Xứng danh thầy học
Phạm Thận Duật (1825-1885) không chỉ là một ông quan thanh liêm, một nghĩa sĩ Cần Vương cuối thế kỷ XIX mà còn là một nhà giáo đầy nhiệt huyết có tấm lòng ưu ái rất mực đối với học trò. Năm 1851, đỗ cử nhân, Phạm Thận Duật được bổ làm giáo thụ phủ Đoan Hùng – Phú Thọ. Ông có một học trò nhỏ tên là Nguyễn Cao. Cao quê huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, mồ côi cha từ nhỏ, được người bà con làm thư lại ở phủ Đoan Hùng nuôi nấng và cho đi học. Thương Cao mồ côi, tuổi nhỏ lại thông minh ham học, ông rất quý, hết lòng dạy bảo và đối xử như con mình. Đến năm 1856, ông phụng chiếu đi lĩnh chức Tri châu Tuần Giáo, thầy trò phải xa nhau. Cao tiếp tục tìm thầy học và sau đó là học trò của Hoàng giáp tam đăng Phạm Văn Nghị ở tỉnh Nam.
Khoa thi hương năm Đinh Mão (1867), sau hơn 12 năm Duật mới gặp lại Cao vào một hoàn cảnh khó quên, khi ông đã thăng Án sát tỉnh Bắc Ninh.
Nguyễn Cao đi học xa, khi về xin thi trường Hà thì đã qua kỳ sát hạch. Theo quy chế thời đó, quan đốc trường Hà không nhận cho ứng thi. Cao liền đến xin gặp thầy Duật nhờ giúp. Duật tức tốc đi Hà Nội gặp quan đốc trường Hà để bảo lãnh cho Cao với tư cách là thầy dạy Cao trước và mình đã từng tham gia mấy kỳ phúc khảo thi hương, và thường dự các kỳ đại tập của tỉnh Bắc, nên biết sức của trò. Quan đốc từ chối.
Nói mãi không xong, Duật bỗng nổi giận:
-Người này không được thi thì thủ khoa trường Hà về ai?
Quan đốc giật mình, nhượng bộ:
-Được, tôi hãy nghe ông, xem có đúng không?
Rồi xuất một tờ giấy Kẻ Bưởi đưa cho Duật viết bảo lãnh để Cao được thi.
Ngày xướng danh, Duật cũng có mặt. Khi nghe loa xướng: “Đệ nhất danh cử nhân, Bắc Ninh tỉnh…”, Duật liền đọc luôn câu đối mừng Cao:
Đệ nhất danh đề Đinh Mão bảng
Bát thiên tài nhượng Quế Dương nhân
Nghĩa là:
Tên đề số một khoa Đinh Mão
Tám nghìn tài nhường khách Quế Dương
Quan đốc kính phục nói với Duật:
-Tài thật! Không có ông thì bậy to.
Sau này Cao là thủ lĩnh nghĩa quân Cần Vương toàn Bắc Kỳ. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và đã hy sinh một cách dũng liệt khiến quan Pháp và tay sai kinh sợ: ông tự mổ bụng và cắn lưỡi chết. Dân ta đã đưa bài vị Nguyễn Cao vào thờ ở đền Trung Liệt, Hà Nội.
Ý kiến bạn đọc