Đi vào xứ sở pơ mu
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin với địa hình gồm nhiều dãy núi cao trên 1000m so với mực nước biển có khí hậu mát mẻ, độ ẩm cao. Nơi đây trở thành “thiên đường” để loài cây pơ mu sinh sống và phát triển, những cây pơ mu cổ thụ tuổi đời hàng nghìn năm đang trở thành thứ tài sản vô giá của đại ngàn.
Để đến được khu vực phân bố loài cây pơ mu, đoàn tuần tra của Kiểm lâm Vườn Quốc gia (VQG) Chư Yang Sin phải băng đèo vượt suốt một ngày ròng rã.Ở độ cao hơn 1500m của đỉnh núi Chư Yang Nia, những “gã” pơ mu khổng lồ bắt đầu xuất hiện trong sương mù bảng lảng, xen lẫn giữa đám rừng thường xanh với nhiều loại cây. Cây nhỏ cũng phải hai người ôm mới xuể, còn cây lớn thì phải hơn chục người ôm. Là loài cây không chịu được bóng râm nên không khó để nhận ra những cây pơ mu giữa vô vàn cây cối của rừng rậm khi loài này lúc nào vươn cao hơn tất cả những loài khác xung quanh để đón ánh sáng của mặt trời. Từ tiểu khu 1208 đến tiểu khu 1214, quãng đường hơn cây số nhưng chúng tôi đã nhìn thấy gần 20 cây pơ mu lớn. Thấy tôi vừa đi vừa đếm số lượng những cây pơ mu, anh Kiều Thế Tình, Phó trưởng Phòng quản lý, bảo vệ rừng VQG Chư Yang Sin tếu táo: “Chú đếm làm gì cho mệt, pơ mu ở trong Vườn này nhiều như mía, có đi cả tháng đếm cũng không hết. Những kiểm lâm có thâm niên đi tuần rừng hơn chục năm cũng chưa ai biết hết được số loài cây này ở đây là bao nhiêu”.
Một gốc pơ mu có nu hình dáng đười ươi. |
Tiểu khu 1214 nằm ở độ cao khoảng 1.700m, chỉ lội bộ trong khoảng 30 phút đã tìm được 6 cây pơ mu, trong đó có một “cụ” pơ mu nổi bật bởi thân hình hoành tráng, ở gốc mọc nu có hình thù kỳ lạ. “Cụ” này có đường kính gốc cây gần 4 mét, cao hơn 30 mét, 6 kiểm lâm nắm tay nhau vẫn không ôm xuể, ước chừng cây này cũng phải hơn 1.000 năm tuổi. Thân cây màu xám, bên ngoài phủ đầy một lớp rêu xanh, gốc cây lồi ra một khối nu có hình thù giống như một con đười ươi đang chồm mình từ trong hang đá ra. Những rễ cây to bằng thân người trưởng thành buông thỏng từ trên thân cây xuống bám chằng chịt vào những phiến đá xanh tạo nên sự vững chãi, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của loài cây này. Loay hoay mãi với cái máy ảnh mà vẫn không tài nào lấy hết được toàn cảnh cây pơ mu, kiểm lâm Trương Công Huệ, phụ trách chó nghiệp vụ cười nói: “Đây chưa phải là cây pơ mu to nhất đâu Vườn đâu, trong những lần đi truy quét lâm tặc dài ngày, tụi tui còn đi qua những cánh rừng có những cây pơ mu cả chục người ôm không hết, cao hơn tòa nhà 10 tầng, tán rộng cả trăm mét”.
Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin đang kiểm tra một cây pơ mu. |
Pơ mu thuộc nhóm 2A, gỗ của nó có chất lượng tốt, vân đẹp nên có giá cao ngất ngưởng trên thị trường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc chúng bị lâm tặc “nhắm” đến nhiều hơn khiến việc quản lý bảo vệ rừng càng thêm áp lực. Ở tiểu khu 1208 do trạm kiểm lâm số 4 quản lý, có một cây pơ mu đường kính khoảng 1m mọc bên đường mòn tuần tra, trên thân cây có một vết thương lớn do cưa xăng gây ra. Anh Y San, Trạm phó trạm kiểm lâm số 4 cho biết, cây pơ mu này cách đây mấy năm bị lâm tặc nhắm để cưa trộm. Nhưng mới cưa thì bị kiểm lâm Vườn phát hiện nên chúng bỏ chạy. “Thời gian đó anh em trong trạm phải đóng lán nằm gần cả tháng trời dưới gốc cây này để canh giữ đề phòng lâm tặc quay lại cưa trộm mới giữ nó đến được bây giờ, chứ lơ là thì lâm tặc nó đã dọn đi rồi”.
Ông Tống Ngọc Chung, Giám đốc VQG Chư Yang Sin cho biết, hiện nay Vườn đang quản lý 59.531 ha rừng với 58 tiểu khu, trong đó, theo khảo sát sơ bộ thì có hơn 20 tiểu khu có sự phân bố của cây pơ mu. Chúng bắt đầu phân bố ở độ cao từ 1000-2000m, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn ở độ cao từ 1.600-1.800m. Đây là loài gỗ quý có số lượng lớn nhất trong Vườn, tuy nhiên, số lượng cụ thể của loài cây này trong Vườn là bao nhiêu thì chưa thể kiểm đếm chính xác vì chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu cụ thể, chi tiết về loài cây này. “Trước đây, đã từng xây dựng đề án bảo tồn những loài cây gỗ quý phân bố tại Vườn trong đó có pơ mu nhưng do thiếu vốn nên vẫn chưa triển khai được”, ông Chung cho biết thêm.
Rời xứ sở của những “đại mộc lão” pơ mu cũng là lúc cơn mưa rừng ập tới, nhờ những tán pơ mu dày đặc che chở, nước mưa không đủ làm ướt người. Tôi mừng thầm vì loài cây quý giá này vẫn đang được an toàn để phát triển, vẫn tự do reo vui cùng gió mưa giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc