Multimedia Đọc Báo in

Vườn Quốc gia Hoàng Liên

14:14, 22/05/2011

Thành lập năm 2002, đến năm 2003, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã được Hiệp hội các nước Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản thiên nhiên  Đông Nam Á.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm trên dãy Hoàng Liên, phía Tây Bắc huyện Sa Pa, cách thành phố Lào Cai 36 km và cách Hà Nội 350 km. Diện tích tự nhiên của vườn là 29.845 ha nằm trên đất huyện Sa Pa của tỉnh Lào Cai và huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu.

Khu vực Vườn Quốc gia này có địa hình khá đa dạng và phức tạp, có nhiều đỉnh núi cao trên 2000m, cao nhất là đỉnh Fanxipan (3.143m so với mực nước biển). Fanxipan là đỉnh núi cao nhất Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung, được mệnh danh là nóc nhà Đông Dương. Vườn Quốc gia Hoàng Liên là nơi giao lưu của hai tiểu vùng khí hậu là á ôn đới và nhiệt đới cao. Do vị trí địa lý và đặc điểm địa hình núi cao và hướng núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam nên sườn phía đông đón gió Đông và Đông bắc thường ấm và lạnh, độ ẩm cao, không có thời kỳ khô hạn, mây mù quanh năm. Sườn phía Tây chịu ảnh hưởng của gió mùa Tây nam nên khô và ấm hơn. Rừng của Vườn Quốc gia đóng vai trò bảo vệ nguồn nước của lưu vực các sông ngòi tại đây, là nơi lưu giữ nhiều nguồn gien quý giá mà các nơi khác không có, là kho dự trữ sinh quyển giá trị. Ở Hoàng Liên có khoảng trên 2000 loài thực vật và trên 500 loài động vật, trong đó có nhiều loài đặc hữu (chỉ có ở Hoàng Liên) như các loài đỗ quyên, vân sam, phong, thông đỏ... Khu vực Vườn Quốc gia còn có một số loài cây gỗ quý như pơ mu, trai lý, bách xanh, vân sam Fanxipan... cùng với khoảng 200 loài hoa lan. Có nhiều loài lan quý như lan hoàng thảo, lan lọng, lan kiếm, lan miệng kín, lan hài kép, lan hài vàng... Vào dịp cuối xuân đầu hạ, hoa đỗ quyên nở rộ theo sườn núi quyến rũ khách du quan. Có những loài đỗ quyên thân to, khúc khuỷu cao tới chục mét, thân phủ đầy rêu mang những chùm hoa to đủ màu sắc dọc theo các vách núi. Đỗ quyên từ lâu là một nét độc đáo, là niềm tự hào tạo nên vẻ đẹp Hoàng Liên. Vào mùa đông, mùa phong rụng lá hiện rõ những đốm đỏ và vàng ở trên sườn núi cao từ 1600 - 2800m trông thật đẹp mắt.

 

Fanxipan là cái nôi của nhiều loài cây thuốc quý của Việt Nam như tam thất, hoàng liên, nhân sâm, kim tuyến Sa Pa, hoàng liên ô rô, thiên niên kiện ... Ngoài ra, ở đây có nhiều loài hồi khác nhau, đây là nguồn cung cấp tinh dầu quan trọng, hạt quả hồi rất thơm, là gia vị ưa chuộng của nhiều người.

Động vật ở Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng rất phong phú với trên 500 loài, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Có 40 loài lưỡng cư được ghi nhận tại đây, trong đó có các loài đặc hữu như ếch Sa Pa, ếch Fanxipan, cóc râu xương... Vườn Quốc gia còn có trên 100 loài bướm, trong đó có đến hàng chục loài được ghi trong danh mục loài bướm bị đe dọa.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã thống kê được trên 60 loài thú, trong đó có một số loài nằm trong sách đỏ. Vượn đen tuyền được liệt vào tình trạng nguy hiểm, 6 loài gần bị đe dọa. Ở đây còn có gấu ngựa hay gấu đen, có trọng lượng gần 200 kg chuyên ăn trái cây rừng, sống ở rừng đầu nguồn.

Vườn Quốc gia Hoàng Liên có 10 dân tộc sinh sống, trong đó người Dao và Mông chiếm đa số. Các cộng đồng dân tộc sống ở đây nổi tiếng là nơi bảo tồn được nhiều nét đẹp văn hóa. Đối với người Dao, Giáy, Mông, Tày, đời sống tinh thần của họ là câu hát, điệu khèn. Trong vùng có nhiều lễ hội mang đặc trưng riêng của từng nhóm dân tộc như lễ hội Sải sán (đi chơi núi) , lễ hội Gầu Tào (cầu phúc) của người Mông, lễ hội Cầu mùa của người Giáy, lễ Lồng tồng (xuống đồng) của người Tày, hội Tết Nhảy (nhảy múa) của người Dao đỏ...

Đến với Vườn Quốc gia Hoàng Liên, du khách có dịp thăm thú những cảnh thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng của Sa Pa nằm trên độ cao 1600m, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đến đây có thể chiêm ngưỡng Cầu Mây, Thác Bạc nổi tiếng. Thác Bạc cao gần 200m, trắng xóa như dát bạc vắt ngang lưng trời. Hấp dẫn nhất đối với những ai thích leo núi và mạo hiểm là leo lên đỉnh Fanxipan, nóc nhà Đông Dương. Trên đường đi sẽ có dịp chiêm ngưỡng đủ loại kỳ hoa dị thảo. Đã đến Vườn Quốc gia, du khách nhớ đặt chân đến Bãi Đá cổ cách Sa Pa chừng hơn 10 km. Quần thể Bãi Đá cổ này do một người Pháp gốc Nga Golobev phát hiện từ năm 1925, đến nay đã tìm thấy tổng cộng 159 tảng đá lớn, có tảng dài 13m. Các nhà khoa học đã bỏ ra nhiều công sức để giải mã các hình chạm khắc trên mặt đá nhưng mãi cho đến nay vẫn chưa có lời giải đáp có sức thuyết phục. Bãi Đá cổ là nơi thu hút khách du lịch và các nhà nghiên cứu mỗi khi đến Sa Pa.

 

Nguyễn Nhân Thống

 


Ý kiến bạn đọc