Môi trường Việt Nam: Vẫn nan giải xử lý các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cả nước hiện có trên 1.153 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, trong đó gồm 289 kho lưu giữ và 864 khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn 38 tỉnh, thành phố.
Đáng lo ngại là thuốc bảo vệ thực vật là những hợp chất hữu cơ có độc tố cao, khó phân hủy sinh học, có thể theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt hoặc tiềm tàng trong không khí, thức ăn, nước uống sinh hoạt hàng ngày, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình.
Ảnh minh họa: T.H |
Qua phân tích mẫu đất tại 59/289 kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và khu vực xung quanh kho chứa (do Tổng cục Môi trường tiến hành), hàm lượng thuốc Lindan vượt dao động từ 3 đến 1.025,9 lần, hàm lượng DDT (Diclorodiphenyl tricloroetan) vượt từ 5 đến 20.500 lần so với QCVN 15:2008/ BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Còn tại 267/864 khu vực ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cho thấy hàm lượng DDT vượt QCVN 15:2008/BTNMT dao động từ 1 đến 14438,7 lần. Trong số 864 khu vực ô nhiễm thì tỉnh Nghệ An có số lượng các kho thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu lớn nhất trong cả nước với 913 điểm từ thời kỳ chiến tranh và bao cấp để lại với 177 điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra, ngày 21-10-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1964/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên phạm vi cả nước. Theo đó, từ năm 2010 đến 2015 tập trung xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại 240 điểm tồn lưu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng của 15 tỉnh, thành phố. Từ năm 2016 đến 2025, tiếp tục điều tra, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại 95 điểm tồn lưu còn lại của 9 tỉnh, thành phố.
Mới đây, trong Quyết định số 1206/QĐ-TTg ngày 2-9-2012 về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015 cũng đã đưa mục tiêu xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện 100 khu vực bị ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra. Song đến thời điểm này, một số địa phương vẫn gặp khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý ô nhiễm tại các điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật như: lựa chọn phương án và công nghệ xử lý phù hợp đối với từng điểm ô nhiễm; kinh phí xử lý các điểm ô nhiễm rất lớn nên ngân sách tỉnh không đủ đáp ứng…
T.H (Nguồn Bộ Tài nguyên và Môi trường)
Ý kiến bạn đọc