Multimedia Đọc Báo in

Nan giải xử lý tình trạng xả nước thải ra đường phố

09:03, 04/08/2010

Dù TP. Buôn Ma Thuột đã được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh nhưng một bộ phận không nhỏ người dân thành phố vẫn còn thiếu ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó nan giải nhất là tình trạng các hộ dân, nhà hàng, quán ăn xả nước thải, chất thải ra đường phố, xuống hố ga thoát nước mưa gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị. Các cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng trên.

Chỉ cần dạo một vòng qua các tuyến đường trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột như: Ngô Quyền, Lê Thánh Tông, Phan Bội Châu, Nguyễn Công Trứ vào tầm từ 9 đến 10 giờ sáng dễ dàng bắt gặp tình trạng nước thải chảy tràn lan trên vỉa hè xuống lòng đường rồi xuống hố ga thoát nước mưa của thành phố. Hầu hết các nhà hàng, quán ăn, điểm rửa xe, quán cà phê, giải khát, thậm chí cả một số khách sạn, quán karaoke cũng lén lút xả nước thải ra đường vào thời điểm giữa trưa và đêm khuya. Một số quán ăn  trên đường Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông, Trần Nhật Duật còn ngang nhiên lấy vỉa hè làm nơi rửa chén bát và hố ga thoát nước mưa trên đường phố làm nơi thường xuyên đổ chất thải. Dãy quán ăn trên đường Ngô Quyền như: Tú Nhi, Cây Bàng…thường xuyên xả nước thải ra lòng đường gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị trên cả một đoạn đường. Ngay cả một số công trình đang xây dựng cũng ngang nhiên xả nước thải tràn lan ra đường như trên khu vực đường Nguyễn Công Trứ, Lý Thường Kiệt. Vào thời điểm từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng, một số khách sạn, nhà hàng còn dùng cả máy bơm và kéo ống để bơm nước thải xuống hố ga thoát nước mưa của thành phố gây nên tình trạng tắc nghẽn hệ thống thoát nước vào mùa mưa và ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối tại các hố ga thoát nước vào mùa khô.

Hội quán Bia ở đường Trần Nhật Duật thường xuyên lấy vỉa hè làm nơi rửa chén bát.
Hội quán Bia ở đường Trần Nhật Duật thường xuyên lấy vỉa hè làm nơi rửa chén bát.

Để xử lý tình trạng trên, Đội Quản lý Trật tự cảnh quan đô thị thành phố đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan như: Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường, UBND các xã, phường… kiểm tra, xử lý. Mới đây, UBND TP. Buôn Ma Thuột còn quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành có sự tham gia của các đơn vị như: Phòng Quản lý Đô thị thành phố, Đội Trật tự cảnh quan đô thị thành phố, Cảnh sát môi trường, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đô thị và Môi trường cùng UBND các xã, phường trên địa bàn. Tuy nhiên, qua một thời gian hoạt động, mặc dù đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với không ít trường hợp nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng trên. Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng các đối tượng vi phạm thường xuyên tái đi tái lại nhiều lần, nhưng trong đó phải kể đến là quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính do Nhà nước quy định chưa phù hợp. Trước thời điểm tháng 5-2010, theo Nghị định 146 của Chính phủ mức xử phạt đối với các trường hợp xả nước thải ra đường phố chỉ là 50 nghìn đồng, mức xử phạt tương đối thấp này chưa đủ sức răn đe đối với các trường hợp vi phạm. Không ít nhà hàng kinh doanh ăn uống chấp nhận việc bị xử phạt nhiều lần vì số tiền bị xử phạt vi phạm hành chính thấp hơn nhiều so với chi phí nhà hàng phải bỏ ra để xử lý nước thải sinh hoạt hằng ngày của mình. Từ ngày 20-5-2010, Nghị định 34 của Chính phủ có hiệu lực thi hành, trong đó mức quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp xả nước thải ra đường phố thấp nhất là 500 nghìn đồng. Thế nhưng, mặc dù Nghị định này đã được áp dụng và có trường hợp đã bị xử phạt tới 7,5 triệu đồng như quán lẩu dê Tứ Xuyên ở đường Phan Chu Trinh; cơ sở bánh mì Hà Nội ở đường Lê Thánh Tông bị xử phạt một triệu đồng… nhưng tình trạng xả nước thải, chất thải ra đường phố trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn thường xuyên tái diễn.
Một số quán ăn trên đường Lê Thánh Tông (khu vực đối diện hoa viên thành phố) thường đổ chất thải xuống hố ga thoát nước mưa trên đường Lê Thánh Tông.
Một số quán ăn trên đường Lê Thánh Tông (khu vực đối diện hoa viên thành phố) thường đổ chất thải xuống hố ga thoát nước mưa trên đường Lê Thánh Tông.

Một nguyên nhân nữa là việc xử lý của các cơ quan chức năng trên địa bàn chưa mạnh, chưa kiên quyết và dứt điểm đối với từng trường hợp vi phạm. Không ít trường hợp tái phạm việc xả nước thải, chất thải ra đường phố, xuống hố ga thoát nước mưa nhiều lần nhưng chưa có trường hợp nào bị đình chỉ kinh doanh do vi phạm này. Điều đó khiến nhiều đối tượng vi phạm coi thường sự kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.

Thiết nghĩ, để từng bước chấm dứt tình trạng trên, cần xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm vệ sinh môi trường nói chung và xả nước thải, chất thải ra đường phố nói riêng; bên cạnh hình thức lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính thì có thể xử lý bằng hình thức đình chỉ và thu hồi giấy phép kinh doanh đối với những trường hợp vi phạm và tái phạm nhiều lần. Ngoài ra, trước khi cấp giấy phép kinh doanh cho một cơ sở kinh doanh ăn uống giải khát, nhà hàng khách sạn hay cơ sở sản xuất nào đó, cơ quan chức năng thành phố cũng nên xem xét việc cơ sở đó có bảo đảm yêu cầu về hệ thống xử lý nước thải, chất thải cho quá trình hoạt động hay không.

 

Minh Ngọc

 


Ý kiến bạn đọc