Multimedia Đọc Báo in

Đàn bò nhà Ama Chung

06:44, 16/07/2011

Đến thôn 4, xã Cư Ebur, (TP. Buôn Ma Thuột) vào buổi sáng, gặp đàn bò chừng hai chục con lông vàng óng thong thả bước trên con đường làng trải nhựa dưới cánh tay điều khiển của Ama Chung đi chăn, ai cũng phải tấm tắc khen.

Nhớ lại gần ba mươi năm trước, vợ chồng Ama Chung đều là giáo viên. Cuộc sống khó khăn nhưng cái khó nhất là mỗi ngày hai vợ chồng đi làm phải nhốt con trong nhà bởi cả xã chưa có nhà trẻ. Lòng quyết tâm không vượt qua nỗi bí bách, vậy là cả hai vợ chồng đành “gác” lại nghề giáo cao quý, ở nhà làm bạn với ruộng rẫy để tập trung chăm sóc con cái. Năm 1986, Chính phủ có đề án cấp bò giống cho đồng bào dân tộc còn khó khăn để phát triển kinh tế. Thôn 4 được cấp 5 con bò cho 5 hộ chăn nuôi, trong đó có gia đình Ama Chung. Thời ấy đồng bào còn mang nặng tư tưởng “Nhà nước cho thì mình có quyền dùng”, nhiều hộ nhận bò đem bán lấy tiền chi tiêu, riêng gia đình Ama Chung coi đó là tài sản được nhà nước đầu tư, phải biết trân trọng mà sử dụng cho đúng mục đích.

 
Từ một con giống ban đầu, hàng năm bò sinh sản đã giúp cho gia đình có một nguồn thu nho nhỏ giải quyết cái khó khăn tạm thời. Con bò là thứ tài sản quý trong nhà, nó biết sinh sôi như người ta gửi tiền ngân hàng có lãi, Ama Chung càng ra sức chăm sóc, có thời điểm đàn bò nhà ông lên tới hai chục con. Cùng với nguồn thu từ nuôi bò là thu nhập từ 9 sào cà phê, 1 ha đất trồng bắp, đậu, 3 sào ruộng trồng lúa nước, tổng thu nhập bình quân mỗi năm có 200 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình ông đã nuôi 6 đứa con ăn học hết phổ thông, giờ đây có người trưởng thành trong quân đội, người công tác ở đoàn ca múa Dak Nông…

Hiện nay dự án cấp bò cho đồng bào nghèo chăn nuôi vẫn đang được thực hiện, là một trong những mục tiêu của Chính phủ đầu tư cho Tây Nguyên phát triển kinh tế. Thế nhưng nhiều người vẫn chưa xác định đó là động lực giúp mình vượt lên khó khăn để xây dựng cuộc sống, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không sử dụng đúng mục đích cho cái lợi lâu dài, bền vững như gia đình Ama Chung. Người dân Cư Ebur khen: Giữ được đàn bò ngày càng phát triển là do Amí Chung biết sắp xếp, tất cả mọi việc trong gia đình từ kế hoạch phát triển kinh tế đến trực tiếp đeo bình phun thuốc sâu, làm rẫy, lội ruộng…đều do một tay Amí Chung lo liệu. Còn Ama Chung từ ngày được nhận con bò của Chính phủ đầu tư đến bây giờ chỉ chuyên “nghề” chăn nuôi bò.

Nguyễn Liên

Ý kiến bạn đọc