Multimedia Đọc Báo in

Nguyễn Thuật - một vị quan thanh liêm, một nhà văn hóa lớn

17:31, 05/06/2011

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, có rất ít người như Nguyễn Thuật vì ông đã làm quan trải qua tám đời vua: Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân. Ông không những được các vua trọng vì tài, nể vì đức, giao những việc quốc gia đại sự mà còn được nhân dân trọng vọng vì ông là vị quan thanh liêm, yêu thương dân, xứng danh là những bậc “dân chi phụ mẫu”… Đặc biệt, Nguyễn Thuật là người say mê văn chương đến độ dành cả thời gian sau giờ làm việc để đọc sách và viết. Ông đã để lại cho đời một số lượng tác phẩm thơ văn rất đồ sộ trong văn học Việt Nam…

Nguyễn Thuật, hiệu là Hà Đình, sinh năm Nhâm Dần 1842 tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Xuất thân trong một gia đình Nho học; năm 1867 ông đỗ Cử nhân, năm sau đỗ Phó bảng. Năm 1877, ông đỗ Hàm Thị lang tại nội các, rồi thăng làm giáo đạo trường Dưỡng Thiện. Vốn là người hiếu học lại thấm nhuần đạo đức Khổng Mạnh nên ông được vua Tự Đức chọn làm người phụ đạo cho các hoàng tử. Việc chọn ông làm người dạy dỗ cho hoàng tử chứng tỏ kiến thức của Nguyễn Thuật rất uyên thâm và ông được vua tin tưởng. Sau khi rời trường Dưỡng Thiện, ông làm Tổng đốc Thanh Hóa, đến năm 1880 thì được cử làm Chánh sứ sang Trung Quốc vận động ngoại giao với nước này về việc nước ta phải ký hòa ước Giáp Tuất (1874) với thực dân Pháp. Năm 1884, ông làm Chánh chủ khảo kỳ thi Hội khóa Giáp Thân; năm 1887 ông được triều đình bổ làm Tả trực Tuyên úy (gồm các tỉnh từ Phú Yên đến Bình Thuận). Sau đó, ông được điều về Huế làm chủ khảo khoa thi Hội năm Đinh Sửu (1887),

Đến đời vua Đồng Khánh, ông giữ các chức vụ quan trọng như: Thượng thư Bộ Lại, Hiệp Biện đại học sĩ gia hàm Thái tử Thiếu Bảo, rồi tái lãnh chức Tổng đốc Thanh Hóa. Đến đời Thành Thái (1888-1907), ông làm Thượng thư Bộ Binh, sung cơ mật viện Đại thần. Đến đời vua Duy Tân (1907-1916) ông vẫn giữ nguyên chức cũ và sau đó về hưu.

Nhà thờ Nguyễn Thuật tại quê ông.
Nhà thờ Nguyễn Thuật tại quê ông.
Khi còn đương chức, có lần hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi mất mùa vì thiên tai, nhân dân đói khổ, vua xuống chiếu quở trách quan đầu tỉnh. Vốn thương dân và hiểu rõ sự tình, ông bèn dâng sớ trình bày rõ nguyên nhân và đề xuất những biện pháp khắc phục và được vua chấp thuận. Chính vì thế quan hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi không bị khiển trách, nhân dân hai tỉnh được cứu đói.

Lúc về hưu, ông không xao lãng việc trao đổi, đôn đốc phủ quan phủ Thăng Bình cùng các viên chức địa phương; khuyến khích và phát huy tinh thần hiếu học của con em nhân dân trong vùng. Ngoài ra, ông còn cho sửa sang đường làng, làm cầu, đào giếng, đào hồ thả sen, tạo hồn non bộ… khiến cho cảnh trí tĩnh lặng nơi đây trở nên phong quang, tươi đẹp. Ông mất năm 1911, thọ 70 tuổi.

Nguyễn Thuật là quan đại thần triều Nguyễn, trải qua nhiều đời vua, lãnh nhiều chức vụ quan trọng, kể cả đi sứ nước ngoài, nhưng ông lúc nào cũng giữ được đức tính liêm khiết, có lối sống thanh bạch vì dân, vì nước… Ngoài thành danh trên con đường quan lại, sự nghiệp văn chương của ông cũng đáng được trân trọng. Ông đã để lại cho đời một khối lượng sáng tác đồ sộ gồm đủ các thể loại văn, thơ, từ, phú, hát nói, câu đối… Thơ văn ông rất đa dạng về đề tài và phong phú về nội dung với những sáng tác có thể chia làm hai phần chính:

- Phần sáng tác riêng gồm có 4 bộ: Hà Đình ứng chế thi sao, Hà Đình văn sao, Hà Đình văn tập và Mỗi hoài ngâm thảo.

- Phần viết chung về các vua như Lê Thánh Tông, Lê Chiêu Thống, Thiệu Trị, Tự Đức… cùng các đại thần, các bạn đồng liêu nổi tiếng là những văn nhân dưới triều Nguyễn như: Phạm Phú Thứ, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát, Phan Thanh Giản, Hoàng Diệu, Cao Xuân Dục, Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Trương Quốc Dung, Trần Tử Mẫn, Vũ Phạm Khải, Trương Trọng Hữu, Bùi Dị, Nguyễn Thượng Hiền, Phạm Quý Thích, Hoàng Quỳnh, Nguyễn Trọng Hợp…; gồm các tác phẩm tiêu biểu sau: Danh công thi thảo, Danh sơn thắng thủy, Đại Nam cương giới vựng biên, Đại Nam quốc cương vựng biên, Đại Nam quốc sử tàng thư mục, Hoàng gia cẩm thuyết, Kiến phúc nguyên niên như thanh nhật trình, Vãng sứ thiên tân nhật ký, Ngự chế việt sử tống vịnh, Tây sà thi thảo, Quốc triều danh nhân mặt ngấn, Thi thảo tạp biên, Tì bà quốc âm tân truyện, Tự Đức ngự chế thi, Tự Đức ngự chế văn, Hoàng triều văn tập, Trung ngoại quần anh hội…

Thơ văn của ông không những được các vua khen ngợi, các đại thần, các bạn đồng liêu đánh giá cao mà còn được các đại thần nhà Thanh như Tổng đốc Quảng Đông là Tăng Quốc Phiên và các văn nhân nổi tiếng của Trung Quốc lúc bấy giờ phục tài và phục cả chữ viết tuyệt đẹp của ông…

Với những đóng góp của mình cho các triều đại phong kiến Việt Nam, với những gì đã làm cho dân, cho nước khi còn làm quan và ngay cả khi đã về nghỉ hưu cùng với số lượng tác phẩm đồ sộ đóng góp cho văn học Việt Nam cận đại; Nguyễn Thuật xứng đáng là một đại danh thần của triều Nguyễn, một vị quan liêm khiết, thanh bạch; một nhà văn hóa lớn của Quảng Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung. Hiện nay, phần mộ của Nguyễn Thuật nằm ở khối phố 4, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình; cách trung tâm huyện khoảng 5km về hướng Tây Nam và cách thành phố Tam Kỳ (tỉnh lỵ Quảng Nam)  khoảng 30 km về hướng Tây Bắc...

 

Mai Hồng Lâm

Ý kiến bạn đọc