Multimedia Đọc Báo in

Bảo tồn đa dạng sinh học ở Vườn Quốc gia Yok Đôn: Những thách thức

13:17, 06/01/2014

Kỳ I: “Chảy máu” nguồn tài nguyên quý

Là nơi duy nhất của Việt Nam bảo tồn được loại rừng khộp đặc trưng, Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn còn được xếp vào loại A trong các khu bảo vệ có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học. Tuy nhiên, trước những tác động của đời sống kinh tế và xã hội, tài nguyên Vườn Yok Đôn đang từng ngày “chảy máu”.

“Bậc nhất” đa dạng sinh học của Việt Nam

VQG Yok Đôn là một trong những khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất nước ta với tổng diện tích 115.545 ha, chủ yếu là hệ thống rừng khộp (chiếm 93% diện tích) mang tính đặc trưng của rừng nhiệt đới Đông Nam Á. Đây là VQG duy nhất ở Việt Nam bảo tồn được nhiều loài thực vật và động vật có giá trị. Theo khảo sát của các nhà khoa học, Yok Đôn hiện có khoảng 489 loài động vật thuộc 54 họ, 16 bộ; trong đó với 67 loài thú, 196 loài chim, 46 loài bò sát, 15 loài lưỡng cư và khoảng 100 loài côn trùng sinh sống. Nguồn động vật hoang dã ở đây không những phong phú và đa dạng mà còn rất đặc trưng cho hệ động vật vùng Đông Nam Á. Trong số 56 loài động vật quý hiếm của khu vực Đông Dương thì Yok Đôn có đến 36 loài và 17 loài được ghi trong sách đỏ thế giới như voi, trâu rừng, bò sừng xoắn, hươu sao, sơn dương, gà lôi, công, sáo, phượng hoàng… Đây còn là khu vực duy nhất ở Việt Nam có nhiều động vật quý tập trung với số lượng lớn như bò rừng, báo, nai cà tông, kỳ đà nước và cũng là một trong những vùng bảo tồn chim quan trọng của nước ta, nhất là đối với chim công, chìa vôi Mê Kông và quắm lớn …

Người dân địa phương khai thác măng tre trong rừng khộp.
Người dân địa phương khai thác măng tre trong rừng khộp.

Hệ thực vật cũng rất phong phú và đa dạng với 858 loài thuộc 129 họ, trong đó có tới 116 loài (chiếm 14%) cho gỗ với giá trị kinh tế cao như: trắc, cà te, cẩm lai, giáng hương, chiêu liêu đen... Ngoài ra, còn có hơn 100 loài cây làm thuốc, hàng chục loài làm cảnh và cung cấp nguyên liệu đan lát, thủ công mỹ nghệ, thực phẩm. Yok Đôn là VQG duy nhất ở Việt Nam bảo tồn kiểu rừng cây họ dầu như cây dầu xà ben và cây dầu lông. Cùng với đó, VQG Yok Đôn là địa điểm du lịch sinh thái, thám hiểm, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, là nơi để các nhà khoa học nghiên cứu về đa dạng sinh học, đặc điểm sinh thái các loài động thực vật như voi, thú móng guốc, hổ báo Đông Dương, các loài chim…. Tuy nhiên, hiện nay, Yok Đôn đang bị lâm tặc lộng hành, nhiều cây gỗ quý, động vật rừng có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng. Trước nguồn lợi và những đặc thù có một không hai của rừng khộp ở VQG Yok Đôn, công tác bảo vệ, bảo tồn tài nguyên, môi trường đứng trước thách thức từ tác động của đời sống kinh tế, xã hội.

Muôn kiểu tận diệt !

