"Điểm nghẽn" trong thực hiện tiêu chí môi trường ở Cư Êbur
Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư đang là điểm “nghẽn” của mục tiêu hoàn thành tiêu chí số 17 (môi trường) trong năm 2016 ở xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).
Ô nhiễm từ trang trại đến cơ sở nhỏ, lẻ
Đối với tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, xã Cư Êbur đã cơ bản đạt các chỉ tiêu về sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch…, nhưng vẫn đang vướng về chỉ tiêu các cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa đạt tiêu chuẩn về môi trường.
Trong chỉ tiêu này, các chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh là chuồng trại phải đáp ứng các yêu cầu: nằm cách biệt với nhà ở; chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý; không xả, chảy tràn trên bề mặt đất; không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh. Tuy nhiên, các trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã hiện nay đa số nằm trong khu dân cư và chưa áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để xử lý chất thải nên dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đơn cử như trang trại chăn nuôi của hộ ông Nguyễn Thúc Trăng (thôn 3) với mô hình chăn nuôi gà siêu trứng lên đến gần 70.000 con. Dù chăn nuôi với số lượng lớn từ hơn 10 năm nay nhưng chủ trang trại lại không xây dựng hệ thống xử lý chất thải dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Hay như trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Cao Hách (thôn 2), chỉ nuôi hơn 5.000 con gà siêu trứng, mặc dù nằm xa khu dân cư nhưng do thiếu hệ thống xử lý chất thải nên gây mùi hôi thối, ảnh hưởng đến môi trường.
Trang trại chăn nuôi gà siêu trứng của hộ ông Nguyễn Cao Hách gây ô nhiễm môi trường. |
Trên thực tế, hầu hết các trang trại chăn nuôi gia cầm trên địa bàn xã Cư Êbur đều trực tiếp xả thải ra môi trường, chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Không chỉ thế, các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ nằm xen trong các khu dân cư, cạnh nhà ở cũng gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân các thôn, buôn.
Khó vì thiếu kinh phí
Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã phối hợp với các cấp, ngành liên quan tổ chức đoàn đi kiểm tra, khảo sát thực tế hoạt động của trang trại chăn nuôi trên địa bàn xã và tuyên truyền nhân dân giữ gìn vệ sinh chung. Qua đó, một số trang trại chăn nuôi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường đã bị xử phạt hành chính; nhiều cơ sở chăn nuôi nhỏ, lẻ bị nhắc nhở, buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm. Bên cạnh đó, UBND xã cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ di dời, xây dựng chuồng trại xa khu dân cư, ký cam kết bảo vệ môi trường.
Theo bà H’Luanh Êban, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êbur, hầu hết các trang trại, hộ gia đình đều nhận thức được tác hại của việc gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, nhưng cái khó của họ là thiếu nguồn kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để di dời, xây dựng xa khu dân cư. Theo tính toán, để di dời cơ sở đi nơi khác hoặc xây mới, các chủ trang trại phải đầu tư hàng trăm triệu đồng; đó là chưa kể đến việc phải ngưng hoạt động chăn nuôi trong một thời gian.
Bà
H’Luanh Êban
, Phó Chủ tịch
UBND xã nhận định
|
Ngoài khó khăn trong việc giải quyết, xử lý ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất, kinh doanh thì vấn đề thu gom và xử lý rác thải cũng là rào cản trong quá trình thực hiện tiêu chí môi trường ở địa phương. Được biết, toàn xã chỉ mới có 40% hộ dân (4/7 thôn, buôn) tham gia dịch vụ thu gom rác thải với 2 đơn vị là Công ty TNHH MTV Quản lý đô thị và môi trường tỉnh và Công ty TNHH Môi trường Đông Phương. Các hộ còn lại hầu hết đều xử lý bằng cách chôn lấp, đốt trong vườn nhà; số ít thiếu ý thức thì thường xuyên vứt rác thải ra những khu vực công cộng, đoạn đường vắng dân cư, sông suối…
Hiện nay địa phương đang tập trung tuyên truyền, vận động các hộ dân tham gia dịch vụ thu gom rác thải; các chủ trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý chất thải chăn nuôi.
Theo số liệu thống kê của UBND xã Cư Êbur, trong tổng số 306 cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã có 46 trang trại chăn nuôi và 260 hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới có 50 cơ sở ký cam kết bảo vệ môi trường, 5 cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ đã di dời ra khỏi khu dân cư. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc