Multimedia Đọc Báo in

Cả cộng đồng cùng giữ rừng !

08:46, 15/09/2012

Nằm giữa bốn bề khu dân cư đông đúc là một cánh rừng nguyên sinh vẫn tồn tại nguyên vẹn hàng chục năm nay mà không một cây rừng nào bị suy chuyển. Giữ được sắc xanh cho rừng là nhờ ý thức bảo vệ của cả cộng đồng dân cư sống quanh rừng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của những người đứng đầu các thôn, buôn.

"Rừng còn, buôn làng còn, văn hóa Êđê còn!" .

Khu rừng Cư H’lăm (thị trấn Ea Pôk, Cư M’gar) có diện tích khoảng gần 20ha, còn tồn tại nhiều loài gỗ quý có đường kính 3-4 người ôm không xuể như: cà te, hương, gụ mật, sao đỏ... Bên cạnh đó nhiều loại động vật như nhím, kỳ đà, trăn… trú ngụ. Bao quanh khu rừng là các buôn Ea Mắp, buôn Bôk, buôn Lang, Ea Suk, thôn Cư H’lăm… Người dân sống quanh chân núi gọi đồi Cư H’Lăm là “Rừng Thiêng”, gắn liền với một truyền thuyết về sự hình thành của khu rừng kể về sự trừng phạt của Yàng đối với một mối tình từ ngàn xưa.

Chuyện kể lại rằng: từ xa xưa, ở phía Đông ngọn núi có một buôn làng người Êđê sinh sống. Ngọn núi không biết hình thành tự bao giờ, chỉ biết khi buôn làng về đây sinh sống đã thấy núi sừng sững, người già nhất trong buôn cũng không biết tên núi là gì, chỉ biết khu rừng này rất rậm rạp, nhiều gỗ quý và thú dữ.

Ở trong buôn dưới chân núi, có hai anh em cùng họ Niê, một trai, một gái là Y Đin và H’Hoan đã đem lòng yêu thương nhau, nguyện cùng nhau về sống dưới một mái nhà. Nghiệt ngã thay, theo luật tục của buôn làng, anh em cùng họ thì không được lấy nhau, bởi vậy cả hai đã phạm vào luật làng, phải chịu sự trừng phạt của buôn làng, phải cúng Yàng bằng một con heo trắng. Lạ thay, khi già làng đang làm lễ khấn Yàng, bỗng nhiên con heo cúng đang đặt trên bàn vùng dậy bỏ chạy đi mất. Dấu chân heo chạy đến đâu, đất buôn làng sụp đến đó và trở thành vùng đầm lầy nằm ở phía Đông dưới chân đồi núi Cư H’lăm hiện nay.

Người trong làng còn lưu truyền rằng khu rừng rất linh thiêng, ai đi vào rừng mà lỡ nhắc đến tên Y Đin, H’Hoan hoặc lỡ chặt một cây trong rừng lập tức bị Yàng bắt tội, sẽ không tìm được lối ra và cứ đi quanh quẩn trong rừng đến chết vì đói và khát.

Truyền thuyết ngàn xưa ấy đã trở thành dấu ấn văn hóa tâm linh ăn sâu vào tâm thức nhiều thế hệ người Êđê sống quanh chân núi, hình thành trong họ ý thức gìn giữ và bảo vệ khu rừng thiêng liêng Cư H’lăm vẹn nguyên hàng trăm năm qua.

Bên cạnh truyền thuyết để giữ rừng đó, theo ông Bùi Bạch Tâm – thôn trưởng thôn Cư H’lăm, việc giữ được khu rừng nguyên sinh này là nhờ sự bảo vệ của cả cộng đồng các thôn, buôn sống quanh chân núi. Ông Tâm cho biết: trong tất cả các cuộc họp thôn buôn, công tác tuyên truyền, giáo dục về vấn đề bảo vệ, gìn giữ giá trị rừng Cư H’lăm đều được đem bàn luận. Người dân trong thôn, buôn từ già trẻ, lớn bé đều được mời tham dự đông đủ. Chính nhờ những buổi họp như vậy mà người dân đã ý thức sâu sắc được việc phải giữ “lá phổi xanh” của buôn làng.

Dẫn chứng cho sự chung tay bảo vệ rừng của cả cộng đồng thôn buôn quanh rừng Cư H’lăm, ông Y Ham M’lô – thôn phó thôn Cư H’lăm kể thêm: từ năm 2010, rừng Cư H’lăm được giao về cho công ty cà phê Ea Pôk quản lý. Nói về trách nhiệm quản lý bảo vệ, người dân sống quanh đó không còn trách nhiệm gì, nhưng tuyệt đối không ai vào xâm hại chặt phá cây rừng nào mà còn ra sức bảo vệ. Không những thế, người dân còn hợp đồng với công ty trồng các loại gỗ như sao đỏ, gỗ dầu quanh chân núi, góp phần mở rộng diện tích rừng, đến nay cây nào cây nấy đã lớn, đường kính từ 30-40cm.

Ông Y Ham dẫn chứng thêm, cách đây khoảng 2 năm, một số người dân đốt rẫy đã vô tình làm lửa cháy lan lên khu rừng cấm. Khi phát hiện sự việc, không ai bảo ai, người dân các thôn buôn đồng loạt kéo ra dập lửa, nhờ đó mà rừng được cứu. Đỉnh điểm vào năm 2010, khi cơn bão số 9 số 11 đi qua, mưa và gió lớn đã làm một số cây cổ thụ trong rừng gãy đổ, phía Công ty cà phê Ea Pôk xin giấy phép từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào thu dọn cây gỗ bị đổ, đồng thời làm vệ sinh cho rừng Cư H’lăm. Công ty đã không họp hay thông báo cho người dân biết, đến khi nghe tiếng cưa máy trong rừng, người dân các thôn buôn quanh đó đã kéo ra bao vây đòi tịch thu hết máy móc, giữ người giao cho cơ quan chức năng. Chỉ đến khi công ty này đưa giấy phép ra, người dân mới cho phép vào rừng dọn cây đổ; tuy nhiên họ vẫn cử người ở lại giám sát, đếm và đánh dấu từng gốc cây rừng bị gãy đổ. Bởi họ lo sợ rằng, trong lúc tận thu cây gãy đổ, người ta có thể “tiện tay” mà cắt thêm một vài cây còn sống khác, vì thế họ phải trông chừng cho đến khi công tác thu dọn hoàn thành.

Nói về sự tồn tại của rừng Cư H’lăm, ông Y Ham tự hào: “Mấy chục năm nay, người dân sống quanh rừng Cư H’lăm chưa ai dám vào rừng chặt gỗ, chưa một cây rừng nào bị lấy đi. Ai vào phá rừng sẽ bị làng trừng phạt, nặng thì đuổi ra khỏi làng. Người dân quanh rừng ai cũng luôn ý thức, giữ được rừng thì buôn làng bình yên, mới tránh được mọi hiểm họa. Rừng còn, buôn làng còn, văn hóa Êđê còn!”.

Lê Văn


Ý kiến bạn đọc