Làm cho thế giới sạch hơn: Bắt đầu từ những hành động nhỏ!
Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng từ năm 1993, tổ chức vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm, đến nay đã trở thành sự kiện môi trường quốc tế thường niên quan trọng, thu hút sự tham gia hưởng ứng của hơn 130 quốc gia.
Hưởng ứng Chiến dịch, các tổ chức, đoàn thể, địa phương và mỗi người dân trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều hành động cụ thể góp phần Làm cho thế giới sạch hơn. Đơn cử như cách làm của phụ nữ thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) hay phụ nữ phường Bình Tân (thị xã Buôn Hồ)… trong việc phân loại rác thải tại nguồn và hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ bằng cách dùng hộp hay giỏ nhựa để đựng thực phẩm.
Ở thị trấn Krông Kmar mỗi gia đình đều tự phân loại rác thải bằng cách đựng vào 3 thùng riêng biệt. Trong đó, rác thải hữu cơ như rau, củ, quả hư hỏng và thức ăn thừa được để riêng dùng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc chôn lấp, làm phân bón cho cây trồng; rác tái chế gồm chai lọ nhựa, giấy, kim loại… để bán cho những người thu mua ve chai; rác thải vô cơ gồm đất đá, túi ni lông… được xe thu gom rác của công ty môi trường đến đưa đi xử lý. Chị Huỳnh Thị Nhàn (thị trấn Krông Kmar) chia sẻ: “Mặc dù phong trào này chỉ mới phát triển mạnh từ đầu năm 2015 nhưng gia đình tôi đã thực hiện từ nhiều năm nay. Theo tôi thấy đây là một việc làm rất hữu ích vừa giúp giảm tải lượng rác thải vừa có thêm khoản tiết kiệm nhờ bán phế liệu; đặc biệt là hạn chế được tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực mình sinh sống”. Không chỉ thế, chị em phụ nữ thị trấn Krông Kmar còn phát động, tuyên truyền việc hạn chế sử dụng túi nilon khi đi chợ bằng cách mang theo hộp nhựa, giỏ để đựng thực phẩm; đồng thời, những chiếc bao bì, túi nilon sau khi dùng cũng được rửa sạch sẽ rồi sắp xếp lại tái sử dụng chứ không vứt bừa bãi như trước đây.
![]() |
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh trồng cây xanh tại khu vực Ao cá Bác Hồ (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột). |
Đối với Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh, ngoài việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở mọi người nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống thông qua các lớp tập huấn cho người dân, tổ chức cho học sinh thi vẽ tranh, gắn biển bảo tồn cây cổ thụ đầu nguồn bến nước… Hội còn triển khai trồng cây xanh ở khu vực Ao cá Bác Hồ (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột), gây nuôi các giống cá mè để thả vào các hồ xử lý nước thải tại Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thành phố nhằm bảo vệ môi trường nước.
Bên cạnh những việc làm cụ thể, thiết thực trên, hiện nay vẫn còn tồn tại không ít những hành vi, thói quen xấu tác động đến môi trường sống. Chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh người dân xả rác nơi công cộng; tai hại hơn nữa là một lượng không nhỏ rác thải đang bị vứt bừa bãi xuống sông, suối, gây tắc đường cống thoát nước, nghẽn hố ga khiến hệ thống xử lý nước thải thành phố vốn đã quá tải nay càng bị thu hẹp dòng chảy… Hay như việc sử dụng túi nilon bừa bãi, vô tội vạ vẫn đang diễn ra khắp các chợ, hàng quán, thậm chí ở các gia đình đang làm gia tăng khối lượng chất thải; tình trạng cây xanh ở khu vực công cộng bị chặt phá vì lợi ích của một cá nhân, hộ gia đình hay cả đơn vị, gây mất cân bằng hệ sinh thái…
Chính vì thế, bảo vệ môi trường không nhất thiết là phải nghiên cứu ra một công trình, một hệ thống máy móc hiện đại; cũng không phải là trách nhiệm của riêng nhà chức trách, các chuyên gia hay của pháp luật… mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, trước hết là bản thân mỗi người. Đó có thể là những việc làm, hành động đơn giản nhỏ nhặt và cụ thể hàng ngày như: tiết kiệm điện, nước mọi lúc, mọi nơi; hạn chế sử dụng túi nilon; trồng và chăm sóc cây xanh; không vứt rác, xác động vật xuống dòng sông, ao hồ; giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho con em, nhất là các cháu học sinh thông qua việc để các em tự vệ sinh trường, lớp, phòng học…
Bên cạnh sự thay đổi nhận thức, hành động từ phía người dân, các cơ quan chức năng cũng phải có những biện pháp, lập kế hoạch bảo vệ môi trường tích cực theo quan điểm nghĩ đến lợi ích lâu dài cho môi trường.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc