Ảnh hưởng của En Nino đến mưa và dòng chảy sông, suối ở Tây Nguyên
Đối với Việt Nam nói chung, khu vực Tây Nguyên nói riêng, En Nino có ảnh hưởng rất rõ tới thời tiết, khí hậu thủy văn. Trong vài ba chục năm qua, đồng hành với En Nino thường là hạn hán gay gắt ở Tây Nguyên.
Mưa và dòng chảy sông suối là hai trong các yếu tố khí hậu thủy văn có liên quan mạnh mẽ tới đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân Tây Nguyên, cũng là hai yếu tố chịu tác động mạnh mẽ nhất của hiện tượng En Nino. Những đợt En Nino hoạt động mạnh thường có tác động rút ngắn thời gian mùa mưa, kéo theo sự thiếu hụt nghiêm trọng lượng mưa năm cũng như lượng mưa trong từng mùa, nhất là thời kỳ mùa khô. Do là nơi đầu nguồn của các dòng sông nên mưa ít sẽ đồng hành với nước ít. Hầu hết những năm có En Nino là những năm sông suối trở nên cạn kiệt hơn. Thiếu hụt mưa và dòng chảy khiến trong những kỳ En Nino đã cho mùa khô ở Tây Nguyên trở nên rất khắc nghiệt. Trong nhiều trường hợp, sự thâm hụt lượng mưa nhiều, kéo dài nhiều tháng, thậm chí trong cả kỳ En Nino dẫn đến hạn hán nghiêm trọng. Chẳng hạn như các kỳ En Nino 1982 – 1983; 1997 – 1998 và 2004 – 2005,.. hạn hán gay gắt, kéo dài làm cho hàng trăm ngàn ha cây trồng bị khô cháy, bị chết, hàng chục ngàn người thiếu nước sinh hoạt và thiếu đói vì hạn hán.
Đợt hạn hán vừa qua gây thiệt hại nặng cho vụ hè thu ở huyện Krông Bông. Ảnh: T.L |
Thiếu hụt lượng mưa ở Tây Nguyên do ảnh hưởng của En Nino
Tây Nguyên là một trong những vùng có lượng mưa năm xếp vào hàng phong phú của nước ta. Trung bình toàn khu vực đạt trên 1800mm. Một số nơi có lượng mưa năm lớn như Bảo Lộc, Gia Nghĩa, PleiKu,... Lượng mưa năm ở Tây Nguyên có đặc điểm là biến động lớn giữa các năm và giữa các vùng. Năm mưa nhiều có thể có lượng cao gấp rưỡi năm mưa ít. Riêng những năm có hoạt động của En Nino, hầu hết lượng mưa ở các khu vực đều đạt thấp hơn so với trung bình nhiều năm, tập trung trong thời kỳ En Nino hoạt động. Kết quả phân tích mức độ thiếu hụt lượng mưa trong các kỳ En Nino gần đây thông qua số liệu đo mưa của các trạm đo Khí tượng Thủy văn và đo mưa trên địa bàn Tây Nguyên cho thấy: Số đợt En Nino gây hụt lượng mưa trong toàn đợt chiếm từ 65 – 85%; độ hụt lượng mưa trung bình trong một đợt En Nino từ 10 - 20%; độ hụt lượng mưa lớn nhất trong một đợt En Nino từ 25 - 45%, cá biệt có kỳ En Nino hụt tới hơn 65%; số tháng hụt lượng mưa liên tục dài nhất trung bình trong một đợt En Nino là từ 9 – 13 tháng.
Dòng chảy sông suối trước tác động của En Nino
Tiếp sau mưa, lượng dòng chảy sông suối cũng là nhân tố chịu tác động mạnh của hiện tượng En Nino, bởi dòng chảy phụ thuộc vào mưa mà mưa lại chịu tác động mạnh của En Nino như đã phân tích ở trên. Trong phần lớn các kỳ En Nino, lượng dòng chảy trong các tháng có En Nino thường đạt thấp hơn trung bình nhiều năm. Sự giảm này chủ yếu là do sự suy giảm lượng mưa và gia tăng lượng bốc hơi. Trong những năm gần đây do nhu cầu nước cho sản xuất tăng mạnh nhất là trong thời kỳ mùa khô nên vào những năm có En Nino, hạn hán làm cho nhu cầu tưới tăng lên, đây cũng là yếu tố khiến dòng chảy sông suối trở nên cạn kiệt nhanh hơn và mức độ nghiệm trọng hơn trong các mùa khô.
