Tây Hồ cổ tự
Là hồ lớn nhất nằm ở phía tây bắc Thủ đô, Hồ Tây không những nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp mà còn được xem như “địa linh” của đất Thăng Long xưa và Hà Nội nay. Thật hiếm, tại đây còn có 5 ngôi chùa cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật và lịch sử.
1.Trấn Quốc - ngôi chùa cổ nhất Hà Nội
Chùa nằm ở phía đông Hồ Tây trên đường Thanh Niên, được xây dựng trên hòn đảo có tên là Kim Ngư (cá vàng), tại nền cũ của cung Thúy Hoa đời Lý và điện Hàm Nguyên đời Trần. Thời Tiền Lý (541-548), chùa có tên là Khai Quốc (mở nước). Năm 1615, bãi sông bị lở nên mới dời chùa về đây. Năm 1628, chùa được trùng tu và được đổi thành Trấn Quốc. Chùa có kiến trúc độc đáo: trước là nhà Bái đường, sau là Tam Bảo mới đến dãy hành lang Thập điện bao gác chuông. Trong chùa có khoảng 40 pho tượng Phật, 20 pho tượng tăng, đẹp nhất là tượng Thích Ca nhập niết bàn làm bằng gỗ sơn son thếp vàng.
Chùa Trấn Quốc là nơi có nhiều bậc cao tăng Hòa thượng đời trước trụ trì như Vân Phong pháp sư, Khuông Việt đại sư…
Cổng chùa Trấn Quốc. |
2.Chùa Thiên Niên và Bà Chúa dệt lĩnh
Chùa nằm ở phía tây Hồ Tây thuộc làng Trích Sài (phường Bưởi, Tây Hồ). Theo bài ký trên bia thì chùa được xây dựng từ thời Tiền Lý, tên gọi là Bát tháp tự vốn là nơi tu hành của 2 công chúa con vua Lý Nam Đế. Cuối thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông cắt ruộng đất làng Trích Sài lập nên Thiên Niên trang ban cho cung phi là Phan Thị Ngọc Đô cùng 24 nữ tì ra ở.
Làng Trích Sài xưa vốn là làng nghề dệt lĩnh. Khi quân Minh sang xâm lược, chúng đốt phá công cụ sản xuất khiến nhân dân phải đi kiếm củi, đánh cá kiếm ăn. Bà Ngọc Đô bỏ tiền của ra khôi phục lại làng nghề, nên sau khi mất nhân dân tôn bà là Bà Chúa dệt lĩnh.
Trải qua các cuộc chiến tranh, chùa Thiên Niên bị đổ nát. Thời Mạc có quan Thái Bảo Đà quốc công Mạc Ngọc Liễu đứng ra tu sửa, nay chùa vẫn còn một phần kiến trúc nhà Mạc, bài vị Bà Chúa dệt lĩnh, tượng Đà quốc công, cùng một số hoành phi câu đối cổ có giá trị.
3.Chùa Kim Liên - “Sen vàng” nở trên bán đảo Nghi Tàm
Chùa Kim Liên nằm giữa đê Yên Phụ, nhìn ra Hồ Tây, thuộc làng Nghi Tàm (phường Quảng An, Tây Hồ). Trên nóc Tam quan có đề 3 chữ “Kim Liên tự” có nghĩa là “Bông sen vàng”.
Chùa được xây dựng trên nền cũ của cung Từ Hoa, nơi con gái của vua Lý Thần Tông cùng nữ tì trồng dâu chăn tằm vào thế kỷ 12. Năm 1792, chùa được tu sửa dáng vóc kiểu cung điện như ở chùa Tây Phương, bao gồm 3 lớp chùa: Thượng, Trung, Hạ. Chùa có nhiều mái đao cong, đẹp, thanh thoát, nhiều núi giả, cây, lá và hoa tạo nên phong cảnh tao nhã ngoạn mục. Trong chùa có nhiều pho tượng chạm trổ tinh vi như tượng Chúa Trịnh đội mũ miện, tay cầm hốt, mặc áo cổ tràng… Đáng chú ý là tượng Quan Âm Nam Hải 42 tay, các bàn tay xếp so le tinh xảo đặt trên tòa sen gỗ hình lục lăng. Chùa có cả tượng Tôn Ngộ Không bằng gỗ phủ sơn, khá sinh động.
4.Chùa Quảng Bá - tổ đình thiền phái Tào Động
Chùa còn có tên chữ là Quảng Bố tự hay còn gọi là chùa Long Ân. Chùa do công chúa Nguyễn Thị Ngọc Tú, vợ của chúa Trịnh Tráng (1623-1657) xây dựng từ năm 1628. Năm 1824, vua Minh Mạng nhân chuyến ra Bắc đã đến vãn cảnh chùa và đổi tên chùa thành Sùng Ân tự.
5.Chùa Tào Sách có cây đa lông
“Chùa Tào Sách có cây đa lông
Đình làng Đông có cây lá cọ…”
Từ dưới đình nhìn lên, chùa Tào Sách rất uy nghi cổ kính nép mình dưới tán lá đa tỏa mát. Chùa có kiến trúc theo kiểu chữ Đinh truyền thống, nhưng trên mái ngói lại trang trí những mảnh khối theo kiểu cung đình Huế. Trong chùa có nhiều di vật quý có giá trị như 29 tấm bia, 2 quả chuông lớn và trên 30 pho tượng. Trong chùa còn có tượng Quan Âm Bồ Tát đứng trên tòa sen cao 1,5 m, bệ cao 1 m.
Ý kiến bạn đọc