16:35, 02/07/2011
Thu nhập vài trăm triệu trên một héc-ta, tưởng như đã khó khăn đối với người làm nông nghiệp, thế nhưng gần đây trên địa bàn một số xã của TP. Buôn Ma Thuột đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, thu nhập hơn 300 triệu đồng trên một ha đất canh tác. Trong đó nổi lên là mô hình trồng ớt xuất khẩu của gia đình bà Lê Thị Hồng Phúc tại tiểu khu 1266, xã Hòa Xuân.
|
Bà Lê Thị Hồng Phúc đang giới thiệu mô hình ớt với hội viên nông dân xã Hòa Xuân. |
Trước đây toàn bộ diện tích hơn 3 ha ở tiểu khu 1266, xã Hòa Xuân là một vùng đất trống bạc màu, trồng cây gì cũng không hiệu quả. Đầu năm 2011, vợ chồng ông bà Lê Thị Hồng Phúc thuê lại kho của đơn vị bộ đội với 24 triệu đồng trong 2 năm để trồng ớt xuất khẩu. Với diện tích 3 ha, vợ chồng bà Phúc đã đầu tư 300 triệu đồng làm đất, lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước và tiến hành gieo trồng chủ yếu các loại giống ớt lai F1. Sau 4 tháng chăm sóc, vườn ớt đã phát triển tốt, cây nhiều nhánh, cành lá sum suê, ra trái sai và đồng đều, năng suất đạt từ 7 – 8 tấn/ha. Bà Phúc cho biết: Bình quân mỗi tháng gia đình thu hoạch được hơn 20 tấn quả tươi, với giá bình quân là 20.000đ/kg (có thời điểm giá ớt lên cao đến 30.000đ/kg); tính ra mỗi tháng gia đình bà sẽ có thu nhập hơn 400 triệu đồng. Tuy nhiên, đối với cây ớt hằng năm chỉ thu hoạch được vụ như thế này khoảng 3 tháng liên tục; những tháng còn lại sản lượng thường thấp hơn, như vậy với 3 ha ớt, sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm gia đình bà Phúc sẽ có thu nhập trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mô hình của bà Lê Thị Hồng Phúc còn giải quyết việc làm thường xuyên và có thu nhập ổn định cho gần 10 lao động ở địa phương.
Không dừng lại ở đó, thời gian tới gia đình bà sẽ tiếp tục mở rộng diện tích cây ớt bằng cách liên kết với các hộ dân trong vùng, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm để bà con trong xã cùng trồng phát triển loại cây ngắn ngày này, từ đó tiến tới việc mở nhà máy chế biến tại địa phương.
Với cách làm khoa học, năng động, hiệu quả, mô hình trồng ớt của gia đình bà Lê Thị Hồng Phúc được xem là điển hình tại xã Hòa Xuân để nhân rộng cho bà con trong vùng học tập, góp phần vào công cuộc xóa đói nghèo ở địa phương.
Xuân Hậu
Ý kiến bạn đọc