Multimedia Đọc Báo in

Trường Sa, thành phố giữa ngàn khơi

11:05, 14/09/2012

Sau 37 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành kể từ ngày thống nhất Tổ quốc, quần đảo Trường Sa đang từng ngày thay da đổi thịt khoác lên mình màu áo mới. Cái mới của huyện đảo Trường Sa hôm nay, không chỉ là “điện, đường, trường, trạm” và một màu xanh của cỏ cây, hoa lá, mà còn có những ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới san sát kề nhau, trẻ em tíu tít tới trường học chữ.

Trường Sa lớn về đêm nhìn từ biển. Ảnh: Q.Đ
Trường Sa lớn về đêm nhìn từ biển. Ảnh: Q.Đ

Qua hơn hai ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu HQ957 của Đoàn 125 Hải quân đã đưa chúng tôi đến Trường Sa. Tàu thả neo cập bến lúc 3 giờ sáng, chúng tôi nhoài người về phía Trường Sa. Cả Trường Sa bừng sáng lung linh ánh điện giữa một vùng mênh mông biển nước. Những cây cột điện cao vút thẳng tắp chạy quanh mép đảo hắt ánh sáng ra xa.

6 giờ sáng, chúng tôi xuống xuồng và hành quân vào đảo. Ấn tượng đầu tiên đặt chân lên cát và sỏi đá là một màu xanh bạt ngàn của hoa lá, cỏ cây. Không để mọi người ngạc nhiên trước sự đổi thay của đảo, Đại tá Trương Công Thế, Phó Chính ủy Vùng 2 Hải quân cho biết: Trường Sa hôm nay đã khác ngày xưa lắm rồi. Bây giờ Trường Sa đã có điện, đường, trường, trạm chẳng khác gì đất liền. Ban ngày điện dùng cho sinh hoạt học tập, ban đêm điện chiếu sáng khắp đảo, không phải dùng máy nổ nữa, tất cả đã được tự động hóa từ sức gió và năng lượng mặt trời, Trường Sa thực sự là một thành phố về đêm”.

Nhớ lại từ tháng 4-2008 trở về trước, Trường Sa chưa có điện. Đêm về, cả đảo “ẩn mình” như một doi cát nhỏ lọt thỏm giữa đại dương. Tối phải nổ máy phát điện để bộ đội học tập, huấn luyện. Điện chỉ được dùng theo tiêu chuẩn 6 giờ/ngày. Còn bây giờ, nguồn điện cung cấp liên tục 24/24 giờ. Nguồn điện ấy bắt nguồn từ sự sáng tạo, mồ hôi  và công sức của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với sự đầu tư 37.664.023.0000 đồng để lắp đặt toàn bộ hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng sạch từ sức gió và mặt trời. Hệ thống gồm 210 cột đèn, 220 tấm pin tích tụ năng lượng, 10 cột quạt sức gió đã cung cấp nguồn điện dồi dào cho toàn bộ đảo Trường Sa lớn, Trường Sa Đông và Nam Yết. Ngày khánh thành hệ thống điện, cả đảo Trường Sa bừng lên như ngày hội, đi đâu cũng gặp gương mặt rạng ngời niềm vui của quân và dân huyện đảo. Binh nhất Trần Anh Tuấn ở đảo Trường Sa lớn vui mừng: “Em không nghĩ Trường Sa lại hiện đại đến thế. Từ ngày có điện bằng năng lượng mặt trời, chúng em được xem ti vi thỏa thích. Tối đến, cả tiểu đội đi trên con đường mới ngắm ánh điện lung linh. Bây giờ đi tuần tra không cần đèn pin nữa, không phải đọc thư nhà, viết thư cho bạn gái dưới ánh trăng nữa”.

