Multimedia Đọc Báo in

Phân loại rác thải tại nguồn: Bao giờ thành hiện thực?

10:39, 20/08/2013

Phân loại rác thải tại nguồn là một trong những phương pháp hữu ích góp phần giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng rác thải, giúp tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tại tỉnh ta, việc triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn dường như còn ở… thì tương lai xa, không chỉ bởi trở ngại từ ý thức người dân!

Đổ rác: tất cả trong một

Cứ hai ngày một lần, chị Nguyễn Thị Hiền (phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột) lại khệ nệ mang các túi rác trong nhà ra đổ tại thùng rác công cộng. Không có khái niệm phân loại rác, chị chỉ phân loại theo kiểu: thứ gì… bán đồng nát được thì để riêng một chỗ, còn những thứ khác thì gom tất vào một bịch mang bỏ vào thùng rác công cộng. Thành ra, trừ những vỏ chai bia, chai nhựa, chai sữa tắm hay dầu gội đầu… được để dành cho những người mua phế liệu, bịch rác nhà chị Hiền “hầm bà lằng” các loại, từ thức ăn thừa, túi nylon bẩn đến… bỉm em bé, đều được để lẫn vào nhau và mang đi đổ. Chị bảo: “Tôi chưa bao giờ nghe đến việc phân loại rác cả, và nếu ở nhà phân riêng ra các loại rác thì mang đi đổ cũng cho chung vào một chỗ bởi thùng rác công cộng chỉ có mỗi một ngăn cho tất cả các loại rác. Thế thì phân loại làm gì?”.

Một điểm thu gom rác tại khu dân cư.
Một điểm thu gom rác tại khu dân cư.

Nhà đông người nên hằng ngày gia đình chị Trần Ngọc Duyên (cũng ở phường Tân Thành, TP.Buôn Ma Thuột) có một lượng rác khá lớn, trong đó nhiều nhất là thức ăn thừa, những thứ bỏ đi sau khi sơ chế thực phẩm. Trước đây, chị Duyên thường bỏ những thứ rác hữu cơ này vào một thùng riêng để dành cho người đến xin về nuôi heo, nhưng gần đây người ta cũng không xin nữa, lượng rác này chị không biết phải làm thế nào. Vẫn có thói quen cho riêng loại rác này vào một bịch nylon nhưng rồi chẳng biết phải giải quyết thế nào, cuối ngày chị Duyên lại mang đổ vào thùng rác công cộng cùng với các loại rác khác. Chị tâm sự: “Ở xóm tôi, bịch rác của nhà nào cũng lẫn lộn đủ mọi thứ và mang đổ hết ra thùng rác công cộng. Không hiểu sau khi thu gom, công nhân công ty môi trường có phân loại và xử lý riêng từng loại rác không nhỉ? Chắc là không thể, bởi đổ rác lẫn lộn tất cả trong một thế thì phân loại sao nổi”.

Có bạn bè sống ở các nước phát triển như Đức, Nhật…, nghe họ kể về chuyện thu gom rác ở những nơi ấy mà chị Đào Thị Hằng (TP.Buôn Ma Thuột) rất thích thú. Theo lời kể của cô bạn Việt kiều Đức, rác thải tại đó được phân loại rất kỹ càng. Người dân mỗi khi vứt rác đều tự chia ra làm 4 loại: đồ hộp (cho vào túi vàng), giấy báo (cho vào túi trắng), rác bio là các loại rau củ quả và các thứ còn lại không phân biệt được, gọi là rác bẩn - rác này sẽ được phân hủy mà không tái sử dụng được. Ngoài ra chai lọ thì có một khu vứt riêng với các công ten nơ chia rõ chai màu trắng, màu nâu và màu xanh. Mỗi loại rác được phân loại đều có cách xử lý khác nhau, hợp vệ sinh và bảo vệ môi trường. Quan trọng là việc phân loại rác đã trở thành thói quen, đi vào ý thức của mỗi người dân ở đó. Thấy hay quá, chị Hằng cũng học theo cách phân loại rác, hiện nay, ở nhà chị cũng tự sắm thùng rác, quy định bỏ mỗi loại rác khác nhau, thùng thì chuyên để các loại rác từ thực phẩm, thùng thì đựng các loại vỏ chai, lon bia, hộp nhựa, giấy báo, hộp sữa… Chỉ có điều, mỗi khi mang ra thùng rác công cộng đổ, những loại rác mà chị đã phân loại cũng lại bỏ chung vào một chỗ, vì chẳng biết để ở đâu!

Có thể nói, phân loại rác là một khái niệm còn khá xa lạ đối với nhiều người dân ở tỉnh ta. Việc phân loại dường như mới dừng ở mức: chỉ chọn ra những gì mang bán phế liệu được (vỏ chai, sách báo, sắt thép…), còn thì đều cho chung vào túi rác và mang đi đổ tại thùng rác công cộng!

Bao giờ phân loại rác?

