Multimedia Đọc Báo in

Bánh khảo - món ngon của đồng bào Tày vùng Tây Bắc

08:55, 15/07/2018
Từ lâu, đồng bào Tày vùng Tây Bắc đã biết lựa chọn những loại gạo nếp ngon trồng trên nương rẫy để làm ra một thứ bánh truyền thống của bản Tày là bánh khảo. Đây là món ăn độc đáo và đậm đà dư vị của người Tày vùng Tây Bắc.

Để có những mẻ bánh khảo thơm ngon, khâu chọn gạo nếp rất quan trọng vì gạo nếp là chất liệu chính để làm nên món bánh này. Thông thường, người Tày vùng Tây Bắc lựa chọn gạo nếp được trồng trên nương rẫy có hương thơm tự nhiên, dẻo và trắng tròn. Khi làm bánh, vị thơm của gạo vẫn còn lưu lại trong bánh khá hấp dẫn. Công đoạn chế biến bánh khảo khá quan trọng và tỉ mỉ. Phải nắm chắc công thức chế biến và thật khéo léo mới làm được những mẻ bánh khảo ngon.

Gạo nếp được sẩy sạch sẽ, cho lên chảo rang. Khi rang gạo, lửa cháy vừa phải để gạo được chín từ ngoài vào trong. Gạo rang chuyển màu vàng và tỏa mùi thơm là được. Đợi khi gạo nguội, cho vào cối giã hoặc xay thành bột mịn. Sau đó, bột được đổ ra sàng rồi đặt dưới nền đất để bột hút hơi ẩm, tạo độ kết dính. Sau khoảng 30 phút, người chế biến dùng mật mía hoặc đường nhào lẫn bột, cho đến khi nào cả bột và mật hòa quyện, có thể nắm thành từng nắm mà bột không rơi ra.

Bánh khảo là món bánh truyền thống của đồng bào Tày vùng Tây Bắc.
Bánh khảo là món bánh truyền thống của đồng bào Tày vùng Tây Bắc.

Nếu bánh khảo ở vùng Cao Bằng được dàn đều ra mẹt rồi dùng dao cắt thành từng miếng nhỏ thì bánh khảo của đồng bào Tày ở một số vùng lại được nặn thành hình trụ, tựa như chiếc oản. Khi bánh đã được nặn thành hình trụ, để càng lâu, bánh càng kết dính với mật nên bột tuy khô nhưng sẽ không bị rơi ra hoặc bánh sẽ không bị vỡ. Để tạo nên dư vị đậm đà cho bánh, người Tày vùng Tây Bắc không dùng nhân vào giữa chiếc bánh mà lại “khoác áo” cho bánh khảo bằng một lớp hạt vừng trắng rất đều và đẹp. Sau khi bánh được nặn xong, người chế biến lăn đều bánh trên bát vừng trắng đến khi tất cả bề mặt của bánh đều dính vừng. Nhờ vậy, hạt vừng vừa đóng vai trò là nhân bánh, vừa là hạt trang trí, làm đẹp cho bánh khảo.

Bánh được chế biến xong, người Tày thường xếp bánh đều ra mâm có lót lá dong. Vì thế, mâm bánh khảo của người Tày vùng Tây Bắc rất sinh động, hấp dẫn khi có màu xanh tươi của lá dong, màu trắng vàng của bánh, màu vàng của hạt vừng. Bánh khảo khi thưởng thức có độ mịn, ngọt, thơm lựng của gạo nếp nương, vị ngọt của mật mía hòa quyện vào gạo rang tạo nên một cảm giác thú vị và sảng khoái khi ăn, có vị thơm, giòn của hạt vừng bao quanh bánh. Tất cả tạo nên hương vị vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng. Khi thưởng thức, bánh khảo sẽ hợp với uống nước chè xanh, nước chè lam ống nứa của người Tày.

Đồng bào Tày vùng Tây Bắc ở các bản dù công việc đồng áng có bận rộn đến mấy cũng không quên lựa những chùm lúa nếp nương thơm ngon nhất để chế biến bánh khảo vào những dịp lễ tết, hội bản, cưới hỏi, lễ cúng tổ tiên và tiếp đón khách phương xa. Bánh khảo gắn liền với phong tục, tập quán và những nghi lễ truyền thống của cư dân bản Tày. Đó là sản phẩm của đời sống nông nghiệp, được chế biến bởi bàn tay khéo léo và tâm huyết của những người phụ nữ Tày đảm đang.

Nguyễn Lượng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.