21:40, 13/09/2011
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có diện tích trên 22.000 ha mặt nước, trải dài qua 5 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc (Thừa Thiên- Huế), mệnh danh ’’biển cạn’’, là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á, nơi mà trước khi đổ ra cửa biển Thuận An, ba sông lớn là sông Ô Lâu, sông Hương và sông Bồ rủ nhau “hẹn hò” ở đó.
Xuất phát từ cảng biển Thuận An, du khách sẽ bắt đầu lướt nhẹ trên mặt nước xanh màu ngọc của dòng Ô Lâu để đi dọc theo chiều dài đầm phá. Hơn 15km chạy dọc theo những con sóng, những cánh đồng và những cây cầu, dọc theo con đầm phá đến với làng chái Thái Dương Hạ.
Trên phá, bập bềnh vài chiếc thuyền chạy dọc theo những dãy cọc, những hàng rào lưới giăng trên toàn phá như những bàn cờ trận vuông vức. Xa xa là những rừng phi lao chắn sóng cát không ngừng bài hát rì rào trên những tán cao. Chỉ 30 phút sau, thuyền cập bến tại ốc đảo trên phá có làng chài Thái Dương Hạ cổ xưa hàng mấy trăm năm.
Trên hành trình khám phá Phá Tam Giang, không gì thú bằng được ghé lại quán ăn ngay đầu đò ngang, thưởng thức những đặc sản cá, mực, tôm, cua, ghẹ… tươi rói, nhảy tanh tách, ăn đến đâu thơm ngọt đến đấy. Ghẹ đặc biệt nhỏ chỉ bằng ba ngón tay nhưng ngọt và chắc. Còn sò điệp vài chục ngàn một mớ giòn tươi…
Vừa thưởng thức hải sản vừa hưởng thụ bầu không khí trong trẻo trên những chiếc chòi lá dựng sát mép nước. Chiều đầm phá lộng gió vẫn ngày ngày thổi qua cuộc sống thanh bình của những ngư dân quanh năm chỉ biết đến thả lưới giăng câu… Đầm phá đẹp và lãng mạn nhất trong khoảnh khắc khoác lên mình màu áo của ánh chiều tà. Cả bầu trời mây tím thẫm sà xuống phủ lên mặt đầm rạng rỡ bóng nắng cuối ngày.
Chính hoàng hôn trên phá Tam Giang là cảnh đẹp ngoạn mục nhất tại đây, nó đã đi vào thơ, nhạc, và rất nhiều bức ảnh phong cảnh. Khi màu tím của sắc trời đã nhuộm một màu tuyệt đẹp lên toàn bộ đầm, lên những con thuyền đang tấp nập về bến, những dáng người rắn rỏi rạng rỡ nụ cười đen giòn sau một ngày vất vả.
Phá hình như quá đỗi hiền hòa, thơ mộng trữ tình, không mang sự dữ dội của nơi 3 dòng sông giao nhau, nơi cửa biển có những con sóng lừng đầy hiểm nguy... Rất nhiều du khách đã vì cảnh đẹp hiếm có này mà dừng lại nơi phá, cố chụp cho được tấm hình chiều buông rủ trên con phá mênh mông sóng nước này.
Ngoài ra, hệ sinh học trên Phá Tam Giang rất đa dạng, nguồn lợi thủy sản phong phú cả động thực vật trên cạn lẫn dưới nước. Một số lượng lớn cá đánh bắt được trên Phá Tam Giang sẽ được bán về các chợ trong vùng hoặc bán cho thương lái các nơi, hay dùng để làm nguyên liệu cho các làng làm mắm địa phương.
Thêm vào đó, Phá Tam Giang còn là một thủy vực điều hòa khí hậu khổng lồ, góp phần chắn bão lũ cho thành phố Huế. Thế nên những người làm du lịch ở Huế mới ví tiềm năng du lịch của Tam Giang - Cầu Hai là “kho vàng” chưa mở.
Ngoài giá trị to lớn về môi trường sinh thái của tiểu vùng khí hậu trung Trung bộ, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai còn ẩn chứa tiềm năng du lịch đa dạng về sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa.
Tuy nhiên, trong chương trình khai thác phát triển Phá Tam Giang thành điểm đến trong tương lai vẫn rất cần một kế hoạch có tầm nhìn chiến lược của cấp quản lý, để làm sao vừa phát triển được du lịch vừa không phá vỡ kết cấu sinh thái vùng và vẫn đảm bảo đời sống cho bà con ngư dân. Có như thế đầm phá mới thực sự là điểm phát triển bền vững.
G.T (Giới thiệu)
Ý kiến bạn đọc