Theo các chuyên gia môi trường, phân loại rác tại nguồn là một phương pháp rất hữu ích cho việc xử lý rác. Theo đó, ngay từ nhà, người dân sẽ phân rác thải sinh hoạt thành từng loại riêng rẽ, chẳng hạn: các loại rác có thể thu hồi để tái sử dụng, tái chế (các thiết bị điện, bao bì bằng giấy, kim loại, thủy tinh, chất dẻo, nhựa…), các chất thải hữu cơ (cây, rau, thực phẩm, xác động vật), các loại sản phẩm có chứa các hóa chất độc hại (pin, ắc quy, dầu mỡ bôi trơn)… Dựa trên việc phân loại này, đơn vị thu gom có thể có cách xử lý khác nhau như tái chế đối với các loại rác có thể tái sử dụng, chế biến thành phân bón với các loại rác hữu cơ và có cách xử lý bảo đảm môi trường đối với những chất thải độc hại. Ưu việt như vậy nhưng việc phân loại rác tại nguồn dường như khó triển khai, không chỉ tại tỉnh ta mà tại hầu hết các tỉnh thành khác. Được biết, tại Việt Nam mới chỉ thực hiện thu gom và phân loại rác thải tại nguồn (còn gọi là dự án 3R – Reduce, Reuse, Recycle – giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) tại một số quận của Hà Nội với sự hỗ trợ của tổ chức JICA (Nhật Bản); tuy nhiên, sau khi hết tài trợ thì dự án này dường như cũng dừng lại, người dân thủ đô lại quay trở về với cách đổ rác như trước đây!

Theo ông Bùi Văn Quý, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Đô thị và môi trường Dak Lak (gọi tắt là công ty đô thị) cho biết, triển khai phân loại rác tại nguồn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố: tuyên truyền để thay đổi ý thức của người dân trong việc thu gom rác, đơn vị thu gom rác phải đầu tư thùng rác và xe rác chuyên dùng (có nhiều ngăn để chứa các loại rác khác nhau), địa phương phải đầu tư xây dựng nhà máy xử lý các loại rác (chế biến rác hữu cơ thành phân bón...) mà hiện nay với điều kiện của Dak Lak thì vẫn chưa thực hiện được. Hiện tại, việc phân loại rác vẫn mang tính tự phát, phụ thuộc chủ yếu vào những người... thu gom phế liệu và họ chủ yếu chọn ra những gì có thể ... bán lại được để kiếm lời. Bên cạnh đó, hoạt động tái chế vẫn mang tính nhỏ lẻ và chưa được quản lý chặt chẽ nên có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (chủ yếu là các cơ sở tư nhân sản xuất hạt nhựa để mang bán lại và các cơ sở này thường nằm trong khu dân cư). Ông Quý thừa nhận: “Người dân vẫn có thói quen cho tất cả các loại rác vào trong một bao và mang đi đổ, thậm chí ngay các cơ sở y tế tư nhân cũng để lẫn cả rác thải y tế vào rác thải sinh hoạt để mang bỏ ở thùng rác công cộng”.

Công ty đô thị hiện đảm nhiệm việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt tại 14/21 xã, phường thuộc TP.Buôn Ma Thuột với số lượng rác thải khoảng 190 tấn/ngày. Rác thải sinh hoạt vẫn được xử lý chủ yếu theo phương pháp chôn lấp, với quy trình như sau: rác thải sinh hoạt tại các khu dân cư được tập kết tại nơi công cộng, sau đó được công ty dùng xe vận chuyển về bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tại thôn 3, xã Cư Êbur, đổ vào các ô chôn lấp rồi san ủi, đầm nén và phun chế phẩm khử ruồi, khử mùi. Mặc dù việc xử lý rác thải bằng cách chôn lấp được tuân thủ đúng quy trình, bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường song bãi chôn lấp Cư Êbur không có hệ thống thu gom xử lý nước rỉ rác khiến nước rỉ rác từ bãi rác này thẩm thấu tự nhiên và phát tán ra môi trường, gây ô nhiễm khu vực xung quanh (được biết, bãi chôn lấp rác thải Cư Êbur nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải di dời và theo thiết kế thì bãi chôn lấp rác thải này phải đóng cửa vào năm 2005 nhưng do dự án đầu tư xây dựng công trình mở rộng, nâng cấp bãi chôn lấp chất thải rắn của UBND tỉnh thiếu kinh phí xây dựng nên bãi chôn lấp rác thải này vẫn hoạt động đến nay). Bên cạnh đó, do không phân loại rác nên trên thực tế có tình trạng chất thải nguy hại lẫn trong rác thải sinh hoạt và được chôn lấp cùng với rác thải sinh hoạt. Cũng theo ông Quý cho biết, việc phân loại rác tại nguồn vẫn ... chưa có trong kế hoạch triển khai trong thời gian tới, và phương pháp xử lý rác thải chủ yếu của tỉnh trong tương lai có lẽ vẫn là chôn lấp. Công ty đô thị cũng đã được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng bãi chôn lấp rác thải hợp vệ sinh tại xã Hòa Phú (TP.Buôn Ma Thuột) với thời gian dự kiến cuối năm 2019 sẽ hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 và đi vào sử dụng.

Theo ông Đoàn Ngọc Khuê, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh, để tiến tới thực hiện phân loại rác tại nguồn, bên cạnh việc đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải, quy hoạch các khu vực đổ rác một cách hợp lý, cần tăng cường đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Và việc này thì cũng cần rất nhiều … thời gian và kinh phí!

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.