Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo kiến trúc nhà sàn của người Ba Na

08:26, 26/06/2018

Rời quê hương Gia Lai sang Đắk Lắk lập nghiệp đã nhiều năm, bà con người Ba Na ở buôn Thal (xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) vẫn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có nhà sàn với nhiều điểm độc đáo, khác lạ chỉ có trong kiến trúc của người Ba Na.

Anh A Nin Sol (SN 1971) kể, anh quê ở huyện Ayun Pa (Gia Lai) sang huyện Ea Súp từ năm 1995. Thời đó, cuộc sống khó khăn, anh dựng tạm căn nhà nhỏ để che mưa tránh nắng. Làm lụng tích lũy gần 12 năm anh mới dựng được ngôi nhà mơ ước theo đúng kiến trúc Ba Na. Ngôi nhà có hình chữ nhật, gồm 3 gian với tổng diện tích 138 m2. Nhà cao gần 5 m, trong đó từ mặt đất lên tới sàn là 1,5 m. Để lên được nhà phải đi qua chiếc cầu thang. Trước cửa chính có phần nhô ra gọi là nhà chồ. Nhà chồ chỉ rộng khoảng 4 m, có mái che và không có vách ngăn như nhà chính – đây là điểm khác lạ, độc đáo chỉ có trong kiến trúc nhà ở của người Ba Na. Anh A Nin cho hay, nhà chồ là nơi diễn ra nhiều hoạt động thường ngày của người dân như giã gạo, tiếp khách, các thành viên trong gia đình chuyện trò hóng mát hoặc trai gái tâm sự tìm hiểu nhau… Ngoài ra nhà chồ còn là “mặt tiền, bộ mặt” nên được thiết kế, trang trí khá công phu, làm tăng giá trị ngôi nhà.
Ngôi nhà sàn của anh A Nin Sol.
Ngôi nhà sàn của anh A Nin Sol.

Nhà chồ chỉ rộng khoảng 4 m, có mái che và không có vách ngăn như nhà chính – đây là điểm khác lạ, độc đáo chỉ có trong kiến trúc nhà ở của người Ba Na.

Để dựng một ngôi nhà sàn đúng kiến trúc của người Ba Na tốn nhiều thời gian, công sức, tiền của. Đầu tiên, gia chủ phải vào rừng tìm gỗ quý để làm nhà. Người Ba Na thường chọn cây cà chít cao to để làm cột vì cây cứng chắc, để lâu không bị mối mọt đục khoét. Tiếp đến là công đoạn phơi cây đẽo cột, một căn nhà thông thường cần 24 cột chính và phụ. Lo xong phần cột là đến phần dựng nhà. Phần này phải do một nhóm thợ lành nghề đảm nhận. Nhà sàn đúng chuẩn phải có đủ 2 mái chính và một mái phụ ở hai đầu thường gọi là chái. Tổng chi phí làm nhà của gia đình anh A Nin bao gồm nguyên liệu, tiền công thợ… hồi đó lên đến vài trăm triệu đồng.

Nhà sàn Ba Na đã được biến tấu, cách tân.
Nhà sàn Ba Na đã được biến tấu, cách tân.

Tương tự, anh A Mưh Rmah (SN 1990) cũng cố gắng tích góp tiền của cất cho được một ngôi nhà sàn vững chãi vào năm 2015. A Mưh chia sẻ, anh là người Jarai nhưng lấy vợ Ba Na nên theo phong tục nhà vợ. Nhà sàn ở rất thoải mái, mùa hè mát mẻ, mùa đông ấm cúng, thiết kế bên trong nhà phù hợp với sinh hoạt đời thường của người Ba Na. Tuy nhiên không phải ai cũng làm được nhà sàn, vì trong rừng giờ hiếm cây gỗ to để làm cột. Có người thay thế cột gỗ bằng trụ bê tông, nhưng không hợp lắm. Hơn nữa, số người biết dựng nhà sàn truyền thống không còn nhiều. Trong buôn Thal và nhiều buôn lân cận có đông người Ba Na sinh sống, nhưng không ai biết làm. Người dân phải thuê thợ từ Gia Lai sang. Tiền công trả theo diện tích ngôi nhà, trung bình 5 triệu đồng/m2, nếu muốn trang trí sơn màu cho đẹp thì giá lên đến 7-10 triệu đồng/m2. Riêng tiền thuê công thợ, nhà anh tốn 60 triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành vì thiếu tiền và nguyên liệu đóng cửa sổ.

Cùng với thời gian, nhà sàn Ba Na có phần thay đổi, biến tấu ít nhiều. Tuy nhiên cấu trúc chính của nhà sàn như cột, mái che, nhà chồ… vẫn được người dân lưu giữ như niềm tự hào về kiến trúc độc đáo, văn hóa truyền thống đậm nét cộng đồng của người Ba Na trên Tây Nguyên.

Hải Đăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.