Nhân dân Trường Sa trong ngày kỷ niệm  37 năm  thành lập.   Ảnh:  Mai  Thắng
Nhân dân Trường Sa trong ngày kỷ niệm 37 năm thành lập. Ảnh: Mai Thắng

Trường Sa hôm nay đã có nhiều loài cỏ cây hoa lá mọc trên các triền cát, đan xen phủ kín sỏi đá khô cằn. Nếu cây phong ba, bão táp sừng sững hiên ngang được trồng quanh mép đảo như vật che đỡ, điểm tựa vững chắc của chiến sĩ, thì cây bàng vuông là người bạn tâm tình được trồng trong khuôn viên, sân bóng chuyền. Mùa này hoa bàng vuông nở trắng muốt. Khách từ đất liền ra thăm, ai cũng muốn có một tấm hình lưu niệm bên gốc phong ba, hoặc “khoe” mình với hoa bàng vuông trong bạt ngàn nắng gió. Chị Nguyễn Thị Xuyến, Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu đã bật khóc khi một chiến sĩ tặng chị nhành hoa muống biển và nói: “Lính đảo Trường Sa chẳng có gì ngoài loài hoa thủy chung này. Xin tặng chị, hãy coi đó là món quà nhỏ bé, là sức sống Trường Sa”. Chiến sĩ Phạm Văn Mạnh ở đảo Sinh Tồn Đông tâm sự: “Màu xanh ở đảo tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của chúng tôi. Chúng tôi đã mang mầm xanh từ đất liền ra trồng. Mỗi cây phong ba, mỗi giàn muống biển đều thấm đẫm mồ hôi, công sức của bao đồng đội và nhân dân trên đảo. Chính màu xanh ấy đã giúp chúng tôi yêu đời hơn, sống ở đảo xa như ở đất liền”. Ngoài cây xanh do cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo trồng, còn có cả sự góp sức của các đoàn công tác mỗi lần ra thăm đảo. Tháng 4-2011, Tỉnh Đoàn Bến Tre đã tặng 20 cây dừa ươm trồng quanh đảo Trường Sa lớn, nay nhiều cây đã bắt đầu trổ hoa cho trái. 

Trường Sa hôm nay còn có những ngôi nhà mới xây của bà con ngư dân và những công trình đang xây dựng như Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, Nhà tưởng niệm Bác Hồ do tỉnh Nghệ An hỗ trợ kinh phí 4 tỷ đồng, Nhà khách Thủ đô do nhân dân Hà Nội quyên góp trị giá 16 tỷ đồng.

Dưới tán cây phong ba này, những chiến sĩ Hải quân trằn mình trong nắng lửa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu; ở ô tàu kia những chàng trai vạm vỡ đang kéo chài bắt cá, dưới mái trường đỏ chót màu ngói mới nọ là những em học sinh tíu tít học chữ, nô đùa. Cô giáo Bùi Thị Nhung phấn khởi trong căn nhà mới cho biết: “Vợ chồng tôi chọn  đảo để lập nghiệp sinh sống. Chồng tôi cũng là bộ đội. Ở đây cũng có đầy đủ tivi, điện, nước ngọt như ở đất liền, lại được các đơn vị bộ đội Hải quân quan tâm giúp đỡ. Trường Sa đã thực sự đổi mới. Quân và dân Trường Sa ai cũng phấn khởi, quyết tâm một lòng xây dựng đảo. Nhiều gia đình đã nuôi được cả trăm con gà, vịt, nuôi chó và trồng cây ăn quả. Rau xanh cũng không hiếm như ngày xưa nữa. Gia đình nào cũng có tivi kỹ thuật số bắt sóng bằng đầu thu vệ tinh; có đầu máy, tủ lạnh đắt tiền; đời sống văn hóa tinh thần thoải mái”. Khi hỏi việc học tập của các em học sinh trên đảo, cô Nhung vui mừng: “Được dạy chữ cho các em học sinh ở nơi đặc biệt này tuy vất vả nhưng là niềm hạnh phúc của tôi. Tất cả quần áo, sách vở cho các em đều có bộ đội hỗ trợ. Ở đây có 4 lớp học, các em học sinh từ lớp một đến lớp 4 học chung một cô. Bây giờ điện đã về, lớp đã có bàn ghế, dụng cụ học tập đầy đủ, cô trò chúng tôi chỉ lo sao dạy cho giỏi, học cho tốt để không phụ lòng quan tâm của các chú bộ đội Trường Sa”.

Khó có thể kể hết về cái mới và những tấm lòng hiếu khách thân thiện của quân và dân huyện đảo Trường Sa. Điều để lại trong lòng chúng tôi sau chuyến đi này là sự đổi thay của một Trường Sa ngày mới, một “thành phố” đang phát triển giữa lòng biển cả nơi nghìn trùng sóng nước, là sự khâm phục những chiến sĩ Hải quân kiên cường nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.