Với ưu thế hơn 90% là rừng khộp nên Yok Đôn là nơi chứa đựng nguồn dược liệu đa dạng, phong phú với 64 loài cây làm thuốc như địa liền, thiên niên kiện, hà thủ ô, sâm bố chính, mã tiền… Tuy nhiên, hiện nay những cây dược liệu này đang bị suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt nhiều loài thuốc quý đang đứng trước nguy cơ biến mất. Một trong những nguyên nhân là do việc khai thác chưa đi đôi với bảo tồn. Đơn cử như trong khai thác truyền thống, việc thu hái dược liệu phải tuân thủ theo mùa, vụ và tuổi của cây, những cây chưa đủ tiêu chuẩn bao giờ cũng được để lại cho mùa sau. Thế nhưng, vì nguồn lợi trước mắt, cùng với sự thiếu kiến thức, chưa được hướng dẫn đầy đủ khiến người dân chỉ chú trọng việc thu hái mà quên mất việc tái tạo, bảo tồn dược liệu.

Việc khai thác lâm sản trái phép trong VQG với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp khiến tài nguyên rừng đang dần cạn kiệt, mà chủ yếu là những loại gỗ quý hiếm như: căm xe, hương, trắc, gỗ đỏ, cà chít…. Điển hình như ngày 26-3-2013, lực lượng kiểm lâm cơ động đã phát hiện 17 hộp gỗ hương với khối lượng gần 1,8 m3 tại tiểu khu 492 của VQG được các lâm tặc khai thác trái phép và cất giấu chờ cơ hội vận chuyển ra khỏi rừng. Trước đó, ngày 16-3, đoàn công tác của Tổng cục Lâm nghiệp và Hạt kiểm lâm VQG Yok Đôn cũng đã phát hiện 191 lóng gỗ từ nhóm II đến nhóm VI không rõ nguồn gốc, có tổng khối lượng gần 149 m3 tại tiểu khu 245, nằm dọc 2 bên đường 14C đi qua VQG Yok Đôn, trong đó chủ yếu là gỗ căm xe, bằng lăng, chiêu liêu…

Sau cây cảnh, thú rừng cũng trở thành thú chơi “độc” của các đại gia. Thú rừng đẹp, hiếm và nằm trong “sách đỏ” thì càng “độc” và vô giá, nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng để mua những loài như đại bàng, khỉ đỏ đít, sáo… đem về nhà nhốt chơi! Chính vì thế, các loài động vật ở VQG Yok Đôn đang ngày đêm bị “xẻ thịt” một cách không thương tiếc mà phương thức phổ biến được các thợ săn sử dụng là lồng hoặc lẫy để bẫy. Lồng dùng bẫy các loại thú nhỏ như nhím, sóc, chồn, chim... còn bẫy dùng bắt các loại thú lớn như heo, hươu, nai, mang, tê tê... Ngoài ra, không ít người sử dụng các loại súng tự chế để săn bắn, truy đuổi bất kể loài nào miễn là có thể bán được. Vụ sát hại 2 con voi rừng khoảng 22-25 tuổi tại VQG Yok Đôn được người dân phát hiện vào ngày 25-8-2012 là một ví dụ cụ thể: đầu con voi đực đã bị đục để lấy ngà và hộp sọ, vòi bị cắt đứt rời.

Việc tận diệt các loài động vật hoang dã không chỉ nhằm chế biến món ăn mà còn để sử dụng làm đồ trang trí, trang sức.... Đặc biệt quan niệm chữa bệnh từ cao hổ, khỉ, sơn dương, mật gấu… đã khiến tình trạng săn bắn, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp ngày càng tăng. Mặt khác, tập quán săn bắn thú rừng của một bộ phận đồng bào dân tộc miền núi vẫn còn tồn tại. Nếu tình trạng trên cứ tiếp diễn thì chẳng bao lâu nữa, các loài thú quý hiếm sẽ chỉ còn trong… sách đỏ! Ngoài những kiểu “tận diệt” trên, còn nhiều nguyên nhân khiến hệ sinh thái rừng khộp ở VQG Yok Đôn đang ngày càng suy giảm nghiêm trọng như việc chặt phá rừng làm nương rẫy; chuyển đổi đất rừng sang trồng cà phê, cao su, làm thủy điện; nạn cháy rừng…

(Còn nữa)

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.