Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội nhảy lửa cầu may của người Pà Thẻn

19:41, 29/01/2011

Xem lễ hội nhảy lửa. Ảnh: Báo Du lịch

Xem lễ hội nhảy lửa. Ảnh: Báo Du lịch

Dân tộc Pà Thẻn có khoảng trên 5.000 người sống tập trung ở hai huyện Bắc Quang (Hà Giang) và Chiêm Hóa (Tuyên Quang). Ở đây vẫn còn lưu giữ nhiều lễ hội và phong tục từ xưa để lại, trong đó có lễ hội nhảy lửa độc đáo, mang đậm nét huyền bí, hoang sơ. Nhảy lửa thường được tổ chức trong dịp đầu năm để mừng lúa mới, cầu chúc cho cả năm khoẻ mạnh, sung túc, mùa màng bội thu.

 
 
Lễ hội nhảy lửa được tổ chức khi đồng áng đã thu hoạch xong từ giáp Tết (15-12 âm lịch) cho đến hết ngày rằm tháng giêng. Đó là khi thời tiết đang bước vào thời kỳ khắc nghiệt nhất của mùa đông, đống lửa sẽ giúp mang lại sự ấp áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật. 
 
 Lễ hội thường được tổ chức trên một bãi đất rộng, bằng phẳng trong làng hoặc trước sân nhà thầy cúng. Tại lễ hội này, mỗi người tham gia lễ nhảy lửa đều đem củi tới góp vui. Để bắt đầu một lễ hội nhảy lửa phải có một thầy mo đến làm lễ cầu thần linh, thời gian làm lễ kéo dài 1–2 giờ trước khi lễ hội nhảy lửa được bắt đầu.
 
 
Thầy mo làm lễ. Ảnh: Internet
Thầy mo làm lễ. Ảnh: Báo Du lịch
Bắt đầu lễ hội, thầy mo làm lễ cầu thần linh. Lễ vật gồm có một bát hương, đàn sắt, con gà, 10 chén rượu và tiền giấy. Một đống lửa lớn được đốt lên và thầy mo bắt đầu hành lễ. Khi thầy mo gõ vào đàn và làm lễ cúng, từng thanh niên sẽ ngồi đối diện với thầy và đó chính là lúc thầy đang “nhập đồng” cho người nhảy lửa để sau đó anh ta nhảy vào đống lửa mà không có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi gì. Thầy cúng ngồi ở một đầu chiếc ghế dài và thấp, tay giơ cao, hai bàn tay nắm hai đầu thanh gỗ dài chừng 1m, chính giữa mỗi thanh gỗ là một cây đinh nhọn và  một sợi dây kim loại nối hai đầu thanh gỗ. Thầy cúng hạ tay. Phập. Cây đinh cắm ngập vào chiếc ghế dài, chia nó thành hai nửa: một nửa dành cho thầy cúng, nửa kia dành cho người sẽ nhảy vào lửa. Tiếng rì rầm khi to khi nhỏ phát ra đều đều từ miệng thầy cúng đồng thời với tiếng “tanh, tanh, tanh” từ chiếc dùi tre vót cẩn thận được ông gõ lên thanh kim loại, tay kia cầm đàn tràng. Nghi lễ này có nghĩa rằng thầy mo đang báo cáo tổ tiên về cuộc vui chơi này, sau đó đi tìm thần lửa và thần nước để xin phép. Nếu hai thần đồng ý hợp tác với nhau thì có thể nhảy vào lửa. Nếu thần không đồng ý, ông phải đi mời lại từ đầu. Những người đàn ông trẻ tuổi dần tụ lại xung quanh thầy cúng, mặt họ ngoảnh về phía đống lửa, đầy vẻ phấn khích. Lửa cháy mỗi lúc một lớn, giọng thầy cúng gấp gáp, hối hả, tiếng “tanh tanh tanh” nhanh dần, hối thúc. Nhiều thanh niên Pà Thẻn bắt đầu tụ tập xung quanh thầy mo và lần lượt thay nhau ngồi lên đầu chiếc ghế dài. Trong phút chốc, người họ rung bần bật, lưng cúi xuống và bắt đầu nhảy lên từng lần một, cùng lúc bằng cả hai chân. Trong phút xuất thần, họ bỗng thăng hoa mạnh mẽ, phi thường và biến ảo. Họ bắt đầu từ việc đưa tay vào bới đống lửa. Bất ngờ hơn nữa, họ  nhảy hẳn vào đống lửa và lại nhảy ra trong tiếng hò reo cuồng nhiệt của mọi người. Than đỏ văng tứ tung. Ngọn lửa lại bốc cao ngùn ngụt bởi những tàn than đỏ đang bay lên.
 
 
Nhảy lửa. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Nhảy lửa. Ảnh: Báo ảnh Việt Nam

Trong khi thanh niên nhảy lửa, thầy mo vẫn tiếp tục làm lễ với tiếng nhạc đều đều huyền bí lẫn với lời khấn lầm rầm. Đồng bào Pà Thẻn cho rằng, thời gian nhảy trên lửa của họ tuỳ theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban sức mạnh cho đợt nhảy mới. Cứ sau 20 phút nhập thần, lại có một đợt nhảy như vậy. Vũ điệu cùng lửa càng về sau càng trở nên sôi động. Người xem ngày càng bị cuốn hút vào từng bước nhảy của các nghệ nhân và dường như chính bản thân họ cũng bị cuốn vào không khí linh thiêng này. Ở đợt nhảy cuối cùng, chính thầy mo, linh hồn của buổi lễ, cũng thăng hoa, tung lên những bước nhảy mạnh mẽ, oai phong. Chiếc áo khoác đỏ và chiếc mũ sặc sỡ hoà cùng những hoa lửa rực rỡ tạo thành một khung cảnh vừa hoành tráng vừa mê hoặc.
 
 Ngày nay, tại các bản làng của người Pà Thẻn, lễ hội nhảy lửa vẫn tổ chức thường xuyên vào dịp Tết với nét nguyên sơ. Đây cũng  là một trong những tâm điểm của khách du lịch khi muốn khám phá văn hóa độc đáo của dân tộc Pà Thẻn nói riêng cũng như các dân tộc miền núi phía Bắc nói chung. 
 
 
H.T (tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc