Chung tay bảo vệ môi trường
Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của cả cộng đồng, xã hội; đồng hành cùng chung tay, các tổ chức tôn giáo đã tích cực tuyên truyền, vận động các tín đồ nâng cao nhận thức và hành động cụ thể, thiết thực.
Buôn Kon H’ring (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) có hơn 300 hộ đồng bào dân tộc Xê Đăng đều là người công giáo. Những năm trước, người dân trong buôn chủ yếu hứng nước mưa để phục vụ sinh hoạt trong gia đình, số hộ có giếng đào, khoan rất ít. Do đó, vào mùa nắng, nhiều người phải đi lấy nước suối về sử dụng. Nhằm khắc phục thực trạng này, linh mục Nguyễn Sơn Quảng (quản xứ Quảng Nhiêu) đã hỗ trợ xây dựng hệ thống nước sạch cho bà con với tổng kinh phí hơn 280 triệu đồng, gồm một giếng khoan và 3 bồn inox. Nước từ giếng khoan sau khi bơm được xử lý qua hệ thống lọc thẩm thấu ngược bằng kỹ thuật hiện đại nên bảo đảm vệ sinh. Nhờ vậy, 2 năm nay người dân buôn Kon H’ring không còn phải mang gùi đi lấy nước suối, cũng không còn lo ngại nguồn nước dùng làm ảnh hưởng sức khỏe như trước. Điều đáng nói là ngoài việc được sử dụng nước sạch miễn phí, nhận thức của bà con trong việc bảo vệ môi trường, nguồn nước cũng được nâng lên, mọi người đều ý thức giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác thải làm ô nhiễm nguồn nước ngầm.
Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn tỉnh ký kết chương trình phối hợp bảo vệ môi trường. Ảnh: T. Hồng |
Không chỉ ở buôn Kon H’ring, mà ở nhiều thôn, buôn khác trên địa bàn tỉnh cũng được các tổ chức, cá nhân trong đồng bào công giáo hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch như linh mục Nguyễn Hùng Tiến (quản xứ buôn Hằng I, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắc) lắp đặt hệ thống lọc nước sạch cho người dân 3 buôn trong xã là Cư Drang, Ea Mao, Kon Wang; linh mục Nguyễn Văn Thái (quản xứ giáo xứ Vinh Trung, xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) vận động kinh phí lắp hệ thống nước sạch cho người dân thôn 1A, 1B, 1C và thôn 2 trên địa bàn xã…
Ngoài vấn đề nước sạch, việc thu gom và xử lý rác thải cũng được các giáo dân chú trọng. Cụ thể như con đường dài gần 2 km từ giáo xứ Thuận Hòa vào giáo xứ buôn Hằng (huyện Krông Pắc) trước đây luôn bừa bãi rác thải, cây cối mọc rậm rạp hai bên đường khiến nhiều người đi qua khu vực này ái ngại. Trước tình trạng này, linh mục Đinh Công Tiến (quản xứ Thuận Hòa) đã vận động và đích thân cùng với bà con giáo dân tham gia thu gom rác thải hai bên đường để môi trường được trong sạch, thông thoáng hơn. Không những thế, ông còn tuyên truyền, giải thích để mọi người không xả rác thải bừa bãi mà tự nguyện thu gom rồi chôn lấp hoặc đốt trong vườn nhà. Cũng nhờ đó, hơn 1 năm nay bà con giáo dân sinh sống trên tuyến đường này đã biết bảo vệ môi trường xung quanh, không để xảy ra tình trạng rác thải gây ô nhiễm như trước.
Xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, các tăng ni, phật tử Chùa Phổ Minh (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) luôn chăm sóc vườn cây xanh trong khuôn viên chùa để tạo cảnh quan xanh tươi. Nhà chùa cũng lắp đặt thùng rác ở các khu vực trong chùa để thu gom rác của bà con tín đồ khi đến chiêm bái, dự các sự kiện tại đây. Không những thế, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân, các chư tăng ở chùa sau mỗi thời gian thuyết pháp đều trao đổi, chia sẻ với phật tử về lợi ích của việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, nhất là những khu vực công cộng như ao hồ, cống rãnh, sông suối; đặc biệt, tuyên truyền cho các phật tử về vấn đề hạn chế sử dụng phân bón hóa học trong việc chăm sóc cây trồng để bảo vệ môi trường đất, nước và không khí…
Có thể nói, phong trào bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được các cấp, ngành, địa phương địa bàn tỉnh triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực; trong đó, có sự đóng góp tích cực của nhiều cá nhân và cộng đồng các tổ chức tôn giáo.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc