Multimedia Đọc Báo in

Đình Lạc Giao – một địa chỉ “đỏ”

10:48, 25/06/2010
Đình Lạc Giao thuộc địa bàn phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) là nơi diễn ra nhiều dấu ấn lịch sử quan trọng của tỉnh. Năm 1990, đình đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Trong những năm 1928-1930, mặc dù giặc Pháp tìm mọi cách ngăn cấm người Kinh lên Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên nhưng ông Phan Hộ, người làng Đại Cát, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và một số thương nhân, có hôm đi ngựa, có lúc đi voi vẫn tìm cách đi lại, buôn bán, trao đổi hàng hóa với người Êđê được. Qua gặp gỡ giao lưu với các già làng Êđê và được sự giúp đỡ của ông Ama Thuột, ông Phan Hộ đã làm quen với nhiều người và gây được những thiện cảm tốt. Đặc biệt, ông thấy Buôn Ma Thuột là vùng đất rộng, bằng phẳng, màu mỡ rất thuận tiện cho việc chăn nuôi, trồng trọt, phát triển đời sống. Đến năm 1928, ông quay về Khánh Hòa rủ thêm gần chục người là anh em, họ hàng, con cháu đến Buôn Ma Thuột thành lập làng, xây dựng mái đình lấy tên là “Lạc Giao” (đến bây giờ ở Buôn Ma Thuột chỉ còn vài người cháu ông Phan Hộ).
“Lạc Giao” có nghĩa là ngày đầu lên Buôn Ma Thuột ông Phan Hộ gặp gỡ giao lưu với người Êđê bản địa rất vui vẻ, tình cảm. Đình làng là ngôi nhà lớn, để nhân dân thờ cúng, hội họp, là sân chơi giải trí khi có hội hè, là nơi bàn bạc công việc của làng nước và xét xử những người vi phạm hương ước của làng. Đây là ngôi đình đầu tiên của người Việt có mặt sớm nhất Tây Nguyên, và cũng là nơi gặp gỡ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội đầu tiên của người Việt với người Êđê ở Buôn Ma Thuột cũng như các dân tộc bản địa Dak Lak nói chung.
Đình Lạc Giao. (Ảnh: Tư liệu)
Đình Lạc Giao. (Ảnh: Tư liệu)

Trong những năm 1930 – 1945, giặc Pháp thành lập hàng loạt các nhà tù, trại giam ở Đông Dương, trong đó có nhà đày Buôn Ma Thuột – Dak Lak. Những chiến sĩ cộng sản đã bị bắt vào đây khó lòng mà về, nhiều người chết vì bị tra tấn dã man, sốt rét, kiết lỵ, bị lao động khổ sai làm đường 14. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đồng bào làng Lạc Giao đã bí mật vận động nhau góp tiền, gạo, thuốc chữa bệnh, kể cả báo chí cách mạng ngầm đưa cho anh em tù cộng sản mỗi khi họ đi lao động khổ sai qua làng. Hai bên gặp nhau chẳng dám nói nên lời, chỉ có ánh mắt nhìn nhau mà lòng đầy cảm phục. Lúc này, làng Lạc Giao gần như là một cơ sở cách mạng, nơi cưu mang, che giấu, bảo vệ những cán bộ hoạt động ở thị xã Buôn Ma Thuột. Dân làng Lạc Giao rất thương tiếc những người tù ở nhà đày Buôn Ma Thuột hy sinh bị địch đem ra Nghĩa địa Phan Bội Châu chôn chung một hố, không một mảnh ván, tấm chăn. Dân làng đã bí mật góp được trên 1.000 kg gạo để xây bia tưởng niệm, có dòng chữ: “Đời đời nhớ ơn các liệt sĩ đã hy sinh ở Nhà đày Buôn Ma Thuột năm 1930 – 1945”. Mặc dù bọn địch tìm mọi cách tra hỏi, định đập bỏ nhưng đồng bào vẫn kiên quyết bảo vệ bia cho đến ngày nay.
Trong những ngày Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, đình Lạc Giao là nơi hội họp và ra mắt của Ủy ban Cách mạng Lâm thời Thị xã Buôn Ma Thuột. Những người con của làng Lạc Giao đã trở thành những chiến sĩ vệ quốc đoàn, hoặc tham gia Chính quyền Cách mạng như đồng chí Hồ Bang, chủ làng Lạc Giao, đồng chí Lê Văn Tín, Phó Chủ tịch Ủy ban Cách mạng Lâm thời thị xã Buôn Ma Thuột và rất nhiều đồng chí khác hoạt động tích cực vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đồng bào làng Lạc Giao nghe theo lời Đảng, lời Bác Hồ đã đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với đồng bào các dân tộc thiểu số ở khắp buôn làng giúp đỡ cán bộ cách mạng, cùng nhau đứng lên đấu tranh lật đổ chế độ cũ thân Nhật – Pháp, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, quê hương.
Cũng trong năm 1945, một sự kiện lớn xảy ra ở Buôn Ma Thuột đã làm xúc động lòng người: Trên 100 chiến sĩ Nam tiến, thuộc chi đội “Vì Dân”, còn gọi là “Lê Trung Đình”, nhận lệnh hành quân từ Hà Nội tăng cường cán bộ cho các tỉnh phía Nam. Đoàn đi qua Quảng Ngãi, Nha Trang và đến Buôn Ma Thuột lúc 10 giờ 30 phút ngày 1-12-1945 (tức ngày 27-10 năm Aát Dậu). Đoàn dừng chân nghỉ ngơi tại gốc đa, khu lính bảo an cũ (nay là khu Tượng đài “Bác Hồ với thiếu nhi các dân tộc Dak Lak”, số 5 Lê Duẩn). Đoàn được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và đồng bào các dân tộc, đồng bào làng Lạc Giao đón tiếp rất niềm nở, đặc biệt là các mẹ, các chị phụ nữ người Êđê đem cho các chiến sĩ rất nhiều quà, trái cây và thịt heo rừng.
Trưa hôm đó, anh em trong đoàn vừa ăn cơm xong, người nghỉ ngơi, người tắm giặt, lau súng. Không gian đang yên tĩnh thì bống nghe thấy tiếng súng nổ phía Tây Nam đường 12. Tiếng súng mỗi lúc một gần và nhiều hơn. Đồng chí Đỗ Tín, Phân đội trưởng và đồng chí Giáp, Chính trị viên nhận định: “Tình hình không bình thường, có khả năng địch tấn công ta”. Anh em được triển khia nằm sát hàng rào phía trước (đường Lê Duẩn). Vừa bố trí lực lượng xong thì một tiểu đoàn quân viễn chinh Pháp từ hướng Tây Nam, theo đường 14, bắn đạn pháo tới tấp vào Thị xã Buôn Ma Thuột, xen với những tiếng hô rất to của địch “avankê… avankê (tiến lên… tiến lên)”. Khi qua cổng, chúng cho 2 khẩu đại liên quét vào đội hình ta. Tuy ở thế yếu, lực lượng ít, lại bị động đối phó, mỗi chiến sĩ chỉ được trang bị 1 khẩu súng trường với vài chục viên đạn nhưng anh em chiến đấu rất ngoan cường, dũng cảm. Đặc biệt, có một số chiến sĩ bắn hết đạn đã dùng dao găm, lưỡi lê, báng súng đánh giáp lá cà, vật nhau, dùng răn cắn, tay bóp cổ địch.
Giữa lúc cuộc chiến vô cùng gay go quyết liệt thì đồng chí Giáp, Chính trị viên trúng đạn. Biết không thể sống được nữa, đồng chí đã dùng hết sức còn lại hô to: “Đả đảo thực dân Pháp xâm lược! Hỡi anh em thà chết chứ nhất định không chịu đầu hàng giặc”. Tiếp đó, đồng chí Đỗ Tín, Phân đội trưởng cũng trúng đạn, cùng với anh em hy sinh và bị thương rất nhiều. Trong khi quân Pháp đánh nhau với ta ở đường Lê Duẩn thì đạn pháo của chúng vẫn tiếp tục bắn vào Ngã Sáu và các ngả đường Quang Trung, Hoàng Diệu, Trần Phú, Phan Bội Châu, Y Jút… làm hàng trăm đồng bào làng Lạc Giao, chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em chạy toán loạn, chết và bị thương.
Trận này, ta hy sinh trên 100 chiến sĩ giải phóng quân Nam tiến. Ngay sau trận chiến, đồng bào làng Lạc Giao đã cùng với cán bộ, bộ đội lo chôn cất anh em. Để mãi mãi nhớ ơn các chiến sĩ giải phóng quân Nam tiến, Ban Quản trị và các bô lão làng Lạc Giao đã lập bàn thờ các chiến sĩ. Từ năm 1945 đến nay, cứ vào ngày 27-10 âm lịch hằng năm là tổ chức lễ cầu siêu, rước vong linh các chiến sĩ về đình Lạc Giao cúng giỗ.
Cùng với những dấu ấn lịch sử trên, đình Lạc Giao còn là nơi ra mắt Ủy ban Quân quản Thị xã Buôn Ma Thuột – Dak Lak vào ngày 18-3-1975, do nguyên đại tá Y Blôk Êban làm Chủ tịch, đã đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Mỹ ngụy ở Dak Lak.
Ngày nay, đình Lạc Giao là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh, tế lễ xuân, thu nhị kỳ, là nơi thờ cụ Đào Duy Từ, vị thần Hoàng bản thổ, thờ cụ Phan Hộ vị tiền hiền, người có công khởi xướng thành lập làng Lạc Giao.
Năm 2005, tỉnh ta đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để trùng tu tôn tạo, trả lại dáng xưa cho đình Lạc Giao. Ban Quản trị và các bô lão thường xuyên mở cửa, đón tiếp khách tham quan trong và ngoài nước, góp phần tích cực vào việc giáo dục truyền thống, làm cho đình Lạc Giao mãi mãi là “địa chỉ đỏ” thân yêu của cán bộ và nhân dân trong tỉnh.
Phùng Quang Chí

Ý kiến bạn đọc