên tục. Nếu mắt quá khô có thể bổ sung nước mắt nhân tạo nhất là nhóm người phải dùng kính áp tròng. Nên kê máy ở vị trí tối ưu nhất trong phòng, không tạo ra quá nhiều ánh sáng phản chiếu, tắt bớt đèn giảm ánh sáng. Màn hình nên đặt cách xa mắt 50-60 cm, thấp hơn tầm nhìn của mắt 10-20 cm để khỏi phải cúi hoặc ngẩng lên. Điều chỉnh các thông số của máy cho phù hợp, nhất là độ tương phản của màn hình.
3. Hội chứng HS
Hội chứng HS (Hourglass Syndrome) gọi theo tiếng Việt là Hội chứng đồng hồ cát, thuật ngữ chỉ sự tức giận, thất vọng của người dùng máy tính khi phải nhìn chiếc đồng hồ cát bé tẹo xuất hiện trên màn hình trong khi đợi do chương trình bị mờ, bị chậm hoặc không được như mong muốn. Theo thống kê ở 2.400 người tại Mỹ do hãng Intel thực hiện phát hiện thấy tới 65% số người dùng máy tính một lần cảm giác bị ức chế do công nghệ chậm, 23% bị ức chế cao khi xuất hiện đồng hồ cát trên màn hình. Nếu trường hợp này xuất hiện quá lâu thì ức chế thần kinh của người dùng lại càng cao, stress càng lớn. Còn theo một nghiên cứu khác do hãng Intel Canada thực hiện mới đây đã phát hiện thấy có tới 55% học sinh trung học phổ thông và trên 60% sinh viên ĐH năm thứ 2 mắc hội chứng HS, nhất là nhóm học sinh theo học nghề công nghệ thông tin sử dụng nhiều máy tính. Cho đến nay chưa có biện pháp phòng ngừa, điều trị hội chứng HS mà người ta chỉ khuyên những người dùng máy tính nên ôn hòa, kiên nhẫn, hạn chế thời gian lên mạng và nên cập nhật, sử dụng kỹ thuật mới nhất để khắc phục tình trạng chậm của máy tính gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc hằng ngày.
4. Hội chứng SBS
SBS (Sick Building Symdrome) là hội chứng bệnh nhà kín hay hội chứng cao ốc, nói về những người làm việc hoặc sống trong những căn phòng kín thuộc các tòa nhà cao tầng. Hội chứng SBS xảy ra với hơn 20% số người sống trong tòa nhà cao tầng khi chất lượng không khí không bảo đảm, trong khi đó môi trường lại hoàn toàn nhân tạo và khép kín. Các đặc thù dễ nhận biết như nhức đầu, tăng các kích thích, gây khó chịu ở mắt, mũi, họng; khó thở, có cảm giác ngợp thở; chóng mặt, buồn nôn; ngạt mũi; mệt mỏi và ngủ gật; khó tập trung, dễ bị kích động, cáu gắt; khô, ngứa và nổi ban ở da. Tuy có phần hơi giống với bệnh cảm cúm nhưng ở hội chứng SBS, các biểu hiện bệnh đều giảm hoặc biến mất khi ra khỏi tòa nhà. Theo Bộ Môi trường Mỹ, không khí trong nhà cao ốc có mức ô nhiễm gấp 100 lần so với môi trường bên ngoài, rất đa dạng như chất độc từ khói thuốc lá, hóa chất thoát ra từ sơn tường, thảm sàn nhà, máy photocopy, máy fax, máy điều hòa, gỗ qua chế biến, thuốc sát trùng, hóa chất xịt thơm, khí CO2, radon, ozone, formaldehyde, benzene, xylene và VOC (chất bốc hữu cơ) cho đến phấn hoa, vi khuẩn, virus và nấm mốc... tất cả các hợp chất này tích lại trong phòng kín cùng với mùi người sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 30% kiến trúc cao ốc trên thế giới được xếp vào danh sách truyền phát hội chức SBS.
- Giải pháp: Vệ sinh định kỳ phòng ở, máy móc thiết bị. Áp dụng hệ thống thông hơi, thông gió tốt. Hạn chế sử dụng các thiết bị thải ra khí formaldehyde hoặc VOC. Nên đặt máy văn phòng ở nơi thoáng khí theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất. Nên dùng các loại sơn thân thiện để trang trí nội thất, trồng nhiều cây xanh quanh nhà và cây cảnh trong nhà để khử độc và làm đẹp không gian .
Duy Hùng (Theo Net/ BC – 4-2012)
Ý kiến bạn đọc