Ảnh hưởng của En Nino tới dòng chảy năm và dòng chảy cạn
Ở Tây Nguyên, đa phần những năm có hoạt động của En Nino, lượng mưa thường đạt bằng hoặc thấp hơn so với trung bình nhiều năm nên lượng dòng chảy sông suối cũng có diễn biến tương tự. Mức thiếu hụt dòng chảy năm trung bình của đa số các năm có En Nino hoạt động vào khoảng từ 10 – 25%; lớn nhất từ 30 – 50%; đặc biệt mức độ thiếu hụt có thể lên đến 60 – 75%. Chẳng hạn: Sông Sêrêpôk, tại Buôn Đôn năm 1982 hụt 22,6%; sông Ba, tại An Khê năm 1982 hụt 74,5%; sông Sê San, tại Kon Tum, năm 1998 hụt 32.9%; sông Krông Ana, tại Giang Sơn, các năm 1982, 1983, 1991 hụt từ 37,0 – 45,2%; sông Dak Nông, tại Dak Nông, các năm 1983, 1983, 1998 hụt từ 28,3 – 48,2%.
En Nino luôn là tác nhân tạo ra mức độ cạn kiệt ở các sông suối. Thời gian cạn kiệt kéo dài, mực nước sông suối xuống thấp, thậm chí nhiều sông suối không còn dòng chảy dẫn đến tình trạng thiếu nước nghiêm trọng cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp và phát điện. Rõ nét nhất là En Nino 1997 – 1998. Mùa cạn 1997 – 1998 trên các sông ở Tây Nguyên kéo dài từ 7 – 10 tháng. Chẳng hạn: Mùa cạn trên sông Ba, kéo dài từ tháng 11-1997 đến tháng 9-1998; tại Đại Nga, sông La Ngà từ tháng 1-1997 – 7-1998; trên sông Dak Nông từ tháng 11-1997 – 7-1998; trên sông Dak Bla tại Kon Tum từ tháng 12-1997 – 8-1998; trên sông Sêrêpôk, từ tháng 12-1997 – 9-1998.
Như vậy, diễn biến thời tiết, thủy văn ở Tây Nguyên trong thời gian cuối năm 2012 và đầu năm 2013 sẽ khá phức tạp. Hiện nay, mùa mưa lũ năm 2012 chưa kết thúc, nguy cơ xuất hiện mưa lũ lớn trên các hệ thống sông của Tây Nguyên còn rất cao. Mặt khác, các kết quả dự báo dài hạn lại nghiêng nhiều về khả năng mùa mưa năm 2012 của Tây Nguyên sẽ kết thúc sớm, đồng nghĩa với việc mùa khô năm 2012 – 2013 đến sớm hơn và thời gian có thể kéo dài hơn so với trung bình nhiều năm. Đây là vấn đề cần được quan tâm không chỉ của những người làm chuyên môn Khí tượng Thủy văn mà còn của cả chính quyền và nhân dân các địa phương ở Tây Nguyên vì nó liên quan trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân Tây Nguyên.
En Nino là hiện tượng nhiệt độ nước biển ấm lên bất thường ở ngoài khơi bờ biển Nam châu Mỹ (Peru và Ecuador), phía Thái Bình Dương, thường kéo theo mưa lớn ở các vùng bờ biển Peru và Chile. Theo tiếng Tây Ban Nha, "El Ninô" có nghĩa là "cậu bé", do những người đánh cá địa phương đặt, ý ám chỉ "Chúa hài đồng" vì nó thường xuất hiện vào dịp lễ Giáng sinh. En Nino xuất hiện 3 đến 5 năm một lần. Trong thời gian diễn ra hiện tượng En Nino, những phần Thái Bình Dương ấm lên, gây ra sự thay đổi thời tiết khắp nơi trên thế giới.
KS. Nguyễn Văn Huy (Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum)
Ý kiến bạn đọc