Multimedia Đọc Báo in

Thu phí vệ sinh môi trường: Còn nhiều khó khăn!

10:03, 18/10/2016

Hiện nay, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt đã được Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk triển khai đến 11 phường và 5 xã vùng ven. Việc bố trí 15 xe chuyên dùng và lịch thu gom liên tục từ hằng ngày đến cách ngày và 1 tuần 2 lần đã cơ bản đáp ứng nhu cầu đổ rác sinh hoạt của người dân và công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, song song với công tác thu gom rác thải sinh hoạt thì công tác thu phí vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều nan giải. Bên cạnh những hộ dân rất có ý thức và tự giác chấp hành việc đóng phí vệ sinh thì còn không ít hộ rất chây ì, đóng không thường xuyên hoặc không đóng...

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên như: các hộ già cả neo đơn không có điều kiện đóng phí; nhiều hộ thường xuyên đi làm không có ở nhà; 2-3 nhà anh em bà con sống liền kề nhưng chỉ một nhà đóng phí…; ngoài ra, phần lớn những hộ còn lại thuộc diện chây ì không chịu đóng phí vệ sinh. Chị Nguyễn Thị Thảo, nhân viên tổ thu phí vệ sinh thuộc Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk cho biết: Dù nhân viên thu phí đã tìm đủ mọi cách giải thích cho dân nhưng nhiều hộ viện đủ lý do như: nhà không có rác, tự xử lý chôn lấp rác ngoài vườn, nương rẫy; nhà ở trong hẻm không được quét rác nên không đóng…, song trên thực tế các hộ này vẫn đổ rác ra đường thường xuyên. Thậm chí, có những hộ nhân viên thu phí đến nhiều lần để vận động nhưng chủ nhà trốn trong nhà không mở cửa hoặc có mở cửa nhưng thấy nói thu phí vệ sinh là đóng sầm cửa lại; có người còn đe dọa lần sau không được tới thu hoặc thách thức nhân viên thu phí vệ sinh là cứ bỏ rác nhưng không đóng…

Công nhân và đoàn viên thanh niên Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk thu dọn rác tại các bãi rác tự phát  trên địa bàn thành phố. Ảnh: M.Ngọc
Công nhân và đoàn viên thanh niên Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk thu dọn rác tại các bãi rác tự phát trên địa bàn thành phố. Ảnh: M.Ngọc

Việc thất thu phí vệ sinh không chỉ gây khó khăn cho Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường trong việc bố trí nguồn kinh phí để phục vụ lại công tác thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt mà còn là một trong những nguyên nhân gây mất vệ sinh môi trường ở các khu dân cư bởi rất nhiều hộ không đóng phí vệ sinh thường lén lút mang rác ra bỏ bừa bãi ở những khu đất trống và nơi công cộng. Công ty phải thường xuyên sử dụng xe xúc để gom ủi, xúc dọn rất nhiều điểm rác tồn đọng phát sinh trên địa bàn.

Trước tình trạng trên, Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk đã thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát, đánh giá thực trạng công tác vệ sinh môi trường và thu phí vệ sinh ở từng xã, phường nhằm từng bước chấn chỉnh những thiếu sót trong công tác thu gom, vận chuyển rác thải, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương trong việc vận động người dân tham gia ký hợp đồng thu gom rác thải sinh hoạt. Song song với công tác tuyên truyền, đoàn viên thanh niên Công ty thường xuyên tổ chức ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường và tham gia vào công tác vận động người dân đóng phí vệ sinh vào những ngày thứ bảy, chủ nhật nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Đô thị và Môi trường Đắk Lắk, hiện tại công ty đang triển khai phục vụ thu gom rác thải sinh hoạt cho gần 27.000 hộ dân ở 16 xã, phường trên địa bàn; song, mới chỉ có chưa tới 19.000 hộ đóng phí vệ sinh hằng tháng, đạt tỷ lệ 70%. Một số xã, phường có tỷ lệ hộ dân đóng phí vệ sinh còn thấp như: phường Thành Nhất (57%), phường Tân Lập (49%), xã Ea Kao (59%), xã Cư Êbur (68%)...; đơn vị có tỷ lệ hộ dân chấp hành việc đóng phí vệ sinh cao nhất là phường Thắng Lợi cũng mới chỉ đạt 83% số hộ trên địa bàn. 

Minh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.