Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Đề án 1956: Kết quả đào tạo nghề lao động nông thôn đạt thấp

08:39, 13/11/2012

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  (LĐTB&XH), năm 2012 số lao động nông thôn được đào tạo nghề miễn phí theo Đề án 1956 chỉ đạt 21% so với kế hoạch. Kết quả này đang đặt ra áp lực cho tiến độ, cũng như lộ trình của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020.

Kết quả đào tạo nghề lao động nông thôn đạt thấp

Trên cơ sở kết quả khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn vào đầu năm, Sở LĐTB&XH đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề miễn phí theo QĐ 1956 trong năm 2012 là 8.136 lao động với 234 lớp và dự kiến nguồn kinh phí 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến hết tháng 10 mới có 50 lớp được mở với 1.714 lao động nông thôn  học nghề, chỉ đạt 21% kế hoạch. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Dạy nghề (Sở LĐTB&XH) thì đây cũng là con số cuối cùng của năm 2012…

Trong khi đó, theo kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2010-2015 của tỉnh, trung bình mỗi năm cần đào tạo hơn 23.000 lao động (bao gồm cả hơn 8.000 lao động nông thôn) để đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề lên 40% vào năm 2015. Nhưng, với tiến độ đào tạo nghề như hiện nay thì kế hoạch này khó có thể đạt được nếu không có sự nỗ lực vượt bậc trong thời gian tới…

Hiện nay, toàn tỉnh có 46 cơ sở dạy nghề, trong đó có 14 cơ sở tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn. Hầu hết hoạt động dạy nghề này đều do các trung tâm dạy nghề huyện đảm nhận. Tất cả 15 huyện, thị xã, thành phố  đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức hội nghị quán triệt nội dung Quyết định 1956 tới cán bộ chủ chốt cấp xã, phường, thị trấn và đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Tính đến thời điểm này, 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã có Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp xã; phối hợp với các đoàn thể, các đơn vị dạy nghề để tư vấn, tổ chức tuyển sinh, mở lớp học nghề cho người lao động. Nhưng ở một số địa phương, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn chưa thực sự được quan tâm nên có những huyện như: M’Drak, Ea Súp, Lak cả năm 2012 không tổ chức được một lớp dạy nghề nào cho lao động nông thôn. Một số huyện khác như Ea Kar, Buôn Đôn, Cư M’gar, TX. Buôn Hồ chỉ mở được từ 1 đến 2 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với một số nghề thông dụng như may, mây tre đan, sửa chữa máy nông nghiệp…

Lớp học nghề trồng nấm rơm ở xã Ea Bông (Krông Ana)
Lớp học nghề trồng nấm rơm ở xã Ea Bông (Krông Ana).

Những khó khăn trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ đào tạo nghề đạt thấp là do phân bổ ngân sách chậm và thấp. Mãi đến tháng 5-2012, nguồn kinh phí dạy nghề lao động nông thôn mới được Trung ương phân bổ về cho tỉnh 4,734 tỷ đồng (chỉ bằng 20% so với nhu cầu thực tế)…

Bên cạnh đó là một loạt những khó khăn khác tác động đến số lượng và chất lượng dạy nghề nông thôn như:  Việc triển khai thực hiện Đề án tại các huyện, thị xã trên địa bàn của tỉnh còn chậm, có nơi chưa triển khai; cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương thiếu sự quan tâm chỉ đạo thực hiện Đề án; công tác đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu xã hội, phần lớn các địa phương mới tập trung đào tạo một số ngành nghề cơ bản cho LĐNT, chưa chú trọng lợi thế về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, ngành nghề truyền thống của địa phương… Đây cũng là lý do khiến người lao động chưa coi việc được đào tạo nghề là yếu tố cần thiết để bảo đảm cuộc sống cho bản thân và gia đình. Qua tìm hiểu, nhiều nông dân ở các địa phương có mong muốn được học nghề, tuy nhiên do các lớp đào tạo nghề mở quá xa nên họ không thể đi học được. Đặc biệt, với nhiều nông dân học nghề xong không có vốn để tự đứng ra sản xuất, kinh doanh.

Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về dạy nghề trên địa bàn tỉnh còn thiếu, ở phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã một số cán bộ được bố trí làm công tác dạy nghề có trình độ chuyên môn không phù hợp, nhiều người phải kiêm nhiệm một lúc nhiều mảng công việc; các cơ sở dạy nghề cấp huyện cơ bản mới được thành lập, cơ sở vật chất thiếu thốn, bộ máy quản lý chưa được kiện toàn (14 Trung tâm dạy nghề mới chỉ có 63 cán bộ quản lý, trong đó có những trung tâm như M’Drak chỉ có vỏn vẹn một Giám đốc; còn Krông Bông, Lak, Cư M’gar, Ea Súp mỗi đơn vị chỉ có 3 người - giám đốc, phó giám đốc và 1 cán bộ); đội ngũ giáo viên cơ hữu còn thiếu (có 9 Trung tâm dạy nghề hoàn toàn không có giáo viên biên chế), trình độ và kỹ năng dạy nghề còn thấp, do đó việc tổ chức thực hiện Đề án chưa đạt kết quả như mong muốn.

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Quang Trường cho biết: Phần lớn cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh mới được thành lập và đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề, điều kiện tổ chức đào tạo còn hạn chế. Bên cạnh đó, lao động nông thôn tham gia học nghề không tương đồng về độ tuổi, trình độ, nhận thức, điều kiện gia đình khác nhau, nhiều người có tâm lý ngại đi học do chưa nhận thức đầy đủ về học nghề làm ảnh hưởng đến chất lượng các khóa đào tạo. Việc vay vốn để phát triển sản xuất sau khi học nghề còn chưa mấy thuận lợi; bà con chưa nắm rõ chủ trương, ít có cơ hội tiếp cận, thủ tục vay phức tạp. Dak Lak là tỉnh nông nghiệp, ít khu công nghiệp do đó người lao động sau khi được đào tạo nghề ít có cơ hội tìm kiếm được việc làm. Vì vậy, thời gian vừa qua chủ yếu đào tạo các nghề phục vụ lao động tại chỗ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp...

Vậy một câu hỏi được đặt ra là: nếu nguồn vốn được cấp đủ thì liệu công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh có thể đạt được chất lượng, hiệu quả cao không khi mà những khó khăn, bất cập, hạn chế nêu trên vẫn còn tồn tại? Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho rằng, để thực hiện Đề án một cách có hiệu quả, các sở, ngành và chính quyền địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ. Triển khai, nhân rộng các mô hình đào tạo thí điểm có hiệu quả, xây dựng các mô hình dạy nghề mới gắn với các vùng chuyên canh, huyện điểm, xã điểm, xây dựng nông thôn mới và các doanh nghiệp nhằm sản xuất những sản phẩm sẵn có tại địa phương như: chăn nuôi bò, heo, gà; tăng năng suất cà phê, tiêu, lúa; trồng nấm; phát triển nghề thủ công dệt thổ cẩm, mây tre đan… Đồng thời bổ sung biên chế cán bộ quản lý dạy nghề, giáo viên dạy nghề; tiếp tục rà soát nhu cầu bồi dưỡng đào tạo của cán bộ công chức cấp xã để xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Ban chỉ đạo của tỉnh cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc thực hiện Đề án ở các địa phương để kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, đồng thời đề ra những giải pháp hợp lý, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề (Bộ LĐTB&XH) thừa nhận nguồn ngân sách đào tạo năm 2012 chậm và ít so với kế hoạch, nhưng cũng khẳng định tiến độ đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 vẫn sẽ được bảo đảm. Ông Dũng lý giải: “Kế hoạch đào tạo nghề cho nông dân đặt ra là bình quân đào tạo 1 triệu người/năm, trong 10 năm sẽ đào tạo 10 triệu lao động. Hiện nay và thời gian vừa qua là giai đoạn khởi động, chúng ta phải tập trung chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nên con số chỉ tiêu đào tạo 1 triệu lao động/năm là không đạt được. Nhưng ở các năm sau, khi các điều kiện được hoàn thiện thì sẽ tăng số lượng lao động được đào tạo lên hơn 1 triệu người/năm, bù đắp cho những năm trước. Như vậy, tiến độ triển khai của đề án đến năm 2020 sẽ bảo đảm".  Bộ LĐ-TB&XH đang chuẩn bị điều kiện về giáo viên chuyển giao cho các tỉnh; tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra diện rộng về dạy nghề cho lao động nông thôn năm 2012 tại 63 tỉnh, thành phố.

Minh Quân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.